Nắng nóng kéo dài: EVN có cung ứng đủ điện?

Các đợt nắng nóng diễn ra liên tục trên diện rộng và kéo dài, sản lượng điện tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung trong tháng 5 và tháng 6 tăng mạnh. Với những diễn biến bất lợi của thời tiết, EVN có đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh trên cả nước?

Công suất, sản lượng điện tăng kỷ lục

Miền Bắc và miền Trung đang trong cao điểm mùa nắng nóng với các đợt nắng nóng diễn ra liên tiếp và kéo dài, khiến sản lượng điện thiêu thụ liên tục lập kỉ lục. Tháng 5/2018, công suất đỉnh của hệ thống đạt 32.863 MW, tăng 2.006 MW so với đỉnh nắng nóng năm 2017, thì đến tháng 6, hệ thống điện lại tiếp tục ghi nhận những kỉ lục mới. Cụ thể, ngày 22/6, công suất đỉnh hệ thống đạt 34.138 MW, tăng gần 3.300 MW so với đỉnh của 2017 - tương đương tổng công suất của 2 nhà máy thủy điện lớn là Sơn La và Lai Châu.

Tại Hà Nội, nắng nóng cùng sự ngột ngạt của quá trình bê tông hóa đô thị, khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng mạnh. Chị Lê Phương Thùy (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, từ cuối tháng 4 đến nay, điều hòa nhiệt độ của gia đình chị gần như hoạt động hết công suất. Vẫn biết là tiền điện tăng cao, nhưng phải chấp nhận, vì thời tiết quá nóng nực.

Tại tỉnh Thái Bình, nắng nóng kéo dài, sản lượng điện tiêu thụ tăng mạnh. Chỉ riêng tháng 5/2018, sản lượng điện thương phẩm đã tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2017. Ông Nguyễn Đức Dương - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến đã gây đầy tải và quá tải cục bộ ở một số khu vực, đường dây và TBA, gây khó khăn cho vận hành lưới điện.

CBCNV ngành Điện sẵn sàng cung ứng điện an toàn, tin cậy phục vụ khách hàng mùa nắng nóng

Quyết tâm đảm bảo đủ điện

Ông Nguyễn Đức Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa nắng nóng 2018, từ cuối năm 2017, A0 đã xây dựng các kịch bản, đáp ứng nhu cầu tăng phụ tải.  Từ cuối 2017, A0 đã lập kế hoạch vận hành hệ thống điện 2018, mức tăng sản lượng dự kiến khoảng từ 9,3% - 9,5%. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, sản lượng điện đã tăng trên 11%. Riêng mùa nắng nóng 2018, sản lượng điện dự kiến sẽ tăng cao hơn so với kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt cuối 2017 khoảng 1,8 tỷ kWh...

Dự báo được những khó khăn trong cung ứng điện mùa nắng nóng, các đơn vị trực thuộc EVN đã hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng và cải tạo, sửa chữa các đường dây, TBA theo kế hoạch; tăng cường lực lượng ứng trực 24/24h, đặc biệt là tại những khu vực có nguy cơ tăng phụ tải bất thường... Vì vậy, bước vào mùa nắng nóng, cán bộ, công nhân ngành Điện luôn chủ động, sẵn sàng có mặt ở nơi xảy ra sự cố, bất kể thời gian nào.

Cuối năm 2017, EVN cũng đã cố gắng tích nước các hồ thủy điện ở mức cao nhất có thể, dự phòng công suất các nhà máy thủy điện. Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện than, các công trình lưới điện cũng đã được lập kế hoạch sửa chữa tối ưu. Cụ thể, công tác sửa chữa lớn chỉ tập trung vào 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4, bước vào mùa nắng nóng, hệ thống điện đã sẵn sàng ở mức cao nhất, có thể đáp ứng nhu cầu tăng cao của phụ tải. Khi tốc độ tăng trưởng quá cao, bên cạnh các nguồn điện chủ yếu như, thủy điện, nhiệt điện, EVN phải huy động các nguồn điện có giá thành sản xuất rất cao. Thực tế, trong 5 tháng 2018, Tập đoàn đã phải huy động nguồn điện chạy dầu DO và FO, với giá thành từ 4000-5000 đồng/kWh.

Cùng với việc cam kết đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, EVN cũng kêu gọi khách hàng sử dụng điện cả nước, chung tay, góp sức cùng Tập đoàn, sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

Box1: Ngày 22/6, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc: Gần 711 triệu kWh, tăng 69 triệu kWh so với sản lượng ngày cao nhất của năm 2017 - tương đương với mức tiêu thụ của khoảng 4 tỉnh/ thành phố phía Bắc.

Một số giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả:

- Để điều hòa nhiệt độ ở mức 25 - 26 độ C vào ban ngày và 27 - 28 độ C vào ban đêm; lắp thêm các thiết bị theo dõi và kiểm soát nhiệt độ tự động cho hệ thống điều hòa không khí; đóng kín các cửa khi bật điều hòa;

- Bảo dưỡng, bảo trì và vệ sinh các thiết bị làm mát trước mùa nắng nóng, đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định và tiết kiệm điện hơn;

- Lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm điện.

- Sử dụng đèn LED thay thế đèn huỳnh quang;

- Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng;

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nên tận dụng  giờ thấp điểm, vừa giảm áp lực cho hệ thống điện, vừa tiết kiệm chi phí...


  • 10/07/2018 02:08
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 13326