Miền núi Quảng Nam, 3 năm có thêm 4 xã và 40 thôn có điện

Tỉnh Quảng Nam có 9/18 huyện miền núi và rất nhiều xã thuộc các huyện trung du, đồng bằng được hưởng chính sách của xã miền núi. Tổng cộng toàn Tỉnh có 120/244 xã, thị trấn ở khu vực miền núi, chiếm 80% diện tích tự nhiên với khoảng 28% dân số. 15 năm trước, kể từ ngày tái lập Tỉnh (năm 1997), các xã miền núi hầu như “trắng điện”.

Tích cực mở rộng diện cấp điện

Với những nỗ lực không ngừng của địa phương và ngành Điện đã vượt qua những bất lợi về địa hình, quản lý vận hành lưới điện khó khăn, kinh doanh điện chỉ mang nặng tính phục vụ, các công trình điện lần lượt được xây dựng cung ứng điện cho 108 xã, thị trấn ở miền núi. Đến năm 2010, chỉ còn lại 11 xã nằm sâu trong các vùng đồi núi, dân cư mỏng và phân tán, quá xa so với điểm đấu nối, suất đầu tư quá lớn nên nên không đủ kinh phí kéo điện. Như vậy, càng về sau, việc kéo điện về miền núi càng hết sức khó khăn và việc kinh doanh điện khó mang lại hiệu quả kinh tế mà chỉ mang tính xã hội là chủ yếu .

Với chủ trương không để đồng bào các dân tộc thiểu số "khát điện" quá lâu,  UBND tỉnh Quảng Nam và EVN CPC xác định phải đầu tư bằng mọi nguồn vốn có thể có được nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh Quảng Nam có 100% số xã, phường, thị trấn có điện; đồng thời cùng xác định phối hợp trách nhiệm đầu tư.

Theo đó, EVN CPC tích cực tạo nguồn vốn phân bổ để Công ty Điện lực Quảng Nam hoàn trả vốn lưới điện nông thôn cho các chủ tài sản theo đúng giao ước với UBND Tỉnh; thay mới hơn 130 nghìn công tơ và sửa chữa cơ bản lưới điện hạ áp nông thôn tiếp nhận ở những khu vực xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; thực hiện kế hoạch hằng năm về sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên lưới điện và mở rộng diện cấp điện ở những thôn, xã nông thôn mới.

Ngoài ra, EVN CPC cũng đang xúc tiến triển khai 2 dự án ADB và KfW nhằm nâng cấp, cải tạo lưới điện tại 47 xã, với vốn đầu tư khoảng 189,4 tỷ đồng, theo tiến độ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014; đồng thời tỉnh cũng tiếp tiếp tục triển khai thực hiện dự án RE2 mở rộng.

Lưới điện miền núi thường đi qua địa hình  đồi, núi phức tạp,rất khó quản lý, vận hành và kinh doanh bán điện

Về phía địa phương, trong 3 năm 2010-2012 đã đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, tổng cộng trên 100 tỷ đồng mở rộng phạm vi cấp điện đến 4 xã (20 thôn) và kéo thêm điện cho 40 thôn lẻ ở những xã miền núi đã có điện từ những năm trước. Tổng khối lượng đường dây trung, hạ áp được xây dựng mới hơn 112 km, 2 nhà máy thuỷ điện nhỏ cấp điện tại chổ, 37 trạm biến áp phụ tải, cấp điện mới cho khoảng 3000 hộ dân, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Như vậy, từ 11 xã và hơn 72 thôn chưa có điện, sau 3 năm tập trung mở rộng lưới điện, đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 7 xã, 32 thôn với khoảng 5000 hộ dân ở vùng dân tộc ít người chưa có điện.

Cần có cơ chế riêng cho điện miền núi

Việc mở rộng hệ thống lưới điện về các xã miền núi sẽ là một trong những tiêu chí hàng đầu thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở những vùng dân tộc ít người. Có điện sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo động lực cho đồng bào vùng cao thoát nghèo, cải thiện sinh hoạt.

Tuy nhiên. Trên thực tế, với cơ chế hiện nay, kinh doanh điện ở miền núi phải đối đầu với nghịch lý: Vốn đầu tư lớn, phải đối diện thường xuyên với những khó khăn vất vả trong quản lý, vận hành và những rủi ro trong quá trình kinh doanh, nhưng doanh thu thấp, không có lợi nhuận và nhiều công trình hàng trăm năm sau chưa chắc đã thu hồi được vốn đầu tư. Vì vậy, Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế hỗ trợ kinh doanh phục vụ điện ở miền núi để giảm bớt khó khăn cho ngành Điện.


  • 25/01/2013 01:33
  • Nhị Triều - Bá Vỹ
  • 4316


Gửi nhận xét