Kiểm tra, đánh giá hồ đập thủy điện trước mùa mưa bão

Đó là một trong những chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Hội nghị về quản lý, vận hành đập thủy điện và phòng chống thiên tai ngành Công Thương, ngày 7/6, tại TP. Đà Nẵng.

Năm nay, để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện Chỉ thỉ số 03/CT-BCT ngày 19/4/2018 của Bộ về công tác PCTT&TKCN năm 2018.

Việc tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, giữa đơn vị với địa phương, để thống nhất chỉ huy, điều hành trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai/sự cố cũng được Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh. Các đơn vị tiếp tục rà soát lồng ghép nội dung PCTT&TKCN vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng thiết kế, xây dựng công trình để bảo đảm an toàn cho công trình và cộng đồng đối với các hình thái thiên tai.

"Riêng với các chủ đập thủy điện cần tổ chức kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trước mùa mưa, để đảm vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả. Đặc biệt chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du", Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu. 

Ngành Công Thương họp triển khai nhiệm vụ ứng phó mùa mưa bão 2018

Năm 2017, thiệt hại do thiên tai gây ra trong toàn ngành Công Thương ước gần 600 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất (gần 500 tỷ đồng). 

Theo Lãnh đạo Bộ Công Thương, năm vừa qua, các đơn vị do Bộ quản lý đã chủ động thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, thành lập Ban Chỉ huy và lực lượng xung kích PCTT&TKCN, tổ chức trực 24/24 giờ, dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm, vật tư, phương tiện sẵn sàng huy động, sử dụng khi có nhu cầu. Đối với các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện, việc xây dựng phương án phòng, chống lụt bão (đối với đập mới đưa vào vận hành) hoặc rà soát, sửa đổi (đối với đập đã đưa vào khai thác, sử dụng) được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với đặc thù đơn vị.

Nhiều tập thể và cá nhân của EVN có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT&TKCN năm 2017 được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Năm 2017, EVN được Chính phủ biểu dương về làm tốt công tác ứng phó với thiên tai. Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng là việc quán triệt các đơn vị thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ". Đồng thời, sự điều động, hỗ trợ, chi viện, phối hợp kịp thời của các đơn vị trong Tập đoàn đã giúp công tác khôi phục cung cấp điện cho nhân dân sau bão diễn ra nhanh chóng, an toàn. 

Ngoài ra, khi lưới điện bị thiệt hại trên diện rộng, phải tập trung lực lượng khắc phục theo trình tự có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các phụ tải đặc biệt quan trọng như: Cơ quan chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, cơ sở y tế, cung cấp nước sạch, viễn thông, phát thanh, truyền hình, các trạm bơm tiêu nước chống úng ngập,...

Trong phương án PCTT của mỗi đơn vị, ngoài số vật tư, thiết bị dự phòng nội bộ, cần làm việc trước với các đơn vị có năng lực bên ngoài để sẵn sàng huy động nhằm giúp cho công tác khắc phục sau bão diễn ra nhanh nhất, thuận lợi nhất. 

Năm 2017 được ghi nhận kỷ lục về số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (20 cơn) đổ bộ vào Việt Nam. Trong đó, bão số 10 (Doksuri) và bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào khu vực miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho EVN. Ngoài ra, các đợt mưa lũ lớn, lưu lượng nước đổ về hồ Hòa Bình 16.500 m3/s, nhưng không phải mùa lũ cho thấy diễn biến bất thường, phức tạp và khó dự đoán của thời tiết. 


  • 07/06/2018 11:01
  • Bài, ảnh: Huyền Thương
  • 13196