Kéo điện lên núi thắp sáng bản Mông

Nằm trên đỉnh núi nhìn xuống Nhà máy Thủy điện Sơn La là 3 bản Noong Phụ, Pá Toong và Thẩm Hon, nhưng đồng bào Mông ở đây có lẽ không ngờ có ngày điện lưới sẽ ngược núi lên với họ.

Đứng từ sân nhà máy, nhìn lên đỉnh núi lấp ló trong mây trắng là bản Noong Phụ, xã Tạ Bú, H.Mường La, Sơn La. Xe đi hết hơn 1 km đường nhựa, rồi vào đường đất, dẫn đến ngọn núi cao sừng sững. Con đường mòn dốc đứng hằn hai vệt bánh xe, một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách núi.

“Anh cứ bám thật chặt, không được nhìn xuống vực, không nhìn quay lại, không la hét để em tập trung lái xe nhé”, anh Chu Quyết Thắng, cán bộ của Công ty Thủy điện Sơn La dặn cả đoàn trước khi cài số 1 cho xe bò lên dốc.

Anh Vàng A Do đang soạn thảo văn bản trên máy tính - Ảnh NĐ

Sau gần 1 giờ vượt qua chặng đường hơn 5 cây số, chúng tôi lên tới bản Mông. Ở ngay đầu bản là chiếc máy biến áp và những hàng cột dẫn điện đến từng nhà.

Trong ngôi nhà gỗ của Sùng A Dũng, 30 tuổi, bên chiếc tivi đang bật có hàng chục em bé chăm chú xem phim hoạt hình. Mỗi khi đến đoạn chú mèo Tom đuổi chuột Jerry, các em lại cười giòn giã. Anh Lý A Khệch, 35 tuổi, ở bản Pá Toong cho biết, gần 3 tháng kể từ khi có điện, hai bản Noong Phụ và Pá Toong với gần 60 hộ dân, đã có trên 30 hộ mua tivi.

Vào nhà Vàng A Do, 25 tuổi, mọi người không khỏi ngạc nhiên thấy Do đang soạn thảo văn bản trên máy tính. Anh là người đầu tiên và duy nhất ở bản này mua máy vi tính. Do bảo: “Em đang học trung cấp văn thư lưu trữ nên cần máy tính để luyện cách soạn thảo văn bản và gõ bàn phím 10 ngón. Từ ngày có điện, hàng chục hộ mua tivi, nồi cơm điện, máy bơm nước…, cuộc sống của người Mông ở đây đã thay đổi rất nhiều”.

Ngoài 3 bản trên đỉnh núi ở xã Tạ Bú vừa được cấp điện, dự án cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La triển khai từ năm 2011 đến 2015 đã và sẽ cấp điện cho hơn 30.000 hộ, ở 106 xã của 11 huyện thuộc tỉnh Sơn La với tổng kinh phí đầu tư khoảng 557 tỉ đồng.

Vàng A Do chỉ tay xuống nhà máy thủy điện, bảo: “Mấy năm trước, tối tối đứng ở đỉnh núi nhìn thấy nhà máy sáng rực ánh điện, em nghĩ không biết bao giờ bản mình mới có điện, vì bản ít người quá, đường lại dốc đứng, ngành điện kéo dây lên đây sẽ rất tốn tiền. Nhưng tháng 9 vừa rồi, điện đã về bản”.

Đúng như Do từng lo lắng, dự án kéo điện về bản mang ý nghĩa xã hội hơn là kinh tế, bởi mỗi hộ dân chỉ dùng 30 - 50.000 đồng tiền điện/tháng.

Ông Phạm Văn Long, Phó giám đốc Công ty Điện lực Sơn La cho biết, việc lắp đặt đường điện kéo vào 3 bản tốn khoảng 3,7 tỉ đồng, cấp điện cho gần 90 hộ dân. Sau khi kéo dây, cán bộ Điện lực Mường La đã đến từng hộ hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

“Việc kéo điện về bản cho bà con ở trên đỉnh núi, nơi có Nhà máy Thủy điện Sơn La mang ý nghĩa xã hội rất lớn. Ở trên đầu nhà máy điện lớn nhất nước nhưng không có điện, là sự tương phản đáng buồn. Những đứa trẻ lớn lên sẽ có suy nghĩ tại sao gia đình các em không có điện dù ở ngay gần Nhà máy Thủy điện. Chính vì thế mà chúng tôi quyết tâm kéo điện lên cho bà con trước khi Nhà máy khánh thành”, ông Phạm Văn Long nói.


  • 14/12/2012 05:07
  • Theo Thanh Niên
  • 7771


Gửi nhận xét