Đến thời điểm này, các đơn vị thành viên của EVN đã bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn tại 7.312 xã (chiếm 81,32% số xã có điện), 12,565 triệu hộ dân nông thôn mua điện trực tiếp từ điện lực (chiếm 80,18% số hộ dân nông thôn) sử dụng điện cùng một giá như người dân đô thị.
Gần 40 tỉnh không còn cai thầu điện nông thôn
Chương trình điện khí hóa nông thôn Việt Nam trong mấy chục năm qua chủ yếu thực hiện theo phương châm "phát huy nội lực", "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Do đó, hầu hết lưới điện hạ áp nông thôn chắp vá và không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, xuống cấp nghiêm trọng làm tổn thất điện năng cao, gây mất an toàn cho người sử dụng, giá điện vào đến hộ dân tăng lên cao…
Ngành Điện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến hộ tiêu thụ điện ở nông thôn là một chủ trương lớn mà Đảng và Nhà nước đã giao, nên EVN phải tìm mọi biện pháp để thực hiện từ giữa năm 2008, dự định hoàn thành vào năm 2010. Nhưng do chi phí đầu tư quá lớn khi thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, trong lúc nguồn vốn của EVN và các tổng công ty thành viên rất hạn hẹp và gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn.
Đến thời điểm này, tại 1.680 xã với 3.105.528 hộ dân nông thôn trong cả nước vẫn do các đơn vị, HTX quản lý điện nông thôn khác quản lý bán điện. Trong số đó, có 939 xã thuộc Dự án RE II chưa kết thúc đầu tư, 127 xã không đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ điện đến hộ dân dùng điện, nhưng các đơn vị đó chưa chấp nhận bàn giao cho ngành Điện, mặc dù đông đảo người dân dùng điện yêu cầu bàn giao cho Điện lực càng sớm càng tốt.
Trong 2 năm 2009-2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổng công ty điện lực đã khắc phục khó khăn về vốn, đầu tư gần 3.500 tỷ đồng cải tạo tối thiểu và sửa chữa củng cố chất lượng lưới điện, đảm bảo khoảng cách an toàn, phát quang hành lang lưới điện, lắp đặt mới công tơ đo đếm điện năng. Kết quả của những biện pháp này đã làm chuyển biến rõ rệt chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện ở nông thôn đã khá hơn so với trước; đặc biệt mức tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn trước đây thường rất cao từ 28% trở lên, nhiều nơi đến 33-38%; năm 2009 giảm xuống còn 25,44%, năm 2010 còn 19,04%, năm 2011 còn 15,25%.
Nói chung, chương trình ngành điện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và trực tiếp bán điện đến hộ dân nông thôn đã mang lại nhiều lợi ích: Lưới điện được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp không những đảm bảo chất lượng cấp điện ổn định, mà còn đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi. Người dân nông thôn được hưởng thụ trực tiếp chính sách giá điện của Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo (trong tổng số 3,21 triệu hộ khách hàng dùng điện trong cả nước đủ điều kiện để áp giá bán điện cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, đảm bảo thực hiện đúng chính sách hỗ trợ của Chính phủ, hộ dân nông thôn chiếm phần lớn nhất). Kể từ sau khi ngành Điện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, các hộ gia đình nông thôn không phải đóng góp hàng năm các khoản chi phí cho quản lý, duy tu sửa chữa lưới điện, không phải bỏ tiền mua công tơ khi có nhu cầu được cấp điện. Nhà nước không phải bị thất thu tiền điện và ngành Điện không còn sự kêu ca của dân, được nhân dân hoan nghênh và chung sức bảo vệ an toàn lưới điện.
Năm 2015, tổn thất điện nông thôn còn 10%
Lưới điện hạ áp nông thôn do các tổ chức quản lý điện địa phương bàn giao cho các công ty điện lực quản lý đều được xây dựng và đưa vào vận hành từ 15 - 20 năm trước đây. Hầu hết các công trình này đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật điện và tiêu chuẩn an toàn điện. Công tơ điện các hộ dùng điện tự mua phần lớn không được kiểm định, không đảm bảo cấp chính xác theo quy định. Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện rất phổ biến. Chất lượng cấp điện do đó không đảm bảo, tổn thất luôn ở mức cao.
Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, vì nguồn vốn hết sức hạn hẹp, các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực mới sửa chữa, cải tạo tối thiểu, thay công tơ mới để cấp điện cho hộ dân, giảm tổn thất bình quân từ khoảng 30% xuống còn trên 15% là một thành tích đáng ghi nhận. Mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2015, tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn phải giảm xuống còn 10% là một giai đoạn phấn đấu hết sức quyết liệt và cần một số vốn đầu tư rất lớn cho việc hiện đại hóa lưới điện hạ áp nông thôn, dự tính mỗi tỉnh cần đến hơn một nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổng công ty điện lực thành viên của Tập đoàn đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi trong nước cho ngành Điện để thực hiện nâng cấp cải tạo lưới điện nông thôn đã tiếp nhận, để lưới điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu điện năng cho sinh hoạt và phát triển kinh tế của các địa phương; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Để giảm biên chế lao động quản lý vận hành kinh doanh lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận để bán điện lực tiếp đến hộ dân nông thôn, EVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ngành Điện có lộ trình để áp dụng công nghệ mới vào công tơ điện tử đo đếm từ xa. Tổng công ty Điện lực miền Bắc có khối lượng tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn rất lớn, đến đầu năm 2012 đã trực tiếp bán điện cho 3.816.563 hộ nông thôn trên địa bàn 3.199 xã, đã có những giải pháp sáng tạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.