EVN CPC: Tạo đột phá trong giảm tổn thất điện năng

"Từ nay đến năm 2016, mỗi năm Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) và các đơn vị phải tạo được một bước đột phá mới trong công tác giảm tổn thất điện năng" - Phó Tổng giám đốc EVN CPC Lê Kim Hùng khẳng định tại cuộc họp Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng của EVN CPC diễn ra vào đầu tháng 4/2012.

Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2012, tỉ lệ TTĐN thực hiện toàn Tổng công ty đạt 8,17%, tăng 0,87% so với kế hoạch và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, các đơn vị thực hiện TTĐN cao trên 4% so với cùng kỳ là: PC Quảng Bình, PC Thừa Thiên - Huế, PC Quảng Ngãi, PC Phú Yên, PC Khánh Hoà, PC Đăk Nông.

Ước TTĐN tháng 3/2012 toàn EVNCPC thực hiện 8,7%, luỹ kế 3 tháng thực hiện ở mức 8,34%, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là mức tăng TTĐN khá cao so với kế hoạch thực hiện TTĐN năm 2012 toàn Tổng công ty là 7,13%.

Kiểm tra lưới điện hạ áp nông thôn nhằm giảm tổn thất điện năng

Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện của các đơn vị, ông Lê Kim Hùng đã nhận định về sự không nhất quán của số liệu trong cùng một điều kiện, cùng một khoảng thời gian như nhau, nhưng có đơn vị  tăng rất cao, có đơn vị giảm; số liệu thực hiện so với cùng kỳ năm trước cũng chênh lệch rất lớn, do đó cần có sự phân tích sâu hơn, nghiên cứu kỹ nguồn số liệu và phương pháp thống kê để tìm nguyên nhân và hướng giải quyết.

Trong thời gian tới, EVN CPC sẽ tăng cường hướng dẫn, quán triệt đến các cấp lãnh đạo, CBCNV từng đơn vị; quản lý chặt tiến độ và chất lượng các công trình đầu tư xây dựng mới, đảm bảo tuân thủ theo đúng tiến độ đề ra; ưu tiên đối với các dự án trọng điểm góp phần giảm TTĐN  trọng tâm là phấn đấu đưa vào vận hành dự án cải tạo lưới điện trung hạ áp vốn vay ADB và KFW trong năm 2012. Tổng công ty sẽ thực hiện kiểm tra chuyên đề, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân tăng TTĐN của các đơn vị có tỷ lệ TTĐN cao.

Bên cạnh đó, EVN CPC tiếp tục thực hiện cơ chế khoán chi phí sữa chữa lớn cho các đơn vị, ưu tiên nguồn vốn sữa chữa lớn cho khu vực tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn; triệt để tận dụng thời gian cắt điện theo kế hoạch phục vụ công tác cải tạo lưới điện để kết hợp bảo dưỡng, vệ sinh công nghiệp các đường dây, TBA... nhằm giảm thiểu thời gian cắt điện và sử dụng thời gian cắt điện có hiệu quả cao nhất.

Với các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, thường xuyên rà soát chế độ vận hành để không làm tăng TTĐN trên đường dây, khi cần thiết có thể sửa đổi quy trình phối hợp vận hành, quy định về nhận và phát công suất vô công vào hợp đồng mua bán điện.

Riêng đối với Công ty Lưới điện cao thế miền Trung: thực hiện triệt để việc chọn số lượng MBA vận hành kinh tế tại các TBA 110 kV có 2 MBA vận hành song song để giảm TTĐN; thường xuyên kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng để xử lý kịp thời các trường hợp hỏng hóc, đặc biệt là với các khách hàng 110 kV; phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung và Điều độ phân phối đảm bảo điện áp vận hành tại thanh cái trung áp các TBA 110kV đạt từ 1,05 - 1,1 Uđm.

Hàng tháng, các công ty điện lực thực hiện thường xuyên công tác tổng hợp, phân tích, xác định nguyên nhân, theo dõi sát các trường hợp khách hàng có lượng điện thương phẩm tiêu thụ bất thường, xử lý kịp thời các TBA phụ tải có tổn thất âm, tổn thất trên 7% đối với khu vực không phải lưới tiếp nhận và trên 15% đối với lưới điện tiếp nhận hạ áp nông thôn. Cần chú trọng kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác ghi chữ và phúc tra ghi chữ; kiểm tra sử dụng điện của các hộ khách hàng sử dụng điện lớn, khách hàng có TBA chuyên dùng và khách hàng tại các lưới điện mới tiếp nhận bán lẻ; tăng cường kiểm tra, quản lý hệ thống đo đếm…

Triển khai sản xuất, lắp đặt rộng rãi loại công tơ điện tử 1 pha DT01P-RF để phục vụ công tác kinh doanh đạt hiệu quả cao. Tăng cường sử dụng nguồn vốn sửa chữa lớn để thay dây dẫn trần bằng dây dẫn bọc tại khu vực dễ xảy ra hiện tượng trộm cắp điện, thay thế các cột, xà… nhằm giảm lượng vốn đầu tư khi thực hiện cải tạo triệt để sau này; kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý làm dịch vụ điện nông thôn nhằm hạn chế tiêu cực; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi lấy cắp điện và thực hiện tốt công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Công tác giảm TTĐN là công tác thường xuyên và được xác định cần tăng cường chỉ đạo, tìm giải pháp để thực hiện hiệu quả. Phó Tổng giám đốc Lê Kim Hùng đặt ra yêu cầu từ nay đến 2016, mỗi năm EVN CPC và các đơn vị phải tạo được một bước đột phá, một bước chuyển mới  trong công tác này.


  • 10/04/2012 05:21
  • Đình Vỹ - Lê Hải
  • 8168


Gửi nhận xét