Ngành Điện và những năm Dần lịch sử

Chào Xuân Nhâm Dần 2022, hãy cùng ôn lại những sự kiện lịch sử không thể nào quên của ngành Điện trong những năm Dần.

Năm Nhâm Dần 1962

Ngày 26/3 - 16/4 năm 1962: Phương hướng phát triển lâu dài của ngành Điện nước ta được xác định tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa III) về việc xây dựng, phát triển công nghiệp.

“Điện lực và nhiên liệu là cơ sở động lực của nền đại công nghiệp cơ khí và các ngành kinh tế quốc dân”. Muốn phát triển các ngành kinh tế, trước hết phải phát triển công nghiệp điện lực và nhiên liệu. Điện lực và nhiên liệu còn rất cần thiết cho việc phục vụ đời sống nhân dân. Cuộc cách mạng về kỹ thuật càng phát triển, thì nhu cầu điện lực và nhiên liệu càng tăng lên rất nhiều. Vì vậy, chúng ta phải đưa điện lực đi trước một bước và đẩy mạnh các ngành công nghiệp khai thác nhiên liệu".

Quý III năm 1962: Khởi công tuyến đường dây Đông Anh - Việt Trì, Uông Bí - Hải Phòng, 2 tuyến đường dây 110 kV đầu tiên ở miền Bắc nước ta.

Ngày 07/9/1962: Nhà máy điện Thái Nguyên chính thức phát điện. Nhà máy này được khởi công từ tháng 7/1960 với 2 lò máy cung cấp điện cho Khu Gang thép Thái Nguyên và tăng cường nguồn điện cho Thủ đô Hà Nội.

Năm Bính Dần 1986

Ngày 09/01/1986: Đợt lấp sông Đà lần 2 chuyển dòng chảy vào tuy-nel của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Ngày 20/02/1986: Nhà máy điện Phả Lại sản xuất đạt mức 3 tỷ kWh điện. Đây là sản lượng tính từ khi tổ máy đầu tiên phát điện vào cuối năm 1983. Sau khi đưa vào vận hành tổ máy số 2 (1984) và số 3 (1985), nguồn điện của nhà máy giữ vị trí chủ đạo trên lưới điện quốc gia miền Bắc. Trong 2 năm 1984 và 1985, nhà máy vượt mức kế hoạch từ 100 đến 700 triệu kWh. Quý I-1986, sản lượng đạt 506 triệu 740 ngàn kWh, vượt mức kế hoạch 46 triệu 740 ngàn kWh và tiếp tục lắp đặt tổ máy số 4.

Ngày 24/3/1986: Bộ trưởng Bộ Điện lực ký Quyết định số 14/ĐL-XDCB.1 phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình Thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai.

Phòng điều độ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia ngày nay

Năm Mậu Dần 1998

Hợp nhất các điều độ miền (A1, A2, A3) từ các Công ty Điện lực 1, 2, 3 về trực thuộc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0). Hệ thống điện cả nước được điều hành thống nhất.

Năm Canh Dần 2010

Ngày 08/01/2010: Khởi động dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Tuyến cáp biển có chiều dài 56 km, lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam.

Ngày 12/01/2010: Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập các Tổng công ty quản lý và phân phối điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (văn bản số 60/TTg)

Tháng 4/2010, 5 Tổng công ty Điện lực đã ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Đây là bước ngoặt mới, giúp hoàn thiện cơ cấu tổ chức, mô hình quản lý, nâng cao quản trị doanh nghiệp, tạo đà cho sự phát triển trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị ngành Điện.

Ngày 25/6/2010: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 975/QĐ-TTg về việc chuyển công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Ngày 03/3/2010: Khởi công xây dựng trạm biến áp Hiệp Hòa (Bắc Giang) - trạm biến áp lớn nhất Việt Nam.

Ngày 31/7/2010: Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện ở Tây Nguyên đã hoàn tất trên toàn bộ 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ngày 07/10/2010: Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh tổ chức “Lễ gắn biển công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” cho máy biến áp 500kV. Việc chế tạo thành công máy biến áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam tiếp tục tạo nên dấu son lịch sử của ngành cơ khí điện lực nước ta, giúp tăng cường sự chủ động trong đầu tư, xây dựng, tiết kiệm chi phí cũng như giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu thiết bị nước ngoài.

Ngày 17/12/2010: Hòa lưới điện quốc gia lần đầu Tổ máy số 1, Thủy điện Sơn La.


  • 01/02/2022 07:21
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5794