Kỳ tích được tao nên từ đâu

Tôi có dịp trò chuyện với ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La vào một buổi chiều muộn tại vùng núi rừng Tây Bắc… Sương xuống sớm làm không khí như lạnh hơn. Hình như không gian và thời gian cũng làm người đàn ông vốn nổi tiếng “thét ra lửa” trên công trường trở nên trầm tĩnh, sâu lắng hơn…

Và ông kể với tôi về những tháng năm lăn lộn trên công trường mà như đang độc thoại với chính mình.

Lăn lộn với công trường

Hơn nửa cuộc đời gắn bó với thủy điện, ông Hoàng Trọng Nam đã được trải nghiệm qua nhiều công trình thủy điện lớn nhỏ khác nhau trước khi đến với Sơn La. Kinh nghiệm lăn lộn lâu năm với nghề đã cho ông rất nhiều bài học lớn. Chính vì vậy, khi được phân công lên Thủy điện Sơn La – lúc bấy giờ còn đang là một “đại công trường” ngổn ngang đất đá, ông Nam đã không bị choáng ngợp hay sợ hãi. Trái lại, đây chính là nơi “thử lửa” tốt nhất – tâm niệm đó đã khiến ông hăng hái xông pha với một tâm thế “hừng hực như người sắp ra trận” – Ông Nam cười vui nhớ lại… Thời điểm đó, ông – với vai trò là Phó ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La, Trưởng ban Chuẩn bị sản xuất, đã có quan điểm rất rõ ràng: Nhân lực của một công trình lịch sử phải xứng tầm lịch sử. Công tác chuẩn bị sản xuất cũng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định là một trong những công việc quan trọng nhất. Phương châm xuyên suốt của ông Hoàng Trọng Nam cho các cán bộ, kỹ sư của Ban chuẩn bị sản xuất lúc bấy giờ là “Lao vào thực tiễn là bài học tốt nhất”.

140 cán bộ kỹ sư khóa đầu tiên đã được chọn lựa kỹ và đưa đi rèn luyện thực tế tại 2 nhà máy thủy điện hàng đầu trong nước là Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Yaly trong thời gian 18 tháng. Sau khi hoàn thành đợt thực tập và được cấp chứng chỉ, ông Nam đã đưa quân ra công trường, cho anh em lăn lộn thực tế theo đúng nghĩa!. “Cùng dãi nắng dầm sương với đại công trường để học hỏi, làm quen với thiết bị, để cảm nhận được tầm vóc và quy mô của nhà máy mà sau này mình sẽ làm việc, là cơ hội tốt nhất để anh em có thể rèn luyện bản lĩnh cũng như học hỏi được kinh nghiệm” – ông Nam khẳng định.

Ông Hoàng Trọng Nam (ngoài cùng bên phải) báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về công tác vận hành Nhà máy - Ảnh Anh Vũ

Bản thân ông cũng chính là người “tiếp lửa” cho lứa cán bộ kỹ sư trẻ đầu  tiên ấy, với tinh thần là làm việc hết mình, lăn xả không khác gì một công nhân thực thụ! “Có những đêm mưa phùn gió bấc, công trường còn dở dang, hàng núi thiết bị chồng chất, với hàng trăm ngàn hạng mục công việc chưa hoàn thành… mà mình thì vừa mệt, vừa đói, nhưng vẫn phải cố gắng vui vẻ, yêu đời để động viên anh em. Thực sự, lúc đó chỉ ước có một bát mì tôm nóng ăn xì xụp, thì coi như mãn nguyện lắm rồi…” Trong câu chuyện đan xen nhiều kỷ niệm, ông Nam không giấu được xúc động… Có cảm giác như  ngồi trước mặt tôi lúc này không còn là một chỉ huy đã từng xông pha “thét ra lửa” trên đại công trường, mà là một người đàn ông hiền lành với những mong muốn giản dị, với một ước mơ cũng rất đời thường: “Có một bát mì nóng húp xì xụp vào một đêm giá rét giữa núi rừng Tây Bắc”...

