Công ty Điện lực Quảng Trị đã đầu tư lớn vào lắp đặt, sửa chữa lưới điện nông thôn. Ảnh: Ngọc Thọ
|
Trước tiếp nhận: Cũ nát
Ông Phan Văn Vĩnh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị cho biết, những năm 90, hầu hết lưới điện hạ áp nông thôn do nhân dân tự góp vốn xây dựng, các tiêu chuẩn kỹ thuật đều không đạt, đã cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng, cột điện hầu hết là cột tự đúc bằng bê tông, cột gỗ, cột tre thậm chí câu móc vào cây cối. Dây dẫn chủ yếu là dây trần A16-A35, không đủ tiêu chuẩn, chắp vá dẫn điện kém.
Trên lưới điện hầu hết công tơ của khách hàng rất nhiều chủng loại, công tơ quá lâu không được kiểm định, chất lượng không đảm bảo độ chính xác, hệ thống công tơ đo đếm có nơi trên 10 năm vẫn cứ để sử dụng không được kiểm định thay thế định kỳ. Tổn thất điện năng ở các nơi này thường rất cao, có nơi lên đến 30-35% và giá điện đến hộ dân nhiều nơi cao hơn giá trần.
Theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của EVN, từ năm 2008 đến hết 2010, Công ty Điện lực Quảng Trị đã hoàn thành tiếp nhận lưới điện theo kế hoạch là 60/60 xã nông thôn. Trong đó, tiếp nhận thêm 8 xã nông thôn ngoài kế hoạch. Khối lượng tiếp nhận gần 60.000 hộ, hơn 1100 km đường dây hạ thế, 407 trạm biến áp.
Sau tiếp nhận: Chất lượng điện được nâng cao
Để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, kinh doanh có hiệu quả. Công ty đã tiến hành khảo sát kỹ lưới điện tiếp nhận để có phương án sửa chữa và cải tạo hợp lý và hiệu quả.
Cụ thể, Công ty đã đầu tư, lắp đặt, sửa chữa lưới điện nông thôn 2008 – 2011 là 162,350 tỷ đồng. Trong đó chi phí đầu tư tối thiểu để vận hành an toàn lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận là 9,2 tỷ đồng. Chi phí lắp đặt hệ thống đo đếm sau tiếp nhận là 26 tỷ đồng. Chi phí đầu tư xây dựng là 116 tỷ đồng và sửa chữa lớn 146,2km đường dây hạ thế là hơn 10 tỷ đồng. Dự kiến chi phí tiếp tục cải tạo, nâng cấp lưới điện năm 2012 - 2013 là 11 tỷ đồng.
Đến giờ, sau khi tiếp nhận và thực hiện bán lẻ, lưới điện được đầu tư cải tạo, sửa chữa chất lượng điện năng đã được cải thiện rõ rệt, tổn thất điện năng giảm, đặc biệt sau khi hoàn thành thay thế công tơ đạt tiêu chuẩn, giá bán điện đến tận tay người dân giảm, doanh thu của Điện lực tăng lên.
Đến hết 2011, Công ty đã bán lẻ đến 100% hộ sử dụng điện ở các xã tiếp nhận lưới điện nông thôn với số lượng lắp đặt gần 60.000 công tơ, đồng thời triển khai ký hợp đồng bán lẻ đến các hộ tiêu thụ. Đến hết tháng 9 năm 2012, tổn thất điện năng của toàn Công ty là 6,48%, giảm 0,57% so với kế hoạch.