Trường Xuân đã khởi sắc

Trường Xuân là một xã miền núi huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và là nơi sinh sống của người Kinh và người Vân Kiều. Sau 30 năm kể từ khi thành lập, đến nay Trường Xuân đã có nhiều thay đổi, trở thành một điểm sáng trong các xã miền núi Quảng Bình.

Từ năm 1996-1997, ngành Điện đã đầu tư Trạm biến áp (TBA) trung gian 560 kVA-35/22 kV, gần 16 km đường dây 22 kV và 0,4 kV; 03 trạm biến áp phân phối 22/0,4 kV với tổng dung lượng 200 kVA cấp điện cho các khu vực trung tâm xã và các hộ dân tại 2 thôn Quyết Thắng và Rào Đá.

Đồng thời, nhờ các dự án của chương trình 134, 135 của Nhà nước, lưới điện xã Trường Xuân tiếp tục mở rộng và kéo dài đến các bản vùng sâu như: Hang Chuồn, Cây Trai, Khe Ngang, Bến Cùng… cấp điện cho đồng bào dân tộc Vân Kiều. Do trong xã có mỏ đá với điều kiện khai thác thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền khai thác và chế biến đá làm vật liệu xây dựng, nên sản lượng điện tiêu thụ hàng năm của xã đã tăng lên đáng kể.

Năm 2010, Tổng công ty Điện lực miền Trung đầu tư TBA-110 kV Áng Sơn cấp điện cho Nhà máy Xi măng Áng Sơn. Nhờ đó, lưới điện trung áp toàn huyện Quảng Ninh đã được nâng cấp lên 22 kV và TBA trung gian 560 kVA - 35/22 kV đã được dỡ bỏ do quá tải và hay bị sự cố. Trường Xuân được cấp điện ổn định với hơn 99,5% hộ có điện.

Lưới điện huyện Quảng Ninh còn đảm bảo cấp điện cho 5 phụ tải khai thác đá và 2 trạm bơm của hồ chứa nước Rào Đá cấp nước tưới cho gần 6.000 ha trồng lúa 2 vụ trọng điểm. Toàn bộ lưới điện đã được Công ty Điện lực Quảng Bình tiếp nhận và quản lý vận hành từ cuối tháng 10/2009 và được đầu tư sữa chữa thường xuyên.

Đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Cây Trai, bản xa nhất trong xã, đã có điện từ năm 2010

Nhờ có điện phục vụ tưới tiêu, Trường Xuân đã xây dựng kế hoạch phát triển mạnh kinh tế trang trại vùng gò đồi. Đến nay, đã có gần 2.000 ha rừng trồng cây các loại, trong đó có nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: Cao su, keo tai tượng, bạch đàn, thông, tràm…cho thu nhập bình quân mỗi ha trên 40 triệu đồng/năm.

Đến nay, xã đã xây dựng được 12 mô hình kinh tế trang trại vườn gò đồi, kết hợp trồng rừng với chăn nuôi trâu, bò, hươu, lợn rừng, nuôi ong …Vì vậy, kinh tế của xã dần phát triển, hình thành nên cách làm mới, xóa bỏ tập tục sản xuất độc canh lạc hậu, mở ra một hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Nhận thấy Trường Xuân có nhiều tiềm năng để phát triển cây công nghiệp dài ngày, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã cấp vốn đầu tư và giao cho Tỉnh Đoàn Quảng Bình quản lý Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Trường Xuân với số vốn 31 tỷ đồng trên diện tích đất tự nhiên 1.360 ha, thời gian thực hiện dự án từ quý 1/2009 đến quý 4/2012. Từ khi công trình cấp điện Làng Thanh niên với trên 3 km đường dây 22 kV, 0,4 kV và trạm biến áp 100 kVA được đưa vào vận hành năm 2010, đến nay đã có 43 hộ thanh niên với 62 khẩu đến lập nghiệp, trong đó có 2 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều. Tất cả đều đã được cấp điện sinh hoạt và các nhu cầu cho sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.


  • 23/11/2012 11:12
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3165


Gửi nhận xét