Giữa năm 2016, được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cá, gia đình chị Lường Thị Thảo, dân tộc Thái ở bản Khen, xã Ta Gia đã mạnh dạn đầu tư 6 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng. Nguồn giống được gia đình mua ở cơ sở cung ứng con giống đảm bảo nguồn gốc gồm các loại cá trắm, chép, rô phi. Ngoài ra, gia đình chị còn kết hợp nuôi thả thêm ếch thương phẩm.
Theo tính toán, mỗi lồng cá, gia đình chị có thể thu được trên dưới 3 tấn cá; với giá bán bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc cũng lãi một khoản khá.
Chị Lường Thị Thảo chia sẻ, trước kia chỉ làm nông nghiệp, loanh quanh với việc làm ruộng và trồng ngô trên nương. Bây giờ thủy điện đóng nước thường xuyên, có mặt nước lòng hồ và được cán bộ nông nghiệp huyện, xã xuống hướng dẫn nên gia đình đã quyết định phát triển nuôi cá lồng. Vì đây là mô hình kinh tế mới nên gia đình chị đã tìm hiểu rất nhiều về kinh nghiệm chăn nuôi, thức ăn cũng như chăm sóc cá. Hiện tại, gia đình chị đã đầu tư vào mô hình này khoảng 200 triệu đồng.
Xã Ta Gia là địa phương có 6 điểm tái định cư thủy điện Huội Quảng với khoảng 400 hộ dân chủ yếu là dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú. Được sự chỉ đạo và hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn về nông nghiệp của tỉnh và huyện, đầu năm 2016, xã Ta Gia thí điểm mô hình kinh tế nuôi cá lồng. Hiện, Nhà nước đã hỗ trợ tiền cho 15 lồng cá, mỗi lồng 10 triệu đồng với những hộ dân có nguyện vọng tham gia. Ngoài những lồng cá được Nhà nước hỗ trợ, nhiều bà con trong xã đã tự bỏ tiền đầu tư phát triển. Đến nay toàn xã đã có khoảng 30 lồng cá.
Ông Vàng A Mang, Chủ tịch UBND xã Ta Gia, huyện Than Uyên cho biết, phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện là mô hình chăn nuôi mới đối với xã Ta Gia. Qua đánh giá của xã cũng như của cơ quan chuyên môn tới nghiệm thu thì điều kiện chăn nuôi thủy sản ở xã Ta Gia là rất phù hợp. Đặc biệt, vùng lòng hồ có những khu vực núi đá vôi, nước ở đó lạnh rất phù hợp với việc nuôi các loại cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi. Hiện trên địa bàn xã cũng có một đơn vị tư nhân đầu tư hàng chục lồng cá để nuôi trồng thủy sản; qua đây vừa để thử nghiệm điều kiện môi trường chăn nuôi cá, vừa làm mẫu và hướng dẫn cách chăm sóc cá cho bà con.
Ngoài được hỗ trợ về phát triển chăn nuôi thủy sản lòng hồ thủy điện, người dân địa phương vùng tái định cư nơi này còn được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đời sống qua các nguồn vốn của chương trình hậu tái định cư như cấp gạo, cấp cây, con giống, đất sản xuất...
Theo nhiều hộ dân tham gia nuôi cá lồng tại địa phương, việc hỗ trợ kinh phí nuôi cá của Nhà nước là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, góp phần ổn định cuộc sống tái định cư cho đồng bào; tuy nhiên chương trình có mức hỗ trợ khá ít, chỉ được 10 triệu/lồng.
"Những hộ có điều kiện, có tiềm lực thì có thể phát triển được. Còn với bà con cơ bản là hộ nghèo ở xã để nhân rộng mô hình trên, đề nghị Trung ương tăng số tiền hỗ trợ để bà con có thể phát triển và mở rộng mô hình. Ngoài ra, các cấp trên cần tính toán đầu ra cho sản phẩm vì trung bình mỗi lồng hiện nay thu được 3 tấn nhưng đều không có đầu mối thu mua tập trung. Cá nuôi để lâu cũng sẽ bị ảnh hưởng tới chất lượng", ông Vàng A Mang, Chủ tịch UBND xã Ta Gia chia sẻ thêm.
Huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu là địa phương có nhiều xã, bản nằm ven vùng lòng hồ thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, do đó tiềm năng nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Nếu tiềm năng này được quan tâm đầu tư và khai thác có hiệu quả sẽ là lời giải cho bài toán giải quyết việc làm hậu tái định cư cũng như tạo sinh kế lâu dài cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.