Lửa thử vàng .…

Chính những khó khăn gian khổ trên công trường đã tôi luyện lớp kỹ sư trẻ đầu tiên của nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Dưới sự chỉ huy nghiêm khắc nhưng cũng đầy bản lĩnh của Trưởng ban Chuẩn bị sản xuất NMTĐSL Hoàng Trọng Nam (nay là Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La): “Vàng đã được thử lửa thành công” – ông Nam kể lại với giọng đầy tự hào - tôi đã không sai lầm khi cho anh em lăn xả vào công việc, làm quen với các máy móc thiết bị hiện đại nhất, để khi các tổ máy phát điện, anh em có thể tiếp quản một cách tự tin, vận hành một cách thuần thục, an toàn. Và chính lứa kỹ sư trẻ ấy đã trở thành hạt nhân, nòng cốt, là đầu tầu quan trọng dẫn dắt lứa kỹ sư tiếp theo mà tôi chuẩn bị cho Nhà máy khi chính thức vận hành!”.

Đích thân ông đã đến tận các trường đại học để tuyển dụng, phỏng vấn các sinh viên sắp ra trường, đồng thời thuyết phục các em về với “công trình thế kỷ”. Rồi cũng đích thân ông cùng với các kỹ sư khóa 1 của Nhà máy, tiếp tục dẫn dắt các kỹ sư trẻ lăn xả ra công trường, bám sát với thực tiễn công việc để vừa học vừa làm. Chính vì vậy, nguồn nhân lực khóa 2 dù không được gửi đi đào tạo tại các nhà máy thủy điện lớn như khóa 1, nhưng các kỹ sư đã làm quen với công việc rất nhanh. “Công trường chính là chiến trường, đã tôi luyện người lính một cách tốt nhất, khiến họ trưởng thành và bản lĩnh nhất” – ông Nam khẳng định! Khó khăn, gian khổ, chính là những thử thách không thể thiếu đối với “đội quân tinh  nhuệ” của vị chỉ huy giàu kinh nghiệm! Đến thời điểm này, cả 6 tổ máy đã vận hành ổn định, đóng góp vào hệ thống điện quốc gia gần 1,3 tỷ  kWh, chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực của Giám đốc Hoàng Trọng Nam.

Những kỹ sư ở Nhà máy Thủy điện Sơn La - Ảnh Hoàng Tuyết

“Tất nhiên, cũng có những thời điểm ngàn cân treo sợi tóc! Ấy là lúc tổ máy số 1 đang chạy thử, thì đột nhiên xảy ra sự cố, lửa bốc cháy không rõ nguyên nhân. Lúc đó toàn bộ công trường với hàng vạn người, cùng Ban Chỉ đạo, Ban quản lý dự án Nhà máy  TĐSL… đều như nín thở. Bản thân tôi cũng tưởng như sắp nổ tung vì lo lắng… nhưng đã cố gắng hết sức giữ bình tĩnh để trấn an toàn bộ anh em kỹ sư cùng nghiên cứu, phân tích, tìm ra nguyên nhân. Cuối cùng thủ phạm gây ra sự cố là lỗi thiết kế của đối tác cung cấp thiết bị. Bằng kinh nghiệm và bản lĩnh của tập thể cán bộ, kỹ sư, chúng tôi đã thuyết phục được các chuyên gia nước ngoài phải chấp nhận thay thế thiết bị trên cơ sở khắc phục lỗi thiết kế. Nhờ vậy, tổ máy số 1 đã chạy thử an toàn, đảm bảo tiến độ, tạo cơ sở cho các tổ máy sau được lắp đặt, vận hành chuẩn xác, ổn định!...” - Ông Nam kể với tôi bằng một giọng vẫn còn nguyên chất “lửa” từ sự cố tại hiện trường, dù đã cách đây gần 2 năm.

…Tạo nên “kỳ tích”

Dù rất khiêm tốn, không nhận những gì mình làm được cho Thủy điện Sơn La là to tát, lớn lao, thì cũng không thể phủ nhận những nỗ lực, tâm huyết của những chỉ huy như ông Hoàng Trọng Nam là những việc làm hết sức quan trọng!. Và tôi hiểu, từ sâu thẳm, những năm tháng lăn lộn trên công trường thủy điện lớn nhất đất nước này đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên.

