Nâng cao năng lực quản trị, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước

Ngày 20/8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị “Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong khối doanh nghiệp trung ương”.

Tham dự Hội nghị có ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Quang Dương – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với đại diện lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong khối doanh nghiệp trung ương.

Hội nghị “Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong khối doanh nghiệp trung ương”

Theo ông Nguyễn Quang Dương – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương: Sau hơn 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, các doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định. Hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp có nhiều cải thiện, trên 80% doanh nghiệp nhà nước có lãi, vốn chủ sở hữu tăng, tỷ suất lợi nhuận/vốn và doanh thu đạt 10 - 15%, nộp ngân sách nhà nước tăng 27%/năm, đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước, với 32,4% GDP. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 16,37%, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu 1,52 lần nằm trong giới hạn cho phép. Tính đến hết 30/6/2015, cả nước đã thực hiện sắp xếp được hơn 7.000 doanh nghiệp trong đó cổ phần hóa 4.300 doanh nghiệp.

Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty đã có những đóng góp quan trọng trong thúc đẩy kinh tế xã hội, hình thành các ngành công nghiệp, kinh tế quan trọng then chốt của đất nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều tập đoàn, tổng công ty có vai trò quan trọng trong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tham gia nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia và thực hiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai.

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được còn những tồn tại như tiến độ tái cơ cấu còn chậm, các doanh nghiệp sau sắp xếp chưa thực sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh và năng lực cạnh tranh còn yếu, cổ phần hóa và thoái vốn còn chậm so với yêu cầu… đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp”, ông Dương nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng: Việc tái cơ cấu và thoái vốn của EVN đang được thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh, trong những năm qua EVN phải thực hiện nhiệm vụ chính trị là đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. EVN còn thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, đó là đưa điện về vùng sâu vùng xa với số vốn đầu tư rất lớn, bán điện cho người nghèo với 75% giá thành, ngoài ra còn thực hiện nhiệm vụ cấp nước cho hạ du, tưới tiêu, đẩy mặn… Tính đến hết năm 2014 đã có 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn có điện và mục tiêu đến năm 2020 cơ bản tất cả các hộ dân trên cả nước đều có điện. Đặc biệt, nhiệm vụ an ninh quốc phòng cũng được EVN thực hiện tốt trong những năm qua với việc đưa điện về vùng núi, biên giới, hải đảo với 8/12 huyện đảo của nước có điện.

Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội nghị

“Một vướng mắc trong quá trình hoạt động của EVN đó là hiện nay Tập đoàn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp quy nên hạn chế hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tính chủ động của doanh nghiệp thấp”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Ngoài ra, đầu vào của EVN (than, dầu, khí) theo thị trường nhưng đầu ra là giá điện lại bị kiểm soát theo các quy định của nhà nước. Vì thế, EVN kiến nghị Chính phủ kiên trì thực hiện lộ trình điều chính giá điện theo cơ chế thị trường như trong Quyết định 69/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo EVN cân bằng được tài chính để có thể huy động nguồn vốn đầu tư, đồng thời sẽ khuyến khích được các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án nguồn điện.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trương Quang Nghĩa cho rằng: Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, đồng thời khẳng định các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu với 2 nhiệm vụ chính là cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành. Việc thực hiện 2 nhiệm vụ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp nên lộ trình còn chậm.

“Trong thời gian tới, yêu cầu thực tế đòi hỏi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh theo quy luật kinh tế thị trường, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để tác động, dẫn dắt và thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, tăng cường năng lực đổi mới công nghệ, đẩy mạnh đổi mới quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, quản lý, nâng cao chất lượng nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tình hình hoạt động của 26 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc khối doanh nghiệp trung ương năm 2014

- Tổng vốn điều lệ của 26 tập đoàn, tổng công ty: gần 712.767 tỷ đồng

- Tổng vốn chủ sở hữu: 864.855 tỷ đồng

- Tổng tài sản: 2.286.508 tỷ đồng

- Lợi nhuận trước thuế: 103.763 tỷ đồng

- Tổng doanh thu đạt: 1.788.552 tỷ đồng

- Nộp ngân sách: 278.221 tỷ đồng

 


  • 21/08/2015 08:20
  • Bài, ảnh: Xuân Tiến
  • 3223


Gửi nhận xét