Ngày 30/10/2015, Bộ Công Thương đã phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2015 – 2020 cho 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm cả 2 dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (TP Hải Phòng) và các xã đảo thuộc tỉnh Kiên Giang.
Mục tiêu tổng quát của các dự án là phát triển lưới điện trung, hạ áp cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào tại các thôn, bản, ấp chưa có điện; cấp điện cho các hộ dân chưa được cấp điện chính thức, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo đảm bảo an ninh, ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số dự án còn được thực hiện nhằm cung cấp điện cho các trạm bơm có quy mô vừa và nhỏ tại một số địa phương.
Theo đó, cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương, cơ quan điều phối Dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC). Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2015 đến hết năm 2020. Trong tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, có 85% từ ngân sách Trung ương (cấp trực tiếp hoặc cấp từ ODA, vốn ưu đãi khác) và 15% do chủ đầu tư thu xếp phù hợp với kế hoạch cấp vốn từ ngân sách Trung ương.
Mục tiêu đến năm 2020, EVN sẽ đảm bảo cung cấp điện cho hầu hết hộ dân nông thôn cả nước
|
Là một trong những địa phương được đầu tư dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia, lại có đặc thù địa hình phức tạp, hầu hết các hộ dân nằm trong vùng dự án đều ở khu vực vùng sâu, vùng xa, do đó dự án cấp điện nông thôn cho tỉnh Sóc Trăng là một trong những dự án có suất đầu tư khá cao. Bên cạnh đó, vùng biển Sóc Trăng còn bị ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu…
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Tư – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng (thuộc EVNSPC) cho biết, trong quá trình triển khai các dự án cấp điện trên địa bàn, chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn về công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Trước đó, hầu hết các dự án điện miền Nam chỉ đền bù hoa màu và nhà cửa, còn người dân tự nguyện nhường đất. Đến nay, mặc dù đã tích cực vận động, tuyên truyền, song vẫn còn một số khu vực người dân không tạo điều kiện cho chính quyền và chủ đầu tư thực hiện các dự án.
“Xác định rõ những khó khăn trước mắt, song với những kinh nghiệm có được từ việc triển khai các dự án điện nông thôn thời gian qua, Công ty Điện lực Sóc Trăng sẽ tìm mọi giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, UBND Tỉnh cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động người dân những nơi được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án hiểu được lợi ích thiết thực mà Dự án mang lại, từ đó chủ động đóng góp phần đền bù, tự giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với phần lưới điện hạ áp”, ông Võ Văn Tư khẳng định.
Ngoài ra, chủ đầu tư là các tổng công ty/công ty điện lực phải tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, rà soát các danh mục đầu tư phù hợp với quy hoạch tổng thể; thống nhất thứ tự danh mục ưu tiên đầu tư, thực hiện đồng bộ các hạng mục công trình, tránh sự chồng chéo danh mục với các dự án khác trên địa bàn; phối hợp tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành, phù hợp với tiến độ Dự án (phần trung áp, nếu có).
Với sự nỗ lực, chủ động của EVN cũng như những kết quả đạt được đến thời điểm này, EVN sẽ đảm bảo được mục tiêu đến năm 2020, hầu hết các hộ dân nông thôn cả nước được sử dụng điện.
Dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia giai đoạn 2015 - 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt (chia theo chủ đầu tư):
Chủ đầu tư
|
Tổng công ty Điện lực miền Bắc
|
Tổng công ty Điện lực miền Trung
|
Tổng công ty Điện lực miền Nam
|
Địa điểm
|
55 xã, thuộc 10 huyện tại tỉnh Lạng Sơn
|
426 xã, thuộc 44 huyện tại 5 tỉnh gồm: Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai
|
1.048 xã, thuộc 107 huyện tại 12 tỉnh gồm: Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cà Mau, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Lâm Đồng, Bình Thuận
|
Mục tiêu cụ thể
|
- Cấp điện cho 4.348 hộ dân nông thôn thuộc 210 thôn, bản
|
- Cấp điện cho 85.753 hộ dân nông thôn thuộc 2.171 thôn, bản
|
- Cấp điện cho 161.207 hộ dân nông thôn thuộc 3.781 thôn, ấp
- Cấp điện cho 2.594 trạm bơm
|
Quy mô đầu tư
|
- 84 trạm biến áp;
- Hơn 280 km đường dây trung áp;
- Hơn 608 km đường dây hạ áp;
- 4.348 hộ được cấp công tơ và dây dẫn.
|
- 925 trạm biến áp;
- 250,432 km đường dây trung áp;
- Hơn 1.600 km đường dây hạ áp;
- 85.753 hộ được cấp công tơ và dây dẫn.
|
- 7.837 trạm biến áp;
- Hơn 2.700 km đường dây trung áp;
- Hơn 3.770 km đường dây hạ áp;
- 161.207 hộ được cấp công tơ và dây dẫn.
|
Tổng mức đầu tư
|
Hơn 640 tỷ đồng
|
Hơn 2.150 tỷ đồng
|
Hơn 6.500 tỷ đồng
|
Dự án cấp điện cho huyện, xã đảo giai đoạn 2015 - 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt:
Dự án
|
Chủ đầu tư
|
Mục tiêu cụ thể
|
Quy mô, phạm vi
|
Tổng mức đầu tư
|
Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ
|
Tổng công ty Điện lực miền Bắc
|
Cấp điện cho khoảng 168 hộ dân và các đơn vị hành chính
|
- Lắp đặt 4 tuabin gió, công suất 250 kVA/tuabin;
- Lắp đặt các tấm pin mặt trời, tổng công suất 500 kWp;
- Lắp đặt 2 máy phát Diesel, tổng công suất 2 MVA.
|
Hơn 148 tỷ đồng
|
Cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang
|
Tổng công ty Điện lực miền Nam
|
Cấp điện cho khoảng 3.838 hộ dân nông thôn tại 5 xã đảo thuộc 4 huyện, thị
|
- 38 trạm biến áp;
- Hơn 98 km đường dây trung áp;
- Hơn 31 km đường dây hạ áp;
- 3.838 hộ dân được lắp công tơ và dây dẫn
|
Hơn 1.400 tỷ đồng
|