Những người luôn lỡ hẹn

Ngày Tết, ai cũng muốn được sum họp cùng gia đình, nhưng có nhiều người vì đặc thù công việc đã không thể ở bên cạnh người thân mỗi độ Tết đến, xuân về. Ngành Điện có nhiều người như thế!

Cái Tết bất ngờ ở bản Păng Dê

Anh Nguyễn Trọng Đại, Tổ trưởng Tổ trực điện Nậm Búng thuộc Điện lực Nghĩa Lộ (Yên Bái) còn nhớ mãi năm 2008, lần đầu tiên anh đón Tết xa nhà. Hôm đó đã là ngày 30 Tết, anh cùng 2 đồng nghiệp vẫn đi ghi chỉ số điện và lắp đặt công tơ mới cho gia đình anh Thào A Pháng ở bản Păng Dê, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Từ huyện về xã gần 20 km đường núi, từ xã về đến bản cũng non 5 km nữa. Dốc dựng đứng. Bụi đất đỏ mù mịt. Một bên vách đá, một bên vực sâu, chỉ cần sơ ý là cả người và xe lao xuống vực.

Anh Pháng là người dân tộc H’Mông, vừa mới lập gia đình, được bố mẹ cho ra ở riêng, muốn nhà mình có điện ngay trong dịp Tết. Chiều lòng “khách hàng” là đôi vợ chồng trẻ, các anh em thợ điện đã cố gắng lắp đặt công tơ riêng cho họ. Khi hoàn tất công việc thì trời đã tối. Bản Păng Dê đèn điện bật sáng trưng.

Chia tay, đôi vợ chồng trẻ còn cố dúi vào tay nhóm thợ điện con gà luộc và cặp bánh dầy vừa giã xong chờ đón Tết.

Cả nhóm vội vã xuống núi về Trạm đón Giao thừa. Đi được  khoảng vài con dao quăng, anh em quay lại nhìn lên phía bản Păng Dê thì thấy trời tối đen như mực. Lại mất điện rồi!. Thế là anh em không ai bảo ai, đều quay trở lại. Gần đến bản, thì gặp anh Pháng đang mướt mát mồ hôi đuổi theo thợ điện...

Hóa ra, ngay khi các anh vừa đi, đường dây hạ thế do quá tải, đứt rơi xuống đất. Điểm đứt ở gần trạm biến áp, khoảng vượt gần 200 m, phía dưới là cả 1 cánh rừng sa mu. Ba anh em không ai bảo ai mỗi người một việc, may mà vật tư dự phòng luôn mang theo, nên việc thay dây tiến hành thuận lợi. Bà con dân bản kéo đến rất đông, người đốt đuốc, người soi đèn pin… giúp anh em nối lại dây. Thanh niên trong bản tới phụ giúp kéo dây, lấy độ võng, chuyển vật tư… Nửa đêm mà tiếng hò reo vang cả rừng núi. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, điện lại bừng sáng trên bản Păng Dê. Bây giờ, mấy anh em thợ điện mới có thời gian nhìn lại mình. Trời lạnh như thế mà quần áo họ ướt sũng mồ hôi, bụng đói cồn cào, khát đến bỏng họng. Trong  túi đồ nghề, con gà luộc được vợ anh Pháng cho ban chiều đã lạnh cóng, mỡ gà đã đóng  băng.

Đúng lúc ấy, bà con trong bản tíu tít mời anh em thợ điện vào nhà, mang rượu, bánh dày, thịt dê… cùng đón năm mới. Chén rượu thóc nồng ấm như sợi dây kết nối yêu thương giữa thợ điện và dân bản vùng cao. Anh Đại chia sẻ, có lẽ đó là cái Tết đặc biệt nhất và cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời thợ điện của anh.

Mới đấy mà đã 5 năm. Anh Đại không năm nào đón Tết cùng gia đình mà tự nguyện ở lại trực, nhường cho các anh em khác về xuôi đón Tết. Anh tâm sự, thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới mà không được ở bên gia đình, người thân thì ai cũng cảm thấy cô đơn, trống vắng… Nhưng, bù lại, bà con dân bản ở đây sống tình nghĩa lắm, quý thợ điện lắm, anh em cũng thấy đầm ấm hơn, đỡ nhớ nhà hơn trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc... Điều quan trọng và an ủi của người thợ điện chính  là dòng điện luôn thông suốt cả năm, người dân vui đón Tết, thợ điện cũng vui lây.

Trực điện đêm giao thừa luôn là những kỷ niệm khó quên trong nghề của thợ điện

Ngày Tết cũng như… ngày thường

Cũng như anh Đại, anh Huỳnh Nhựt, Tổ trưởng Tổ quản lý lưới điện Tây Giang (thuộc Điện lực Đông Giang, Quảng Nam) năm nào cũng xung phong trực Tết, thường xuyên đón Giao thừa tại cơ quan.

