Mùa khô 2014: Diễn biến thời tiết vẫn phức tạp

"Tính đến thời điểm hiện tại, mùa khô ở Tây Nguyên chưa có dấu hiệu đáng cảnh báo về khả năng hạn hán trên diện rộng như năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế, diễn biến thời tiết vẫn rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là đối với các hồ chứa thủy điện..." - Đó là khẳng định của ông Phùng Tiến Dũng - Phó phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ - Tây Nguyên - Nam Bộ (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia).

Ông Phùng Tiến Dũng

Trao đổi với phóng viên evn.com.vn, ông Dũng cho rằng, ngành Điện nói chung, các công ty Thủy điện nói riêng, cũng như chính quyền địa phương các cấp không nên chủ quan, trái lại cần thường xuyên theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu của mùa khô 2014 để sẵn sàng các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ...

Phóng viên: Xin ông cho biết diễn biến thời tiết khí hậu nói chung những tháng đầu năm, nhất là mùa khô 2014 trong cả nước?

Ông Phùng Tiến Dũng: Trong tháng giêng và 10 ngày đầu tháng 2, đáng chú ý nhất là các đợt không khí lạnh tăng cường gây ra rét đậm, rét hại và gây tuyết rơi ở Sa Pa và cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Đặc biệt, đợt không khí lạnh tăng cường ngày 20/1/2014 làm nhiệt độ giảm mạnh, một số nơi ở vùng núi phía bắc xuống dưới O độ.
Trong khi đó tổng lượng mưa trên cả nước rất ít, một số nơi Bắc Bộ, phía Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cả tháng không có mưa, trong đó đáng chú ý nhất tại Tây Nguyên nhiều nơi không mưa. Tổng lượng mưa tháng 1/2014 ( khu vực Trung Trung Bộ thấp hơn TBNN từ 20-60%) các khu vực khác trên toàn quốc cũng thấp hơn so TBNN từ 80% đến trên 90%.
Dự báo trong những tháng tiếp theo của mùa khô năm 2014: Các tháng từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2014 nhiệt độ trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN. Có khả năng không xuất hiện những đợt rét đậm kéo dài. Lượng mưa sẽ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN. Ở Tây Nguyên trong tháng 4, 5 có khả năng xuất hiện những cơn mưa trái mùa nhưng không lớn và ngắn nên sẽ không cải thiện nhiều về nguồn nước.

Phóng viên: Cụ thể, tình hình thủy văn trong những tháng mùa khô sắp tới sẽ diễn biến theo chiều hướng nào? Có gì bất thường, khác biệt so với năm 2013 và TBNN gần đây hay không, thưa ông?

Ông Phùng Tiến Dũng: Hiện tại, mực nước các sông các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm và có xu thế xuống dần ở mức thấp. Trên một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông đều thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 16-57%, một số sông còn thiếu hụt trên 60%, riêng khu vực bắc Tây Nguyên ở mức cao hơn TBNN khoảng 40-80%.
Dự báo dòng chảy trên các sông ở Trung bộ tiếp tục xuống dần và ở mức thấp hơn so với TBNN nhưng cao hơn năm 2013, khu vực Tây Nguyên ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 10-30%. Tnh trạng khô hạn, thiếu nước ít có khả năng xảy ra gay gắt trên diện rộng như năm 2013. Tuy nhiên một số nơi vẫn xảy ra khô hạn cục bộ trong tháng cuối của mùa khô như tại Thanh Hóa và một số vùng thuộc Tây Nguyên.

Phóng viên: Ảnh hưởng của diễn biến thời tiết khí hậu và thủy văn tác động như thế nào đến vận hành của các nhà máy thủy điện trong những tháng sắp tới, thưa ông?

Ông Phùng Tiến Dũng: Mặc dù mùa khô năm 2014 được tính toán cơ bản khả quan hơn năm 2013, và hiện tại  tình trạng hạn hán chưa có khả năng đến sớm, đe dọa trên diện rộng, tuy nhiên theo tôi vẫn không thể chủ quan. Bởi trên thực tế, mùa khô ở miền Trung thường kéo dài đến tháng 8, diễn biến của thời tiết vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi. Đặc biệt là không loại trừ khả năng có những tháng nắng nóng kéo dài làm nhu cầu điện tăng đột biến, trong khi mực nước về các hồ thủy điện giảm nhanh hơn dự kiến. Cộng với những yếu tố khách quan, bất khả kháng khác, rất có thể đe dọa đến vận hành của các nhà máy thủy điện...
Trên quan điểm cá nhân tôi, ngoài mục tiêu khai thác cao nhất hiệu quả các hồ thủy điện trên tinh thần ưu tiên nước cho sinh hoạt và sản xuất, thì các nhà máy thủy điện phải có các phương án vận hành hợp lý, sẵn sàng sớm theo kế hoạch. Đặc biệt, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng nên có các kịch bản dự phòng rủi ro, thiếu nước... Các nhà máy thủy điện nên huy động theo tình hình thủy văn thực tế và có kế hoạch điều tiết nước cho phát điện đến cuối mùa khô năm 2014.

Phóng viên: Để giảm thiểu tác động của diễn biến xấu trong mùa khô 2014, theo ông, ngành Điện và các ban ngành chức năng cần có sự phối hợp như thế nào?

Ông Phùng Tiến Dũng: Theo tôi, ngành Điện cũng như các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp nên tăng cường hơn nữa sự chủ động phối hợp, cũng như lập các kế hoạch ứng phó với diễn biến của thời tiết, khí hậu nói chung. Đối với diễn biến của mùa khô năm nay, cần theo dõi sát các dự báo cụ thể, không chủ quan, lơ là để có thể sẵn sàng ứng phó kịp thời trong mọi tình huống.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
 


  • 17/03/2014 10:26
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới Điện
  • 3001


Gửi nhận xét