Nan giải “bài toán” giảm thiểu vi phạm an toàn điện

Giảm thiểu vi phạm an toàn điện luôn là “bài toán khó” của các đơn vị trực thuộc EVN. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị về vấn đề này…

Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: 

Cần mạnh tay hơn trong xử lý vi phạm

Các quy định liên quan đã được Nhà nước đưa vào Luật Điện lực, các Nghị định về an toàn điện với những quy định rất chi tiết và cụ thể, kèm theo các hình thức xử lý. Tuy vậy, thực tế, các vụ vi phạm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình, sự cố xe cần cẩu chạm vào đường dây 500 kV Di Linh - Tân Định vào chiều 22/5/2013 đã gây mất điện nhiều giờ liền tại 22 tỉnh, thành phía Nam…

Nguyên nhân gồm cả vô tình và có chủ định. Đáng nói, hiện nay việc xử lý các vụ việc vi phạm trên vẫn còn nhẹ, hình thức xử lý chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm cũng như chưa đủ sức răn đe. 

Do vậy, thời gian tới, tôi cho rằng, ngành Điện cần phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời những vi phạm, từ đó hướng dẫn các đơn vị, người dân thực hiện việc cải tạo, giải tỏa các điểm vi phạm ra khỏi HLBVATLĐCA. Với những vụ việc nghiêm trọng, cần có chế tài xử phạt nghiêm, áp dụng cả hình thức xử phạt hành chính và hình sự đối với người vi phạm và cả cơ quan quản lý đối tượng vi phạm...

Cùng với đó, ngành Điện và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, sao cho các tổ chức, cá nhân thấy được những hậu quả nặng nề do vi phạm; vận động nhân dân thực hiện tốt quy định của Nhà nước về an toàn điện… Đồng thời, nên đưa các chương trình tuyên truyền vào các trường học, giúp học sinh nắm bắt được những quy định cụ thể, không thả diều, hay vui chơi trong khu vực hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA).

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: 

Tăng cường ký hợp tác với địa phương

Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Điện, mà còn là trách nhiệm của chính quyền các địa phương, của chính những người dân sống xung quanh các khu vực này. Bởi với người dân, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện không chỉ góp phần bảo đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt của nhân dân mà còn bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của bản thân và gia đình họ.

Đối với các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã là đơn vị hành chính gần dân, sâu sát với dân nhất. Vì vậy, để làm tốt công việc này, ngành Điện cần tiến hành ký các hợp tác về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp với chính quyền các địa phương, đặc biệt là cấp thôn, cấp xã; trong đó cần trích một phần kinh phí để chính quyền địa phương thực hiện. 

Thực tế, lưới điện trải dài trên diện rộng, trong khi lực lượng lao động của ngành Điện lại hạn chế, không thể có mặt thường xuyên trên tuyến để kiểm tra, xử lý các vi phạm. Còn với chính quyền các cấp vốn thường trực ở địa phương, gần dân nên việc nắm bắt các vi phạm sẽ dễ dàng hơn. Khi phát hiện vụ việc, chính quyền địa phương sẽ kịp thời báo với ngành Điện để phối hợp, xử lý.

Với những vụ việc vi phạm nhiều lần, cần lập phương án xử lý dứt điểm, thậm chí áp dụng cả hình thức cưỡng chế ra khỏi khu vực HLBVATLĐCA…

Ông Ngô Đức Dũng - Phó Giám đốc Công ty Lưới điện Cao thế TP. Hà Nội: 

Nhiều trường hợp cố tình vi phạm

Hiện nay, tình hình vi phạm HLBVATLĐCA trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp. Một mặt do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, các tòa nhà chung cư cao tầng và các công trình dân sinh được xây dựng, cải tạo trong và gần với hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; mặt khác một số đơn vị, người dân vẫn cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước về HLBVATLĐCA. 

Có nhiều trường hợp, ngành Điện nhiều lần đến tuyên truyền, giải thích trực tiếp tại hiện trường, có văn bản gửi đến chủ đầu tư, đề nghị có các biện pháp an toàn điện khi thi công và không xây dựng công trình trong HLBVATLĐ, nhưng chủ đầu tư hoặc người dân vẫn cố tình vi phạm.

Thời gian qua, Công ty đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát từ rơi, thông báo trên loa, bảng tin của các phường xã..; lắp các biển cảnh báo an toàn điện, biển cung cấp thông tin tại công trình lưới điện; làm rào chắn, barie, biển cảnh báo hạn chế về độ cao các phương tiện; dán tem cảnh báo trực tiếp tại chỗ điều khiển phương tiện để người điều khiển luôn chú ý đảm bảo khoảng cách với lưới điện...

Bên cạnh đó, CBCNV Công ty cũng thường xuyên kiểm tra hành lang các tuyến đường dây, chặt tỉa các cây cao trong và gần HLBVATLĐCA, nhằm đảm bảo an toàn lưới điện khi mưa, bão…

Tuy nhiên, để công tác này thực sự hiệu quả, chúng tôi rất cần sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông… để chủ đầu tư, người dân được hiểu rõ mức độ nguy hiểm cũng như những hậu quả nặng nề khi vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện cao áp, từ đó chấp hành nghiêm các quy định. 


  • 18/06/2017 10:16
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 525649