Nhiều thách thức trong lộ trình chuyển đổi số

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số; năm 2025 trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số, đáp ứng tốt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Triển khai ngay sau khi có chỉ đạo của Trung ương

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết: Ngay sau khi có Chỉ thị của Chính phủ, Bộ Công Thương về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, EVN đã thành lập ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn”. Trong đó đã ban hành Nghị quyết số 473/NQ-HĐTV ngày 05/11/2018 và quyết định triển khai các ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 vào toàn bộ các hoạt động của EVN từ khâu phát điện, truyền tải, phân phối, kinh doanh dịch vụ khách hàng và công tác quản trị với 36 nhiệm vụ cụ thể giao các đơn vị thực hiện.

Kết quả, trong những năm qua, khối nguồn điện, EVN đã triển khai thành công phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng hướng theo độ tin cậy RCM tại Nhà máy Thủy điện Ialy và đang nhân rộng cho khối thủy điện; ứng dụng AI điều khiển tối ưu quá trình cấp nhiên liệu tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Ứng dụng trung tâm quản lý vận hành thông minh SmartOCC tại cụm Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, cụm Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4. Nghiên cứu ứng dụng IoT trong công tác vận hành, sửa chữa bảo dưỡng tối ưu các nhà máy điện, ứng dụng cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. 

Khối lưới điện, EVN đã hoàn thành 61/63 trung tâm điều khiển các trạm biến áp từ xa; chuyển đổi 670/844 trạm biến áp sang không có người trực. Đã đưa vào vận hành trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 110kV; ứng dụng thiết bị bay không người lái để kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành của các thiết bị, xử lý sự cố trên lưới điện truyền tải không cần cắt điện. 

Trong khối kinh doanh dịch vụ khách hàng, EVN đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công ở cấp độ 4 - cấp độ cao nhất với 12/12 dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; triển khai cung cấp hóa đơn điện tử trên cả nước; liên tục nâng cao thời gian cung cấp điện, giảm thời gian gián đoạn cung cấp điện. Chỉ số tiếp cận điện năng của EVN vào nhóm ASEAN 4, được tổ chức Doing Business đánh giá đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế. 

Trong công tác điều độ hệ thống điện, vận hành thị trường điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã ứng dụng công nghệ Bigdata và AI trong dự báo phụ tải hệ thống điện, ứng dụng AGC trong tự động điều khiển giám sát vận hành hệ thống điện, vận hành nguồn năng lượng tái tạo.

Về công tác quản trị, hệ thống văn phòng điện tử (E-office) đã được EVN triển khai xuyên suốt từ công ty mẹ - Tập đoàn tới toàn bộ các đơn vị thành viên, triển khai hệ thống ký số, văn phòng không giấy, ứng dụng triệt để họp hội nghị truyền hình trong toàn Tập đoàn, qua đó giảm được rất nhiều chi phí liên quan tới giấy tờ, chi phí đi lại. 

Ảnh minh họa

Những thách thức  

Theo Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, quá trình chuyển đổi số của EVN còn một số khó khăn như: EVN không có đơn vị chuyên trách về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Các công nghệ chuyển đổi số, công nghệ cuộc CMCN 4.0 còn rất mới trên thế giới, do đó việc tiếp cận và hiểu để triển khai ứng dụng cần nhiều thời gian, nguồn lực để làm chủ.

Cơ chế chính sách cho việc thử nghiệm ứng dụng các công nghệ mới còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình triển khai, trong đó một số cơ chế như đấu thầu không vận dụng được trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm công nghệ mới. Tập đoàn cũng chưa xây dựng được cơ chế cho Quỹ đổi mới sáng tạo, do đó việc đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo còn mất nhiều thời gian trong quá trình phê duyệt thủ tục, làm giảm động lực của các cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu.

Trước thách thức trên, giai đoạn 2021-2025, EVN đặt mục tiêu chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ điện lực một cách hiện đại, công khai, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện cho khách hàng; nâng cao chất lượng cung cấp điện đảm bảo cung cấp điện giai đoạn 2021 - 2025. 

EVN sẽ tiếp tục ứng dụng triệt để, mạnh mẽ các công nghệ của công nghệ số và công nghệ thông tin, đặc biệt là các công nghệ lõi của cuộc CMCN4.0 như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Bigdata), chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud),... trong các khối nguồn điện, lưới điện, kinh doanh dịch vụ khách hàng, quản trị. Các hạng mục đã triển khai thành công sẽ được đánh giá nghiệm thu hoàn thành và triển khai nhân rộng trong các đơn vị toàn Tập đoàn. 

Tiếp tục phát triển, nghiên cứu, ứng dụng các nội dung mới như nhà máy điện số, ứng dụng mô hình thông tin xây dựng BIM, công nghệ 3D trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý dự án, xây dựng nền tảng Digital Worker phục vụ cho đội ngũ công nhân ngoài hiện trường làm việc trên môi trường số, phát triển các ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh, phát triển các ứng dụng phân tích và khuyến cáo ra quyết định trong sửa chữa bảo dưỡng, vận hành hệ thống điện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

EVN phấn đấu năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số; năm 2025 trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số, đáp ứng tốt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình thực hiện, EVN tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong định hướng chuyển đổi số và đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội”, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết. 

"Tôi thấy được khát vọng của EVN trong chuyển đổi số. EVN hãy là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, với mục tiêu không phải 2025, mà là sớm hơn, vào năm 2022"

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông
Nguyễn Mạnh Hùng

"Chúng tôi đánh giá, chuyển đổi số là một quá trình với đích đến EVN là doanh nghiệp số"

Chủ tịch HĐTV EVN
Dương Quang Thành

Một số mục tiêu chính trong chuyển đổi số của EVN

1. Lĩnh vực sản xuất điện:

- Đến năm 2022, 100% thiết bị lưới điện truyền tải được số hóa và 80% thiết bị lưới điện 110kV được số hóa. 

- Ứng dụng hiệu quả phương pháp hiện đại trong công tác sửa chữa các thiết bị điện nhằm tăng hiệu quả vận hành, khai thác hệ thống. 

- Ứng dụng AI trong xử lý và nhận diện hình ảnh trong giám sát kiểm tra, sửa chữa đường dây bằng thiết bị chụp ảnh và thiết bị bay thông minh và phục vụ bài toán phân tích và dự báo công suất. 

2. Lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng:

- 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 và số khách hàng tham gia giao dịch trực đạt 90%.

- 100% các công việc giao tiếp tại hiện trường với khách hàng được thực hiện online.

- Ứng dụng AI để phân tích các yêu cầu khách hàng.

3. Lĩnh vực quản lý ĐTXD, Quản trị nội bộ và hiện đại hóa hệ thống VT&CNTT:

- Ứng dụng công nghệ BIM, công nghệ 3D trong công tác quản lý ĐTXD.

- Chuyển đổi hệ thống quản lý văn bản nội bộ từ E-Office sang Digital Office.

- Nâng cấp hệ thống VT&CNTT đảm bảo hạ tầng cho các ứng dụng chuyển đổi số.

- Tiếp tục chuyển đổi nhận thức cho toàn bộ CBCNV trong Tập đoàn cùng chuyển dịch làm việc trên không gian số, hình thành văn hóa số tại EVN.

- Xây dựng kế hoạch đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, đặc biệt đội ngũ chuyên gia có khả năng phân tích và ra quyết định trong tác nghiệp số…


 


  • 13/04/2021 09:32
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7870