Cần sự vào cuộc đồng bộ
Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương được ban hành để thay thế Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 về thực hiện giá bán điện. Một trong những điểm mới của Thông tư này là đơn giản hóa cách tính trong trường hợp người thuê nhà không phải là một hộ gia đình, giúp các chủ nhà trọ và người thuê trọ dễ dàng tính tiền điện hàng tháng; đồng thời, cũng tạo điều kiện cho cơ quan QLNN và đơn vị điện lực dễ dàng kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, những quy định mới tại Thông tư 25 sẽ khắc phục được tình trạng chủ nhà thu tiền điện cao hơn, giúp người thuê nhà được hưởng giá điện theo quy định của Nhà nước.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Thông tư 25 của Bộ Công Thương có ý nghĩa rất lớn về an sinh xã hội đối với người thu nhập thấp - những người đang phải đi thuê nhà như, sinh viên, học sinh, người lao động… Tuy nhiên, để Thông tư này đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị bán điện với các sở, ban, ngành, chính quyền sở tại trong viêc thanh tra, kiểm tra các nhà trọ. Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết thêm, chính những người đi thuê nhà cũng cần chủ động lên tiếng, thông báo với các cơ quan chức năng khi chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn quy định.
Thông tư 25/2018/TT- BCT của Bộ Công Thương được kì vọng sẽ giúp những người đi thuê nhà được mua điện đúng giá quy định của Nhà nước.
Ảnh sưu tầm
|
EVN chủ động trong triển khai
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, thời gian qua, các tổng công ty điện lực đã rất chủ động và nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc “Gặp gỡ đối thoại với công nhân lao động khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng” về đảm bảo cho sinh viên, người lao động được hưởng giá bán lẻ điện đúng quy định. Tính đến 30/9/2018, các đơn vị đã kiểm tra, rà soát 177.781 chủ nhà có nhà cho thuê, trong đó có 156.917 chủ nhà ký biên bản cam kết bán điện cho người thuê nhà theo giá Nhà nước quy định. Ngoài ra, các công ty điện lực cũng đã phối hợp với 59/63 Sở Công Thương kiểm tra giá bán điện cho người thuê nhà...
Đặc biệt, EVN còn xây dựng bổ sung module “Quản lý bán điện cho công nhân, sinh viên thuê nhà để ở” trong Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) phục vụ theo dõi, báo cáo, giám sát về công tác này tại các đơn vị.
Hiện nay, Tập đoàn đã và đang chỉ đạo các tổng công ty điện lực/công ty điện lực tuyên truyền, niêm yết Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương tại điểm giao dịch, website các đơn vị; các khu công nghiệp, khu chế xuất... Đồng thời, chủ động lập kế hoạch thực hiện và tích cực phối hợp với cơ quan QLNN trong kiểm tra, lập biên bản và xử lý các chủ nhà trọ vi phạm quy định về áp giá bán điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà...
Một số điểm mới của Thông tư 25/TT-BCT:
- Trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú: Chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
- Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng:
+ Nếu chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện: Sẽ áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
+ Nếu chủ nhà kê khai đầy đủ số người sử dụng điện: Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn.
Cụ thể, cứ 04 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt (01 người được tính là 1/4 định mức, 02 người được tính là 1/2 định mức, 03 người được tính là 3/4 định mức).
|