Những người giữ dòng điện nơi “đầu sóng ngọn gió”…

… “Tháng 7/1999, khi TBA Phù Long 400 kVA 35/0,4 kV đóng điện vận hành, người dânhuyện đảo Cát Hải đã nô nức đón chờ sự kiện này. Một cụ già  xúc động nói “Trong mơ tôi cũng không dám nghĩ là sẽ có điện lưới quốc gia về với người dân đảo  xa xôi này… ”

Anh Trần Đức Việt – Giám đốc Điện lực Cát Hải đã không ngại ngần chia sẻ với chúng tôi về những tháng năm tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và quyết tâm “mang điện vượt sóng” ra đảo, thắp sáng nơi tiền tuyến đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc… “Lần đầu tiên huyện đảo có điện, chứng kiến nụ cười mãn nguyện của các cụ già, ánh mắt sáng ngời hồn nhiên của những đứa trẻ,… những người thợ điện xung phong ra đảo bỗng thấy sự lựa chọn của mình thực sự có ý nghĩa! Đó là những tháng năm không thể nào quên của những người thợ điện trẻ Công ty Điện lực Hải Phòng…”

Trong gian khó…

Nằm cách trung tâm du lịch khoảng 300m về hướng Đông, trụ sở Điện lực Cát Hải là một khu nhà nhỏ trong khuôn viên Đồn Biên phòng 54. Do mới được thành lập từ tháng 5/2009, đến nay Điện lực Cát Hải vẫn phải thuê địa điểm làm việc, cuộc sống vật chất và tinh thần còn rất nhiều khó khăn. Hầu hết anh em xa nhà, gắn bó với đảo đều có “3 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm.

Không chỉ có trụ sở phải đi thuê, mà nhà ở tập thể cho anh em cũng phải thuê.  Bởi vậy mới có những “kỷ lục” như “những chiếc giường to nhất Việt Nam” – Anh Trần Đức Việt bật mí. Đó là những chiếc giường được đặt làm theo diện tích phòng, có cái rộng hơn 4m, để anh em ngủ chung, tiết kiệm diện tích. Bếp ăn tập thể cũng giản dị vô cùng… Điều kiện ăn ở như vậy, nhưng công việc thì lại vất vả gấp 5, gấp 10 lần so với đất liền do đặc thù của địa hình biển đảo. Gần như toàn bộ 70 km hệ thống lưới điện đều đi qua núi đá vôi hoặc xuyên rừng rậm quốc gia nên rất khó xây dựng, bảo trì hệ thống trạm và đường dây cũng như đảm bảo cung cấp điện an toàn,liên tục.

Để sửa chữa  đường dây, hay khắc phục sự cố, nhân viên Điện lực có khi phải thay đổi 5 đến 7 loại phương tiện, từ thuyền, đò, xe máy, rồi thậm chí là đi bộ… vất vả vô cùng. Thế nhưng, không vì thế mà anh em thợ điện nản lòng. Ngược lại, trong khó khăn, không khí vui tươi, lạc quan yêu đời vẫn tràn ngập trong tập thể nhỏ bé của những người thợ điện. Tình đồng đội đã gắn kết họ với nhau, tạo thêm động lực cho họ vượt lên khó khăn, cống hiến hết mình vì công việc…

Một nửa quân số của Điện lực Cát Hải hiện nay đều là những người “tiên phong” ra đảo những năm đầu đầy thử thách, gian nan, song chính những thử thách ấy dường như đã cuốn hút họ ở lại đảo cho đến tận hôm nay. Trong đó, không thể không kể đến những tấm gương tình nguyện tiêu biểu như anh Trần Đức Việt - Giám đốc Điện lực, chị Đoàn Thị Thủy - Phụ trách Khách sạn Điện lực, anh Nguyễn Xuân Việt - công nhân Đội Kinh doanh bán điện Cát Hải… Năm 1998, khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo Cát Bà, họ là những người đầu tiên tình nguyện dời đất liền, xung phong ra đảo công tác, góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho dòng điện trên đảo hôm nay.