Thời điểm Tết đã cận kề, anh và đồng nghiệp trong Tổ đang tích cực gia cố lưới, phát quang hành lang và giải quyết các phần việc cuối cùng của năm 2013, phục vụ nhân dân địa phương vui Tết, đón Xuân Giáp Ngọ 2014.

Tổ quản lý điện Tây Giang chưa có nhà làm việc mà phải thuê nhà của dân làm trụ sở. Anh em công nhân đi xử lý sự cố chủ yếu dùng xe máy cá nhân, thậm chí gửi xe đi bộ chục cây số là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Tổ chỉ có 4 người, được giao quản lý vận hành, trực xử lý sự cố trên 50 km đường dây 22 kV, 40 km đường dây 0,4 kV và 34 trạm biến áp trong toàn huyện Tây Giang với 1800 khách hàng sử dụng điện nên công việc của các anh rất vất vả. Cũng vì thế, mỗi người trong Tổ đảm nhận công việc trực Tết nhiều hơn các nơi khác.

Là “đầu tàu” của đội, Tết Giáp Ngọ năm nay, anh Huỳnh Nhựt tiếp tục xung phong trực vào đêm Giao thừa. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 6, anh không ở nhà với vợ con trong thời khắc chuyển giao năm cũ – năm mới.

Anh tâm sự, việc nhiều, người ít, lại nhiều năm đón Giao thừa ở cơ quan, nên anh cảm thấy ngày Tết cũng không khác nhiều so với ngày thường là mấy.

Trước và trong mỗi kỳ nghỉ Tết, lãnh đạo Điện lực Đông Giang, Công ty Điện lực Quảng Nam và UBND huyện Tây Giang đều tổ chức đoàn công tác đến thăm, tặng quà động viên thợ điện. Vì vậy Tổ quản lí lưới điện Tây Giang rất phấn khởi, anh em luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ an toàn lưới điện, phục vụ khách hàng chu đáo, tận tình. Anh Nhựt chia sẻ: “Người dân có điện đón Tết, vui Xuân là cánh thợ chúng mình vui rồi, sá gì mấy ngày trực Tết”.

Tết của những người điều độ viên

Đối với những người điều độ viên điện lực thì hầu như không có khái niệm đón giao thừa cùng với gia đình và người thân. Đó là lời tâm sự của anh Trương Nhật Thuyên, Phó Trưởng phòng Điều độ PC Gia Lai khi trò chuyện với chúng tôi về công việc của mình và đồng nghiệp vào những ngày Tết.

Trong khi mọi người sum vầy bên gia đình đón Xuân thì cũng là lúc những điều độ viên điện lực tập trung tính toán nhu cầu phụ tải cho từng khu vực, điều hành phương thức vận hành lưới điện trên địa bàn để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho nhân dân vui Xuân.

Thông thường trong dịp Tết, các điều độ viên không được nghỉ phép, trừ các trường hợp đặc biệt. Riêng đêm Giao thừa lãnh đạo phòng và các điều độ viên tập trung gần như đầy đủ để hỗ trợ nhau trong việc điều hành phương thức vận hành trên địa bàn tỉnh, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết, các ca trực được tăng thêm cán bộ trực. Nhiều điều độ viên tâm sự đã nhiều năm chưa về quê ăn Tết, nhưng vì đảm bảo thông suốt dòng điện, anh em điều độ hầu hết đều ở lại để thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao.

Cũng giống như những điều độ viên điện lực, anh em trực  vận hành thủy điện cũng có những cái tết "chả giống ai". Đó là, đón Giao thừa cùng tiếng quay của roto, tiếng ầm ầm của thác nước, và sắc xanh đỏ chỉ báo các thông số vận hành trên bảng điện tử...  Anh Nguyễn Vinh Ba - Công tác tại Thủy điện Ialy tâm sự, đến nay đã gần 20 năm công tác trong ngành, anh đã quá quen với việc phải xa gia đình, người thân trong đêm giao thừa và những ngày Tết. Anh tâm sự: “Mặc dù cũng buồn vì không được sum họp với gia đình trong ngày Tết, nhưng ngược lại chúng tôi vui vì đã góp phần đảm bảo dòng điệnthông suốt cho bà con vui Tết.

Lặng lẽ, âm thầm, bằng tình yêu nghề cháy bỏng, trách nhiệm cao trong công việc, rất nhiều những người điều độ viên điện lực, điều độ vận hành hệ thống, trực vận hành nhà máy điện đã  hy sinh hạnh phúc riêng tư để cả xã hội có cái tết vui tươi, lành mạnh. Công việc thầm lặng của các anh chính là những đóa hoa góp phần tô điểm thêm hương sắc cho mùa xuân.


  • 01/02/2014 11:37
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2827


Gửi nhận xét