Đoạn đường dây 110 kV từ Trạm biến áp 110 kV Kon Tum đến điểm đấu nối vào nhánh rẽ Thủy điện Pleikrong dài 5,325 km (Từ VT số 01 đến VT số 26) trong những năm qua luôn quá tải nặng. Để khai thác tối đa nguồn công suất của các Nhà máy Thủy điện đấu nối vào đoạn đường dây này, trong tình hình hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung quyết định cải tạo nâng cao khả năng chuyển tải cho đường dây với giải pháp thay dây dẫn loại AC240/39 hiện hữu bằng dây siêu nhiệt GZTACSR 200 mm2 có khả năng mang tải lớn hơn đồng thời giao nhiệm vụ cho Công ty Lưới điện Cao thế miền Trung thi công, tiếp nhận QLVH.
Bằng những kinh nghiệm trong đợt giám sát, học tập, hỗ trợ thi công công trình chống quá tải đường dây 110 kV Pleiku-Kon Tum vào tháng 6/2011 do Công ty Xây lắp điện 4 thực hiện, những người thợ điện CGC đoàn kết nỗ lực vượt qua những khó khăn và điều kiện thời tiết kém thuận lợi, hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị.
Đồng hành cùng công trình trong suốt quá trình thi công, ông Trần Phi Hùng - Phó Phòng Kỹ thuật Công ty Lưới điện cao thế miền Trung chia sẻ: “Khi được Tổng công ty Điện lực miền Trung tin tưởng giao nhiệm vụ thi công công trình, bên cạnh niềm vui vì được lãnh đạo tin tưởng là nỗi lo lắng lớn. Đây là loại dây dẫn công nghệ mới, cấu trúc khác với loại dây ACSR, nên đòi hỏi thiết bị phục vụ thi công và trình tự thao tác riêng, mới phù hợp với kết cấu của dây để tránh trường hợp tổn thương dây, đảm bảo an toàn về tiến độ cũng như chất lượng".
Trong khi đó, đây là lần đầu tiên Công ty thực hiện thi công thay dây dẫn siêu nhiệt GZTACSR 200 mm2 nên mọi vật tư thiết bị chuyên dụng còn thiếu thốn. Nguồn nhân lực được huy động từ nhiều đơn vị và chỉ mới được đào tạo qua lý thuyết nên gặp khó khăn trong phối hợp thao tác tại hiện trường. Tình hình thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân...
Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, tinh thần ham học hỏi, đoàn kết vì nhiệm vụ chung; sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các Ban chuyên môn Tổng Công ty, các đơn vị đã vượt qua khó khăn, phối hợp lẫn nhau ngày đêm gắn bó hiện trường làm chủ công nghệ mới, đưa công trình về đích đúng tiến độ, đảm bảo các yêu cầu khắc khe về tiêu chuẩn kỹ thuật. ”
Trong những ngày thi công, các đoàn lãnh đạo, đội ngũ kỹ thuật của Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc, miền Nam cũng đến trực tiếp tại hiện trường, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong việc nắm bắt công nghệ thi công thay dây dẫn siêu nhiệt. Ngoài công tác kỹ thuật thi công, các đoàn còn đánh giá rất cao nét văn hóa người thợ điện cao thế miền Trung trong chuẩn bị kỹ phương án thi công, từ những việc nhỏ nhất không chỉ nhằm đảm bảo an toàn cho người và thiết bị mà còn bảo vệ tối đa những tổn thất về kinh tế của người dân trong quá trình vận chuyển, lắp đặt máy móc thiết bị thi công công trình.
Công trình hoàn thành đánh dấu bước phát triển vững mạnh của CGC trong đảm trách vai trò thời kỳ mới, đồng thời có ý nghĩa lớn đối NMTĐ Pleikrông và các NMTĐ nhỏ đấu nối vào đường dây này trong việc phát tối đa nguồn công suất, dùng hết lượng nước tích trữ, chuẩn bị tích nước cho mùa mưa Tây Nguyên đang đến gần.