Một ngày với Truyền tải điện Thanh Hóa

“Tuổi trẻ của chúng tôi đã gắn liền với đường dây truyền tải. Có những đêm mưa rừng đói lả, có những ngày đi mở hành lang tuyến, vắt rừng lạo xạo dưới chân... Gian nan, vất vả, đủ để cảm nhận hết ý nghĩa của chiều dài  đường dây tải điện hôm nay...”.

Dù chỉ có một ngày làm việc với Truyền tải điện Thanh Hóa, nhưng những câu chuyện được nghe, những con người được gặp khiến chúng tôi hiểu hơn về công việc được coi là thầm lặng và vất vả nhất ngành Điện. 

Từ những ngày “băng rừng mở lối”

Trong câu chuyện thân tình, anh Lữ Thanh Hải - Phó trưởng Truyền tải điện Thanh Hóa (TTĐ TH), đã sôi nổi kể về những năm tháng “đi dọc chiều dài đường dây”. Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ vận hành (tháng 4 năm 1994), đội đường dây 500 kV Thanh Hoá có 60 người được chia thành 3 nơi đóng quân để thuận tiện cho công tác quản lý vận hành và xử lý sự cố.

Do địa hình sông núi chia cắt nên việc đi lại trên tuyến vô cùng khó khăn. Phương tiện thông tin liên lạc chủ yếu sử dụng bộ đàm. Khi mất điện thì hệ thống bị tê liệt, lúc đó Ban chỉ huy đội lại phải lên đường, dù đó là ngày giông bão hay đêm tối... “Chính vì vậy, nhiều người đã gọi dân truyền tải là những người lính thầm lặng, có lẽ cũng không sai chút nào!” – anh Hải tâm sự.

“Trong cái khó lại ló cái khôn” - điều kiện núi rừng hiểm trở, giải phóng hành lang tuyến khó khăn, nên những người lính truyền tải đã tự mình “tìm ra sáng kiến”. Phương châm “dựa vào sức dân, lấy dân làm gốc” được đội ngũ những người “lính thợ” của TTĐ TH thời đó vận dụng triệt để và đạt hiệu quả cao. “Lần đầu tiên khi quản lý đường dây 500 kV chúng tôi còn rất bỡ ngỡ. Chỉ riêng công tác phát quang hành lang tuyến để đảm bảo không có sự cố do cây rừng đổ vào đã làm cho anh em chúng tôi choáng ngợp bởi cây cối bạt ngàn, hàng ngày chỉ đi chặt cây cũng đủ mệt, chưa nói đến công việc khác. Nhiều khi anh em còn nói vui với nhau: “Học đại học ra rồi đi chặt cây sao?...” Anh Lữ Thanh Hải bộc bạch.

Và các anh đã vận động thành công người dân bản địa làm rẫy, canh tác cây tầm thấp, ngắn ngày. Không chỉ nhân dân có thêm nguồn lương thực, thêm thu nhập, mà hành lang tuyến cũng được phát quang dễ dàng, giúp những người lính truyền tải thời bấy giờ “giảm được tải”.

Ông Lê Thanh Hải – Bí thư huyện ủy Như Xuân: “Một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn đường dây chính là con người. Chính vì vậy, bài học lớn nhất mà Như Xuân đúc kết được là tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ an toàn đường dây. Đi tiên phong trong lĩnh vực này, lãnh đạo huyện chúng tôi đã tự mình chặt bỏ cây cối, di dời nhà cửa cũng như các công trình nằm trong hành lang tuyến. Ý thức người dân địa phương cũng đã từng bước được nâng cao, đưa Như Xuân trở thành huyện dẫn đầu trong công tác phối kết hợp với TTĐTH làm tốt công tác bảo vệ an toàn cho những đường dây truyền tải...”

Để trưởng thành về mọi mặt…

Từ những ngày “mưa dầm, cơm vắt” bảo vệ an toàn những tuyến đường dây tải điện, đến nay TTĐ TH đã trải qua chặng đường hơn 20 năm gian khổ nhưng rất đáng tự hào. Những khó khăn ngày xưa dần qua đi, cùng với đó là sự trưởng thành về mọi mặt của TTĐ TH.

Một trong những sáng kiến của TTĐ TH, nay đã trở thành điển hình được nhân rộng là giải pháp sân khấu hóa các hình thức tuyên truyền, đưa đến cho người dân cách tiếp cận dễ dàng nhất. Từ những năm 1997, 1998, hình thức tuyên truyền bằng văn nghệ - sân khấu hóa đã được TTĐ TH kết hợp song hành cùng việc sử dụng các biển báo, pano, áp phích... Đặc biệt, đơn vị còn phát động cuộc thi tìm hiểu về an toàn đường dây truyền tải trong khu vực, được nhân dân hưởng ứng, tham gia rất đông đảo và sôi nổi.

“Nhớ lại lần đầu phát động cuộc thi, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng khi nhận được hơn 1200 bài dự thi của người dân thuộc nhiều các đối tượng khác nhau. Thậm chí có những em học sinh tiểu học cũng tham gia. Điều này đã khích lệ chúng tôi rất nhiều” Anh Hải hồ hởi kể.

Những nỗ lực không ngừng của TTĐTH trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và trưởng thành đã được ghi nhận xứng đáng. Đó không chỉ là những tấm huân huy chương, bằng khen… mà còn là sự vươn lên làm chủ thiết bị, làm chủ khoa học - công nghệ, đoàn kết, chung sức, chung lòng, phát huy trí tuệ tập thể, luôn đảm bảo cho lưới vận hành an toàn, liên tục không xảy ra sự cố của đội ngũ CBNV Truyền tải điện Thanh Hóa.

Truyền tải điện Thanh Hoá:

• Thuộc Công ty Truyền tải điện 1

• Thành lập tháng 12 năm 1990 với gần 40 CBCNV, quản lý vận hành 120 km đường dây 220 kV và 1 trạm biến áp 220 kV Ba Chè.

Hiện đơn vị quản lý vận hành:

• 2 trạm biến áp (4 máy) có tổng công suất 500.000 kVA; 2 cung đoạn đường dây 500 kV, dài 300 km;3 cung đoạn đường dây 220kV, dài 150km

 


  • 30/09/2011 04:05
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và hội nhập
  • 10495


Gửi nhận xét