Người thợ điện theo dấu “vàng đen”...

Những ngày cuối tháng 3, cái nắng gay gắt đã tràn về quê hương Bình Định. Tại Trạm biến áp 110 kV Mỹ Thành thôn Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành huyện Phù Mỹ, cái nắng như càng khốc liệt hơn. Bốn bề là cát trắng, không một bóng cây, mái nhà. Xa xa từng hệ thống vít xoắn lọc titan chầm chậm quay. Tiếng ồn của động cơ xe hòa trong âm thanh vù vù của những lò luyện xỉ cùng nắng và gió… là tất cả ấn tượng khi tôi về vùng đất này.

Ở đây, muốn mua một chai nước uống hay một gói mì phải đi mất chừng 5km. Môi trường lao động, điều kiện sống khó khăn khắc nghiệt là thế nhưng 11 người công nhân trẻ vận hành Trạm biến áp 110kV Mỹ Thành, Chi nhánh Điên cao thế Bình Định, được sự quan tâm  của lãnh đạo Công ty Lưới điện miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Trung, vẫn sống lạc quan, tin tưởng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Nhọc nhằn theo dấu "vàng đen"

Người ta thường gọi titan là “vàng đen”vì giá trị kinh tế  mang lại. Một dải cồn cát kéo dài hơn 100 km ven biển có độ cao từ 3-4m ở Hoài Nhơn, 10-20m ở Phù Cát và 20-30m ở Phù Mỹ, tổng diện tích hơn 5.000 ha ngày càng nóng lên như một  công trường liên hoàn. Việc khai thác khoáng sản nơi đây đã  tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhưng để đồng hành cùng cơn sốt titan quả là một bài toán nan giải đặt ra cho các ban ngành chức năng của Tỉnh, trong đó phải kể đến sự vất vả, nhọc nhằn của những người thợ áo cam ngành Điện trong việc đảm bảo nguồn năng lượng đáp ứng theo yêu cầu phát triển sản xuất của khách hàng.

Năm 2009, Trạm biến áp 110kV Mỹ Thành đóng điện và đưa vào vận hành với 01 MBA 25 MVA, cấp điện  cho khu đông Phù Mỹ, Phù Cát mà chủ yếu là cho cụm công nghiệp chế biến sâu titan thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC). Theo thời gian, việc khai thác titan trên địa bàn phát triển đột biến, SQC tiếp tục xây dựng lò luyện xỉ mới nên chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ ngày thành lập, Trạm biến áp 110kV Mỹ Thành đã liên tục nâng công suất chống quá tải từ 01MBA x 25MVA lên đến 02MBA x 40 MVA vào ngày 23/11/2011.

Việc nâng công suất qua từng giai đoạn và diễn ra liên tục trong một khoảng thời gian ngắn đã gây những khó khăn không nhỏ. Từ công tác đền bù, vận chuyển thiết bị với địa hình và thời tiết kém thuận lợi đến việc tổ chức thi công, lắp đặt thiết bị. Nhân viên QLVH Trạm vừa đảm bảo công tác sản xuất vừa nỗ lực bám sát đơn vị thi công giám sát chất lượng công trình, tìm hiểu, nắm bắt lý lịch, quy trình vận hành thiết bị, làm chủ công nghệ mới trong quá trình sản xuất. Những lần vấp ngã từ thực tế vận hành là bài học chuyên môn sâu sắc giúp những người công nhân trẻ từng bước trưởng thành về mọi mặt, tự tin gánh vát nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc công việc được giao.

Nhưng khó khăn nhất đối với những người lao động kỹ thuật không phải là máy móc thiết bị mà là công tác giao tiếp khách hàng. Những công nhân ngày ngày với TU, TI, máy biến áp, rơle, máy cắt.v.v   lại phải cố gắng hoàn thiện mình, mền dẻo, khéo léo trong giao tiếp, ứng xử vì đây là Trạm biến áp 110kV cấp điện cho khách hàng sản xuất. Các vấn đề chính trong Quy trình kinh doanh điện năng như quy trình cấp điện, quản lý hệ thống đo đếm, ghi chỉ số công tơ, giao tiếp và chăm sóc khách hàng.v.v. thường xuyên được đơn vị bồi huấn, tổ chức học tập nắm bắt nhuần nhuyễn. Hơn thế nữa, mỗi CBCNV còn thể hiện tốt vai trò là một tuyên truyền viên xuất sắc trong công tác vận động, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện năng tiết kiệm, hiệu quả.

