Ngẫm về giá điện lũy tiến theo bậc thang

Những ngày vừa qua dư luận đang xôn xao việc nhiều hộ gia đình hóa đơn tiền điện tăng vọt và họ cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do những bất cập trong cách tính giá điện lũy tiến theo bậc thang. Liệu có bất cập hay khuất tất gì ở đây không?

Đầu tiên, nhìn dưới góc độ pháp lý, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2256/QĐ-BCT điều chỉnh giá bán điện áp dụng từ ngày 16/3/2015. Biểu giá bán lẻ điện hiện nay đã được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Biểu giá bán lẻ này cũng nằm trong khung giá của giá bán lẻ điện trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2165/QĐ-TTg.

Nhiều người băn khoăn về việc dựa vào những yếu tố nào để Bộ Công Thương điều chỉnh giá bán điện. Việc này Bộ Công Thương đã dựa vào các thông số đầu vào sử dụng để tính giá điện thì đã được tính toán trên cơ sở báo cáo kiểm toán độc lập về giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2013 và được Tổ công tác liên bộ gồm có: Bộ Công Thương, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam kiểm tra. Từ đây có thể thấy được rằng việc xây dựng biểu giá bán điện để EVN thực hiện giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân là dựa trên cơ sở pháp lý của các Bộ, ngành.

Thứ hai, những kiến nghị của người dân về hóa đơn tiền điện tăng chủ yếu rơi vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Chúng ta đều biết, trong 2 tháng trên cả nước đã trải qua thời điểm nắng nóng cao điểm, có ngày trên 40 độ C. Theo EVN, trong những ngày đó, nhu cầu sử dụng điện cả hệ thống điện tăng trên 520 triệu kWh/ngày (thông thường dưới 500 triệu kWh/ngày). Như vậy là vào những ngày nóng mức độ tiêu thụ điện đã tăng vọt. Nguyên nhân là do hiện nay người dân đang sử dụng rất nhiều các thiết bị để làm mát, nhiều nhà chạy điều hòa, tăng cường quạt và các cửa hàng tăng cường sản xuất nước đá…

Số liệu thống kê của EVN cũng cho thấy sản lượng điện tháng 6 tăng gần 40% so với sản lượng điện của tháng 3, mức tiêu thụ điện chung của cả hệ thống điện Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 tăng khoảng 30-40% so với tháng 3/2015 vì tháng 3 thời tiết mát.

Mặc dù nhu cầu sử dụng điện tăng vọt như vậy nhưng EVN vẫn đảm bảo điện cho hệ thống, hầu như không bị cắt điện ở bất kỳ khu vực nào, trừ những trường hợp các khu vực bị sự cố là do bị quá tải lưới hoặc máy biến áp gặp sự cố. Những khu vực nào bị gián đoạn, EVN cũng nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị tiến hành sửa chữa, thậm chí thay máy biến áp ngay để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thứ ba, phải khẳng định rằng, điện là một loại hàng hóa vô cùng đặc biệt, đặc biệt ở chỗ việc sản xuất và sử dụng điện diễn ra đồng thời, nghĩa là điện không thể tích trữ được như các mặt hàng khác mà sản xuất ra đến đâu thì phải dùng hết đến đó, đồng thời người sử dụng điện trước và trả tiền sau. Hiện nay, bên cạnh sản lượng thủy điện thì phần lớn lượng điện năng của nước ta được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, gió… chưa được phát triển mạnh, nguyên nhân là do hiệu quả chưa cao, cách thức sử dụng còn khá phức tạp và chi phí đầu tư tương đối lớn. Chính vì thế, trong những năm qua, bên cạnh bán sản phẩm của mình là điện thì EVN luôn kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Trên thế giới, để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, rất nhiều nước phát triển và đang phát triển đã áp dụng giá điện theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần (áp dụng theo giá lũy tiến bậc thang sử dụng điện càng nhiều thì giá điện càng cao).

Ví dụ ở Nhật Bản một trong những nước phát triển nhất thế giới, số bậc thang giá điện sinh hoạt lũy tiến là 3 bậc. Hay như ở Mỹ (bang Califorlia) con số này là 5. Còn Nam Phi, Hàn Quốc xây dựng giá lũy tiến 6 bậc; Hồng Kông 7 bậc. Một số quốc gia trong khu vực, có hệ thống nguồn và lưới điện tương đồng Việt Nam như Philippines xây dựng giá lũy tiến 8 bậc; Thái Lan xây dựng giá lũy tiến 10 bậc, trong đó hộ sử dụng dưới 150 kWh/tháng 7 bậc, hộ sử dụng trên 150 kWh/tháng 3 bậc và Malaisia cũng xây dựng giá lũy tiến 10 bậc. Các quốc gia khác trong khu vực cũng đều xây dựng giá lũy tiến từ 3 bậc trở lên. Như vậy chúng ta có thể thấy việc áp dụng biểu giá lũy kế cho khách hàng sử dụng sinh hoạt là phổ biến trên thế giới, với mục đích chính là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Tại Việt Nam, ngày 07/04/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực từ ngày 01/06/2014 với các mục tiêu chính là giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành. Tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp điện với thực hiện chính sách an sinh - xã hội của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội thông qua hỗ trợ tiền điện trực tiếp từ ngân sách Nhà nước.

Biểu giá bán lẻ điện được xây dựng phù hợp theo hướng không quy định quá nhiều bậc thang, qua đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý theo dõi, áp dụng.

Thực hiện mục tiêu trên, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt tiếp tục được thiết kế theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần nhằm khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Như vậy, việc thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Mời độc giả tham khảo thông tin biểu giá điện của một số nước trong khu vực theo file đính kèm:

bieu gia dien cac nuoc trong khu vuc..doc


  • 14/07/2015 04:33
  • Nguồn bài: petrotimes.vn
  • 5768


Gửi nhận xét