Nhớ lại một lần tham gia khắc phục sự cố mất điện “suýt chết”, anh Việt chia sẻ: Đó là vào hồi 13h30’ ngày 27/6/2010, xà lan cẩu tự hành của Công ty TNHH MTV Châu Hoàng chạm vào đường dây trên không 35kV tại kênh Cái Tráp gây sự cố mất điện trên toàn huyện đảo. Ngay lập tức, CBCNV Điện lực lên đường khắc phục sự cố. Với quyết tâm, nghị lực, của những người thợ điện cùng sự chỉ đạo trực tiếp của Phó giám đốc phụ trách KTSX Công ty Điện lực Hải Phòng - Nguyễn Thanh Hưng, sau hơn 24h liên tục, các anh đã khắc phục hoàn toàn sự cố và đóng điện trở lại vào lúc 13h40’ ngày 28/6/2010. Tuy nhiên, một sự cố khác bất ngờ xảy ra, trên đường trở về, trời nổi cơn giông lớn, gió to lốc xoáy, biển động dữ dội, chiếc xuồng chở Phó giám đốc Hưng và 09 CNV tròng trành, rồi lật úp, cuốn theo toàn bộ mười người và dụng cụ xuống biển… Trong tình huống nguy hiểm đe dọa tính mạng, mọi người cố bơi sát lại để hỗ trợ nhau những người bơi tốt và có sức khỏe dìu những người đã kiệt sức. Cuối cùng toàn bộ anh em đã bơi được vào bờ…

Trong những năm qua, EVN đã nỗ lực cấp điện cho các huyện đảo trên cả nước (ảnh minh họa)

Và những tâm hồn vẫn nở hoa…

Sống xa nhà, xa thành phố Cảng xinh đẹp, những người thợ điện đã quen dần với khó khăn vất vả, rồi gắn bó với huyện đảo Cát Hải lúc nào không hay. Nhưng trong khó khăn, tâm hồn họ vẫn “nở hoa”, tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết…Anh Đinh Minh Thiện có tuyển tập hơn 100 bài thơ viết về biển đảo, tình yêu người thợ điện… Anh Thiện đã sống và yêu đất, yêu nghề và biển đảo đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những vần thơ… Tuy rất giản dị, mộc mạc, nhưng đó là những xúc cảm chân thành, có sức lan tỏa, động viên  đồng nghiệp thêm yêu nghề, yêu biển đảo.    

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong công việc cũng nhưng những thiếu thốn tình cảm do hầu hết anh em phải sống xa nhà, lãnh đạo Điện lực Cát Hải cũng rất quan tâm và tạo điều kiện cho phong trào văn hóa văn nghệ phát triển. Từ năm 2009, đơn vị đã có 2 hạt nhân văn nghệ không chuyên là chị Tô Thị Tuyết và anh Vũ Trọng Hải. Riêng chị Tuyết đã từng đạt nhiều Huy chương vàng của thành phố, khu vực phía Bắc và toàn quốc. Đây là hai nhân tố chính thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ toàn đơn vị, đồng thời cũng là những hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ tại Huyện đảo và Công ty. Lời ca tiếng hát cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần hằng ngày của cán bộ nhân viên nơi “đầu sóng ngọn gió” xa xôi này…

Phong trào thể dục thể thao cũng được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao thể lực cho cán bộ nhân viên, đồng thời tạo không khí hăng hái thi đua hoàn thành nhiệm vụ. Hầu hết các môn thể thao đều được anh em hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình, như bóng đá, bóng bàn… Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào, tháng 4/2012, Điện lực đã huy động hàng trăm công tự san gạt, đổ bê tông sân bóng chuyền tại khu đất trống cạnh Khách sạn điện lực Cát Bà làm sân chơi cho anh em…

Anh Thiện còn kể cho chúng tôi nghe những buổi sinh nhật đơn sơ mà rất cảm động của các anh em trong Điện lực. Có cả hoa, cả nến, cả lời ca tiếng hát… và đặc biệt là Lãnh đạo cũng đến tham dự, chúc mừng.

Chỉ với vài ngày tác nghiệp trên đảo Cát Bà, nhưng chúng tôi đã được nghe, được thấy  và hiểu hơn về cuộc sống của người thợ điện trên đảo. Tình yêu nghề, yêu biển đảo quê hương đã giúp họ sống lạc quan hơn, vững vàng hơn nơi “đầu sóng ngọn gió”… Họ là những người đang ngày đêm thầm lặng góp sức thực hiện chiến lược cấp điện cho biển đảo của tổ quốc.

Điện lực Cát Hải (thuộc Công ty Điện lực Hải Phòng):

- Cấp điện cho:  8794 hộ dân

- Quản lý : 147,1 km đường dây cao, hạ thế

- Ngày 28/4/1991: cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cát Hải.

- Tháng 4/1998: Cấp điện lưới quốc gia cho Đảo Cát Bà.

- 19/8/2009: Cấp điện lưới quốc gia cho xã cuối cùng của Đảo Cát Bà (cũng là xã cuối của TP Hải Phòng được cấp điện)

 


  • 03/08/2012 09:43
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 6175


Gửi nhận xét