Trên 98% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia
Tháp Mười là một huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp, có diện tích 517,7 km2, với số dân hơn 140.000 người. Cách đây hơn 30 năm, đây là một vùng đất chua phèn, hoang sơ, nhà cửa đa số làm bằng tranh lá, ẩm thấp; đường sá chật hẹp, lầy lội; giao thông đi lại chủ yếu bằng ghe thuyền; chợ búa nghèo nàn, hàng hóa chủ yếu là nông- thổ - thủy sản địa phương; trường học, bệnh xá đơn sơ; những cánh đồng ngập phèn , mỗi năm trồng được một vụ lúa…
Thế nhưng, từ khi thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, mọi chuyện đã thay đổi. Giờ đây, Tháp Mười trở thành một đô thị mới, với nhiều công trình hạ tầng hiện đại. Phố chợ, siêu thị, quán xá sầm uất. Đường sá rộng rãi, hầu hết được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, nhộn nhịp xe máy. Nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên san sát. Khu hành chính, trường học, bệnh viện được xây dựng khang trang, rộng rãi… Diện tích gieo trồng đã tăng lên gần 100.000 ha/năm; sản xuất lúa đã tăng lên 3 vụ/năm; riêng năm 2011 đạt gần 600 ngàn tấn lúa, tăng gấp 10 lần so với thời kỳ huyện mới thành lập, trong đó gần 70% dành cho xuất khẩu.
|
Những TBA 110kV ngày càng xuất hiện nhiều ở huyện Đồng Tháp - Ảnh: Lê Bá Lư |
Theo lãnh đạo Huyện, để đạt được những kết quả này có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Điện khí hóa nông thôn. Hiện nay 98,5% hộ dân Tháp Mười đã sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống trạm bơm điện phát triển đều khắp, giải quyết nhiều khó khăn cho nhân dân. Đến nay, 88% diện tích gieo trồng được tưới từ nguồn nước các trạm bơm điện, giúp nông dân chủ động gieo trồng và giảm giá thành sản xuất. Hệ thống trạm bơm điện đảm bảo nguồn nước tưới cho đồng lúa sản xuất mỗi năm 3 vụ và chống úng, chống ngập trong mùa lũ.
Hơn 80% nông dân Tháp Mười đã thu hoạch lúa tươi và sấy bằng máy, làm tăng chất lượng hạt lúa để xuất khẩu. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã làm giảm đáng kể lực lượng lao động nông nghiệp; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp qua các ngành nghề khác.
Giảm số hộ nghèo trong huyện
Ngoài việc đẩy mạnh phát triển cây lúa, huyện tháp Mười còn khuyên khích nông dân trồng các loại cây hoa màu có thế mạnh. Tháp Mười hiện có hơn 1.000 ha diện tích ao hồ trồng sen và hàng ngàn ha trồng các loại hoa màu khác. Nhiều trang trại nuôi heo và tôm, cá, nhất là tôm càng xanh và cá rô đồng đang phát triển mạnh trên địa bàn.
|
Đẩy mạnh cơ giới hóa, nông nghiệp Tháp Mười ngày càng phát triển - Ảnh: Lê Bá Lư |
Điện lưới quốc gia đã phủ kín, đảm bảo cung ứng đủ điện cho 1 cụm công nghiệp và 2 khu công nghiệp của huyện với tổng diện tích hơn 400 ha. Nhiều nhà máy cơ khí chế tạo đã mọc lên trên địa bàn để sản xuất các công cụ máy móc phục vụ nông nghiệp. Một số nhà máy sản xuất hàng may mặc, giày da xuất khẩu, chế biến lương thực…đã hình thành, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, trong đó có một số nhà máy của các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng đến hơn 3.000 công nhân.
Công tác y tế, giáo dục, an sinh xã hội của Tháp Mười đã đạt những thành tựu đáng kể. Tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được tới trường. Học sinh thi tốt nghiệp phổ thông các cấp hàng năm đạt tỷ lệ cao. Năm học 2010- 2011, học sinh tốt nghiệp PTTH đạt tỷ lệ 99,05%, là đơn vị đứng đầu tỉnh Đồng Tháp. Sức khỏe người dân được chăm lo chu đáo, với hệ thống cơ sở y tế gồm 1 bệnh viện và 13 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được Huyện quan tâm. Hộ nghèo của Huyện chỉ còn hơn 11%. Hộ dân sử dụng nước sạch đạt 90%...
Qua hơn 30 xây dựng và phát triển, diện mạo Tháp Mười đã có những đổi thay to lớn trên mọi lãnh vực. Từ một vùng đất hoang sơ, đồng chua nước mặn, huyện Tháp Mười đã trở thành một trung tâm kinh tế, một vùng đô thị mới với nhiều tiềm năng phát triển. Tháp Mười như một bông sen đẹp đang nở giữa vùng Đồng Tháp Mười mênh mông - vựa lúa khổng lồ phía nam Tổ quốc.