Ký ức từ vùng giông bão

Chuyện về những ngày “chiến đấu” chống chọi với thiên tai khắc nghiệt luôn là những kỷ niệm đáng nhớ, bởi đi kèm với giông bão là những tình huống cấp bách, một mất, một còn, thử thách bản lĩnh người thợ điện.

Bão tan, “núi” công việc ập đến

Gắn bó với vùng “rốn bão” miền Trung, trong ký ức của ông Thái Hồng Quân - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình luôn đầy ắp những thông tin, giống những như những thước phim quay chậm về từng cơn bão đã quét qua tỉnh Quảng Bình. Với ông Quân, nhớ nhất có lẽ là cơn bão số 10 năm 2017 với tên quốc tế Doksuri. Hàng chục năm rồi ông mới thấy bão có sức tàn phá khủng khiếp đến vậy. Mặc dù đã theo dõi sát sao diễn biến của bão ngay từ khi hình thành trên biển Đông, nhưng khi được tận mắt chứng kiến cảnh bão Doksuri quần nát lưới điện mà Công ty Điện lực Quảng Bình đã bao công đầu tư, chăm sóc, người chỉ huy của Công ty Điện lực Quảng Bình vẫn không khỏi bàng hoàng, đau xót. 

Sau 4 giờ quần thảo, bão đã làm cho khoảng 4.500 cột điện cao áp, hạ áp bị nghiêng, gãy, đổ, hàng nghìn TBA bị mất điện, dẫn đến mất điện toàn Tỉnh. Những con số thống kê đó như một đòn “cân não” xuyên thẳng vào ông với hàng loạt câu hỏi hóc búa, làm thế nào khắc phục sự cố nhanh nhất, nhưng vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn? Cách nào để hoàn thành mục tiêu chỉ trong vòng  96 giờ phải cơ bản khôi phục được lưới điện toàn Tỉnh, tái cấp điện trở lại cho khách hàng? Sau bão tan, lại là “núi” công việc ập đến, rất cam go và cấp bách.

Ông Quân cho biết: “Khó khăn nhất khi tiến hành khôi phục lưới điện sau bão chính là việc bị nước lũ chia cắt giao thông tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh. Thợ điện thậm chí không thể tiếp cận, kiểm tra hiện trạng cột điện, đường dây”. Trong tình thế khẩn cấp ứng phó với thiên tai, không được phép do dự, ông Quân lắng nghe chỉ đạo từ Tập đoàn, Tổng công ty Điện lực miền Trung, tổng hợp kinh nghiệm nhiều năm  “trực chiến” qua các mùa bão và với tư duy nhanh nhậy, ông đưa ra các quyết định khôi phục lưới điện theo phương châm: Nước rút tới đâu, lập tức triển khai tới đó. Đồng thời, huy động tổng lực sự hỗ trợ từ các đơn vị trong EVNCPC cũng như các đơn vị xây lắp điện trên địa bàn tỉnh tham gia “cứu” lưới điện. 

Bão tan vào trưa ngày 15/9, ngay trong buổi chiều, PC Quảng Bình đã khôi phục, cấp điện trở lại cho một số phụ tải quan trọng của tỉnh, nhanh chóng mở rộng dần các khu vực được tái cấp điện. Nhờ sự bình tĩnh, chủ động, ông Thái Hồng Quân đã huy động và bố trí hợp lý nhân lực, vật tư, chỉ đạo tốt các kịch bản ứng phó, giúp “hồi sinh” lưới điện Quảng Bình. Đổi lại những vất vả, lo toan, những đêm không thể ngủ đủ giấc, ăn uống bữa có, bữa không của ông và đồng đội, là thành quả đến rất nhanh: Ánh điện chiếu sáng trở lại trên địa bàn toàn tỉnh chỉ 4 ngày sau bão tan. 

Thợ điện khắc phục sự cố bão số 10 ở Quảng Bình năm 2017 - Nguồn ảnh: EVNCPC

Gác lại việc nhà

Tôi đã có dịp nói chuyện cùng ông Trần Văn Khoa – nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, người cả đời gắn bó với ngành Điện miền Trung. Không thể kể hết những buồn, vui của ông sau mỗi mùa bão đã đi qua. Đặc biệt, bão số 12 năm 2017 - một cơn bão dữ được đánh giá, xếp loại kỷ lục ở tỉnh Phú Yên, gây thiệt hại hơn 90 tỷ đồng cho lưới điện. Ngay khi bão qua, ông Khoa và đồng nghiệp đã đặt ra mục tiêu là trong vòng 24 giờ sau bão phải khôi phục lại 50% hệ thống lưới  điện, 72 giờ sau khi bão phải hoàn thành 90% khối lượng công việc khắc phục sự cố. Áp lực đè nặng lên vai những người thợ điện, đặc biệt là với người đứng đầu Công ty Điện lực Phú Yên. Ông Khoa kể lại: “Cường độ làm việc khi đó rất căng thẳng. Tại một số khu vực thuộc thành phố Tuy Hòa, thợ điện thắp đèn làm việc tới 11-12 giờ đêm. Khi ấy, chúng tôi không dám lơi tay dù chỉ một phút. Vừa phải lo công việc, vừa phải lo làm tốt công tác truyền thông, để người dân hiểu và thông cảm, thực sự áp lực lớn vô cùng”.

Công việc cấp bách, rất nhiều yêu cầu, rất nhiều tình huống phát sinh ngoài kịch bản đòi hỏi ông Khoa phải khẩn trương giải quyết. Nhưng giữa bộn bề công việc, có một cuộc gọi khiến ông cảm thấy “lực bất tòng tâm”. Đó chính là cuộc gọi từ người vợ thân thương. Ông Khoa kể lại, ông phải trực chỉ huy ở cơ quan ngay từ trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Vì vậy, chỉ có một mình vợ ông ở nhà chống bão. Sức gió giật cấp 15 làm đổ cổng nhà, thân cô thế cô, loay hoay không biết làm sao, bà vợ gọi “cầu cứu” ông. Nhận được tin, ông đắn đo, nhưng cũng đành “chậc lưỡi” gác sang một bên những thiệt hại của nhà, động viên, trấn an bà vợ tự giải quyết, ông phải sát cánh “chiến đấu” cùng đồng đội, bởi đó là ưu tiên cấp bách số một. Bà chỉ im lặng. Rồi cũng may, vì hiểu công việc của chồng, bà cũng thông cảm, thậm chí còn động viên ông tập trung tâm trí, dồn sức cho việc chống bão.

Ông Khoa chia sẻ, khi mọi việc qua đi, kể lại tưởng như rất đơn giản, nhưng phải là người trong “cuộc chiến” với thiên tai mới cảm nhận được, mọi thứ không hề dễ dàng. Nhất là việc khắc phục sự cố bão lũ luôn đòi hỏi ông phải quyết đoán, dứt khoát. Tuy nhiên, trong những ngày công việc ngổn ngang, căng thẳng, sự sát cánh của đồng nghiệp, sự sẻ chia từ gia đình chính là động lực để những người thợ điện, người chỉ huy có thể hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, vượt qua mọi cơn bão.  


  • 27/06/2018 03:43
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14119