Nam Định: Tăng cường đầu tư hệ thống điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp

Trên địa bàn các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường hiện có 24 khu vực nuôi tôm với tổng diện tích hơn 3.000 ha, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 3.667 ha. Trong 3 năm gần đây, sản lượng điện cung ứng cho khu vực nuôi tôm thường đạt khoảng 10 triệu kWh/năm và đang có chiều hướng tăng, tập trung vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 11.

Nhằm hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy hải sản nói chung, nuôi tôm nói riêng phát triển đóng góp vào cơ cấu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Công ty Điện lực Nam Định (PC Nam Định) đã dành nguồn kinh phí lớn để đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện ven biển bảo đảm hiện đại, bền vững.

Trong đó, năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, PC Nam Định đã đầu tư mới 5,75 km đường dây trung thế 22 kV, 9 trạm biến áp 22/0,4 kV với tổng công suất máy biến áp 3.220 kVA, 9,3 km đường dây hạ thế 0,4 kV; cải tạo nâng cấp 4,5 km đường dây hạ thế 0,4 kV cùng một số hạng mục công trình khác. Tổng mức đầu tư các dự án này là hơn 16 tỷ đồng.

Nguồn điện cung ứng cho khu vực nuôi tôm huyện Giao Thủy được lấy từ các đường dây 22 kV 471, 474, 475, 478 Trạm 110 kV Giao Thủy. Tổng số hộ sử dụng điện nuôi tôm khu vực này hiện là gần 500 hộ, trong đó 19 hộ có trạm biến áp riêng, các hộ còn lại được cấp từ 42 trạm biến áp của ngành Điện.

Nguồn điện cung cấp đến khu vực nuôi tôm huyện Hải Hậu được lấy từ các đường dây 22 kV 471, 472, 473, 475, 478 Trạm 110 kV Hải Hậu và các lộ 473, 475 Trạm 110 kV Lạc Quần. Các tập thể, cá nhân nuôi tôm trên địa bàn huyện Hải Hậu đang sử dụng 52 trạm biến áp chung và riêng có tổng công suất 15.930 kVA.

Nguồn điện cung ứng đến khu vực nuôi tôm huyện Nghĩa Hưng được lấy từ các lộ đường dây 22 kV 471, 475 Trạm 110 kV Nghĩa Lạc, trong đó toàn bộ các hộ nuôi tôm đều sử dụng điện từ 7 trạm biến áp của ngành Điện.

Diện tích nuôi tôm ở huyện Xuân Trường tập trung chủ yếu ven khu vực sông Sò nên thuận lợi cho việc cung ứng điện từ đường dây 22 kV 475 Trạm 110 kV Lạc Quần.

Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các phụ tải dùng điện nuôi tôm, PC Nam Định đang tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống điện ven biển. Tuy nhiên, do phụ tải ở các vùng nuôi tôm thường dùng điện mang tính mùa vụ, hệ thống điện ven biển lại dễ bị hư hỏng do tác động của không khí mặn xâm nhập kết hợp với thời tiết mưa bão thất thường nên Công ty mong cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân vùng biển cùng chung sức bảo vệ an toàn hệ thống lưới điện, giúp Công ty thực hiện tốt chức năng cung ứng điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.


  • 24/04/2018 10:40
  • Theo baonamdinh.com.vn
  • 10366