“Nếu ví Thủy điện Sơn La là một kỳ tích, thì kỳ tích ấy đã được làm nên từ những bàn tay, khối óc của đội ngũ cán bộ, công nhân, đang ngày đêm cống hiến cho công trình lịch sử này…” - Ông Hoàng Trọng Nam chia sẻ

Về câu hỏi, với một công trình đồ sộ như Thủy điện Sơn La, việc chuẩn bị nhân lực, vật lực như thế nào để có thể tiếp quản một cách tốt nhất, đảm bảo Nhà máy vận hành an toàn và hiệu quả khi chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới? Phải chăng đây cũng là một “kỳ tích”? Ông Nam đã trả lời rất đơn giản: “Không có kỳ tích nào ngoài sự nỗ lực và nỗ lực hết mình của tất cả những người đã và đang ngày đêm cống hiến sức lực và trí tuệ cho công trình đặc biệt quan trọng này. Hay nói đúng hơn, nếu Thủy điện Sơn La có thể được xem như là một kỳ tích, thì đó là kỳ tích được làm nên từ những chiến tích nhỏ của hàng nghìn bàn tay và khối óc…”

“Những chiến tích nhỏ” mà ông Nam nói, đó chính là việc đào tào được đội ngũ cán bộ, kỹ sư trẻ cho công trình thủy điện lớn nhất đất nước, có được  bản lĩnh và trình độ quản lý khiến các chuyên gia nước ngoài cũng phải nể phục. Và hơn hết, đó chính là việc truyền được ngọn lửa nhiệt tình cho hơn 500 cán bộ công nhân viên, biến họ trở thành một khối đoàn kết, kỉ luật, đủ sức quản lý, vận hành một cách hiệu quả công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đến thời điểm này, khi mà việc hoàn thiện và khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La chỉ tính bằng ngày, Công ty Thủy điện Sơn La cũng đã đi vào hoạt động ổn định: “Nhưng từ thành công này lại bắt đầu những thử thách mới” – ông Nam tâm sự.  Đội ngũ kỹ sư trẻ, lành nghề, đầy bản lĩnh ở Công ty Thủy điện Sơn La, luôn luôn là “đích nhắm tới” của các doanh nghiệp tư nhân. “Họ sẵn sàng mời 1 trưởng ca ở đây về làm phó giám đốc nhà máy của họ, với mức lương cao gấp hàng chục, thậm chí cả trăm lần, với những đãi ngộ hấp dẫn mà doanh nghiệp nhà nước không thể nào có được” – ông  Nam tiết lộ.

Chính vì vậy, đào tạo kỹ sư, công nhân giỏi đã khó, việc giữ chân người giỏi càng khó hơn! Làm thế nào để giữ chân người giỏi, không để chảy máu chất xám, chính là cả một nghệ thuật lãnh đạo. Với Giám đốc Hoàng Trọng Nam, đó chính là bài học về làm người, về đối nhân xử thế:  Đối xử với anh em trên nền tảng tôn trọng, trọng dụng và cất nhắc ngay khi có thể, gần gũi và sẻ chia bất kỳ lúc nào anh em cần:  “Ngay cả đêm 30, ngày mùng 1 Tết, tôi sẵn sàng ở lại Nhà máy trực cho anh em kỹ sư được nghỉ về quê với gia đình. Mình hy sinh một chút để lấy được sự tâm phục, khẩu phục của anh em, cũng đáng lắm chứ”… Tôi đọc được niềm vui trong giọng nói và ánh mắt thân tình, ấm áp của vị Giám đốc ấy. Và tôi chợt nhớ đến câu nói thấm thía của ông Nam: “Nếu ví Thủy điện Sơn La là một kỳ tích, thì kỳ tích ấy đã được làm nên từ những bàn tay, khối óc của đội ngũ cán bộ, công nhân, đang ngày đêm cống hiến cho công trình lịch sử này…”


  • 04/01/2013 01:57
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 3374


Gửi nhận xét