Trạm trưởng Trần Văn Cảnh chia sẻ: “ SQC hiện đang sở hữu nhà máy sản xuất chế biến titan có quy mô lớn nhất Việt Nam, bình quân mỗi ngày sử dụng khoảng 280.000 kWh điện. Phụ tải cấp cho nhà máy luôn giao động bất thường do dây chuyền sản xuất hoạt động theo nguyên tắc hồ quang điện, phát sinh sóng hài bậc cao làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị nên việc đảm bảo nguồn điện an toàn, tin cậy phục vụ dây chuyền sản xuất của các lò luyện xỉ titan là một thách thức lớn trong công tác quản lý vận hành. Đồng thời, việc tìm được tiếng nói đồng thuận cảm thông chia sẻ từ phía khách hàng qua các đợt cắt điện tiết giảm phụ tải vào mùa khô; Sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ thiết bị hay mất điện đột xuất do sự cố khách quan... cũng là một khó khăn không kém. ”

Nhận thức được vai trò đặc biệt của mình, đội ngũ CBCNV một mặt nỗ lực nâng cao chất lượng QLVH đảm bảo cấp điện an toàn, tin cậy cho khách hàng; Mặt khác khắc phục những hạn chế của một nhân viên kỷ thuật trong công tác kinh doanh bán điện, từng bước hoàn thiện mình, tận tâm phục vụ, đem đến cho khách hàng sự hài lòng, tin tưởng.

Văn hóa EVN, EVN CPC là chìa khóa

Các giá trị cốt lõi của các bộ Tài liệu văn hóa EVN, EVNCPC là nền tảng, là chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho một nhân viên kỹ thuật trong công tác QLVH và kinh doanh bán điện. Bên cạnh sự nỗ lực tư duy nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu vận hành mới, đội ngũ CBCNV đặt biệt chú trọng thái độ ứng xử, giao tiếp với khách hàng trong quá trình công tác. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như cách chào hỏi, trả lời điện thoại đến cách tranh luận khi tiếp xúc, giải quyết vấn đề với khách hàng đều tuân theo các chuẩn mực như sự thành thực (Nói thật, không gian dối, cam kết thực hiện đúng những gì hứa hẹn ); Sự tự giác (đề cao trách nhiệm cá nhân, không ngại khó khăn, hết mình vì lợi ích của tổ chức, tận tâm phục vụ khách hàng); Sự khéo léo (Sắp xếp vấn đề hợp lý, tranh luận có tính thuyết phục, nói những điều cần nói)… Phong thái tự tin, hòa nhã, trang phục gọn gàng lịch sự, đúng quy định đã tạo dựng được niềm tin, uy tín với khách hàng.   

Những ngày cùng đoàn cán bộ  kỹ thuật về Trạm công tác, tôi còn cảm nhận sâu sắc nét văn hóa bình dị ở tinh thần đoàn kết, kỷ cương, truyền thống nghĩa tình của người thợ điện trên vùng đất khắc nghiệt này. Bỏ qua những nếp sống riêng, 11 chàng trai trẻ tuổi đời dưới ba mươi, sống hòa thuận, quây quần bên nhau trong khu nhà nghỉ ca tập thể như một  gia đình. Mỗi sáng cùng chia nhau gói mì hay bát cơm còn lại của đêm qua. Tách trà, ly cà phê tự pha chế, tranh thủ đi chợ, nấu ăn, khi ốm đau cùng chăm sóc. Sống gắn bó chan hòa là thế nhưng trong công việc, mỗi người nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ của mình, đặt an toàn lao động lên hàng đầu trong sản xuất.  

Cảm nhận ánh mắt đầy nghị lực của 11 vị “đại sứ trẻ áo cam” ngày đêm trên vùng cát trắng Mỹ Thành mang theo tôn chỉ: “Sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu cao nhất để chúng tôi phấn đấu thực hiện”, tôi chợt nhớ về câu nói của Ikeda Taikasu: “Tư thế của người tuổi trẻ khi nỗ lực hướng về một mục tiêu nào đó là tư thế mạnh mẽ nhất, mới mẻ nhất, tươi đẹp nhất…”.


  • 23/05/2012 03:59
  • Nguyễn Thị Tầm
  • 8057


Gửi nhận xét