Nằm phía Đông thị xã An Nhơn - tỉnh Bình Định, cách quốc lộ 1A chừng 2 km, làng mai Háo Đức - Nhơn An có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cây hoa mai phát triển. Từ năm 1993, điện lưới quốc gia đã được kéo về An Nhơn. Làng mai truyền thống Nhơn An có điều kiện phát triển vì người trồng mai có thể đặt máy bơm từ bờ sông, bơm nước về tưới cho cây. Ông Hồ Văn Bảnh – một nông dân trồng mai ở làng Háo Đức lý giải “Nước sông Đập Đá, Gò Chàm đặc quánh phù sa, chứa nhiều chất khoáng, lại không chua phèn như nước giếng nên tưới cho cây mai rất tốt”. Có người hỏi tại sao nhiều nơi cũng có sông mà khó trồng mai? Ông cho rằng: “Hình như người làng Háo Đức có duyên với mai, cộng thêm niềm đam mê mãnh liệt, nên cây mai Háo Đức mới giúp người dân Háo Đức làm giàu được”.
Đến nay nghề trồng Mai được xem như một mô hình phát triển kinh tế, nghề trồng mai từ Háo Đức đã lan sang 5 thôn còn lại của xã Nhơn An. Hàng chục ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sang trồng mai. Hoa mai Nhơn An - Háo Đức đã vào Nam ra Bắc và lên Tây nguyên trong suốt tháng Chạp hàng năm để người thích mai thỏa chí đón Tết, vui xuân.
Đến với làng mai Háo Đức sau cơn lũ đi qua, mới thấy sức gượng dậy của người nông dân - nghệ nhân và cả cây mai thật đáng khâm phục. Cả làng Háo Đức có gần 400 hộ thì hầu như hộ nào cũng trồng mai. Hộ ít cũng 300- 400 chậu, nhiều lên đến 10.000 chậu.
Trong cơn lũ vừa qua, nước từ 2 con sông Đập Đá và Gò Chàm dâng lên quá nhanh, làng mai chìm trong nước lũ có nơi ngập sâu từ 0,8 đến 1,2 m. Người trong làng phải sơ tán, còn những vườn mai Nhơn An - Háo Đức đành “sống chung với lũ”.
Người trồng mai tại thôn Háo Đức dùng điện rửa sạch bùn cho mai sau trận lũ
|
Ngay sau khi nước rút, với phương châm “Còn nước, còn tát”, bà con Háo Đức đã tiến hành thay chậu, thay đất, rửa sạch đến từng kẽ lá, kết hợp vặt lá, bón phân, tạo dáng, tạo thế cho mai. Nguồn điện ổn định đã giúp các làng mai Háo Đức kịp thời bơm thoát nước, rũ bùn đứng lên! Anh Bùi Văn Trung – Giám đốc Điện lực An Nhơn – anh chia sẻ: Để người dân Nhơn An ổn định cuộc sống, đặc biệt là có thể cứu sống các vườn hoa mai, ngay khi lũ dứt, anh em điện lực đã huy động tối đa lực lượng, quyết tâm nước rút tới đâu là anh em điện lực phải tập trung khắc phục, đóng điện lại tới đó, rất vui là thiệt hại không lớn, nhiều vườn mai của bà con vẫn đang độ, chuẩn bị chờ tết để bung những nụ xuân.
Ông Lê Xuân Phú - một trong những nghệ nhân mai cảnh cho biết. “Nguồn điện ở xã Nhơn An chúng tôi không còn chập chờn như thời chưa bàn giao lưới điện về Điện lực An Nhơn, lưới điện được chỉnh trang thẳng băng qua các thôn, “trên điện dưới mai”, cây mai được bơm, tưới, chiếu sáng tạo hơi ấm bằng điện đã góp phần chủ động đối phó với thời tiết để nở đều kịp tết”.
Làng nghề trồng mai truyền thống Nhơn An, Háo Đức những ngày giáp Tết này như bừng lên sức sống mới. Sau cơn lũ dữ, thị trường mai Tết trở nên sôi động. Không chỉ vì hiếm hàng mà chính là cây mai xuân Háo Đức đã trở thành thương hiệu truyền thống. Khách hàng tìm đến với làng mai vì sức hút của sắc mai Háo Đức không phụ lòng người. Nhiều gia đình trồng mai đã bù được thiệt hại sau lũ và còn thu nhập khá cho mùa mai Giáp Ngọ này, quyết giữ vững danh hiệu làng nghề trồng mai là chỉ có người giàu và “đại gia” trở lên.
Trong Nho giáo, hoa mai là sự hòa hợp giữa chữ Nhẫn và chữ Dũng. Vì vậy, trong thế giới hoa, mai còn được xếp vị thứ đầu tiên với: lan, cúc, và trúc trở thành bộ tứ quý: “ Mai, Lan, Cúc, Trúc” biểu tượng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông..
|