Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, công ty, tổ chức, đơn vị... bắt đầu chú trọng tới việc xây dựng văn hóa tổ chức. Khi đã có được rất nhiều thương hiệu lớn, câu chuyện văn hóa của tổ chức sở hữu thương hiệu đó cũng được chú trọng rất cao.
Việc nắm giữ một nền văn hóa có màu sắc riêng biệt, giúp cho nhiều thương hiệu tồn tại một cách lâu bền. Giá trị của tổ chức được đo bằng sự gắn bó của đội ngũ nhân sự trong đó, rất nhiều nhân sự giỏi, có tài đã gắn bó với tổ chức, cho dù họ có rất nhiều cơ hội được mời gọi tới những chỗ làm việc tốt hơn.
Vậy điều gì có thể làm nên những giá trị trường tồn cho một tổ chức? Chúng ta có thể xem xét những yếu tố sau đây:
Tôn trọng cá nhân
Một tổ chức sở hữu đội ngũ những người làm chủ, các cán bộ quản lý, những cấp trên biết lắng nghe, thấu hiểu mọi nhân viên, từ người ở vị trí thấp nhất tới người cao nhất một cách bình đẳng, thẳng thắn, công bằng... thì đội ngũ nhân sự dưới quyền sẽ cảm thấy giá trị của họ, khi được lắng nghe. Từ đó, mọi sự đánh giá sẽ có cơ sở dựa trên sự công bằng với công sức đóng góp của từng thành viên.
Không ít những tổ chức kiểu quan liêu, "nhà nước" làm cho đội ngũ nhân sự giỏi ngao ngán, bởi áp lực được tạo ra không phải từ công việc, mà từ sự áp đặt phi logic của nhiều người ở vị trí lãnh đạo. Việc áp đặt, dù sai hay đúng cũng tạo ra những khó chịu cho bất cứ nhân viên nào. Nếu họ không cảm thấy được tôn trọng, thì sẽ dễ dàng rời bỏ tổ chức. Thậm chí, họ cũng chẳng cần quan tâm dù quyền lợi có tốt đến mấy. Ngoại trừ một số hoàn cảnh đặc biệt, nhưng để gắn bó lâu dài thì không thể.
Đổi mới, sáng tạo
Đổi mới là yếu tố tiên quyết để tổ chức phát triển một cách bền vững: một ý tưởng, một suy nghĩ táo bạo, một đề xuất được gửi lên tới ban quản lý, người đứng đầu sẽ được xem xét một cách thận trọng, trên cơ sở công bằng phù hợp với tiêu chí của tổ chức sẽ tạo ra một không khí làm việc rất sôi nổi.
Nếu ở bất kỳ vị trí nào nhân viên cũng có quyền được đề xuất những ý tưởng mới, những đề xuất mới, những dự án mới và dễ dàng nhận được phản hồi tích cực hoặc đơn giản là những phản hồi tức thì từ đội ngũ lãnh đạo, điều này sẽ làm cho nhân sự được khích lệ tinh thần rất nhiều trong tổ chức. Từ đó càng thúc đẩy họ sẽ có thêm nhiều cải tiến, sáng tạo nâng cao chất lượng hoạt động và sản phẩm dịch vụ.
Không chỉ trong các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát minh sáng chế, mà ở bất cứ ngành nghề nào, thì việc đề xuất các ý tưởng luôn cần thiết. Cải tiến đôi khi buộc phải trở thành một quá trình liên tục giúp cho tổ chức vận động và thay đổi với chiều hướng tích cực hơn. Từ đó, tạo ra một sự phát triển bền vững cho tổ chức.
Việc đổi mới sáng tạo sẽ không chỉ dừng lại ở đội ngũ chuyên gia, cán bộ cao cấp, nó có thể được phát động rộng rãi trên quy mô toàn công ty. Việc này sẽ giúp huy động được trí tuệ tập thể tham gia đổi mới, cải tiến mọi quy trình ở mọi "ngóc ngách" của tổ chức với những góc nhìn khác nhau - trở thành một chuỗi vận động tích cực, hiệu quả.
Việc xem xét các đề xuất, ý tưởng, đóng góp cũng giúp cho đội ngũ quản lý hiểu rõ hơn về những gì đang vận hành trong bộ máy của mình. Từ đó doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ hơn có những vai trò tốt hơn trong việc đạt các mục tiêu chiến lược quan trọng. Với tâm lý được đề cao, nhân sự sẽ có được năng suất lao động cao hơn, đồng thời tạo ra sự chuyên nghiệp và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Đức đều là những xứ sở "thiên đường" của những công dân sáng tạo. Chỉ số về sáng tạo đổi mới ở những doanh nghiệp tại đây có một tốc độ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và ngày càng mở rộng. Có thể nói, đổi mới thực sự giúp ích cho toàn thế giới vận động một cách đầy đủ, trọn vẹn và bền vững.
Tinh thần đồng đội
Có thể nói tinh thần đồng đội là yếu tố quyết định mọi sự thành bại của tổ chức. Nếu có được tinh thần đồng đội, bất cứ đội ngũ nào cũng sẽ tạo ra được giá trị của riêng mình. Sở hữu một tập thể đoàn kết sẽ là sức mạnh giúp cho doanh nghiệp vượt qua mọi sóng gió, thử thách để đi tới thành công.
Các nhà lãnh đạo có kinh nghiệm lâu năm luôn đề cao yếu tố đoàn kết trong tổ chức của mình. Tinh thần đồng đội là một vũ khí lợi hại để giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh khi xảy ra bất cứ sự nghi ngờ, đố kị giữa các thành viên. Sẽ không có khủng hoảng xảy ra nếu mỗi người trong tổ chức luôn giữ tinh thần đồng đội làm việc và xử lý vấn đề.
Một khi trong doanh nghiệp còn tồn tại những nghi ngờ, đố kị, nói xấu, thanh trừng... thì dù mạnh đến đâu cũng sẽ dẫn tới diệt vong! Điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với thương hiệu của tổ chức, và còn làm tổn thương tất cả những con người trong đó. Bằng mọi giá, phải gây dựng được lòng tin, chia sẻ chí hướng, đồng lòng, chung sức... thì kết quả mới có được.
Đạo đức là trên hết
Đối với tổ chức: cam kết nguyên tắc đạo đức kinh doanh là cao nhất, đối với mỗi nhân sự trong tổ chức: giữ được đạo đức nghề nghiệp phải là yếu tố hàng đầu. Lãnh đạo các cấp sẽ là người giữ lửa cho tinh thần này cần phải có phẩm chất: chí công, gương mẫu, sáng suốt.
Trong bất cứ doanh nghiệp nào, việc đề cao tinh thần đồng đội sự chia sẻ và sự phối hợp chung vì mục tiêu của công việc là tất yếu. Tuy nhiên, có rất nhiều ông chủ cũng đã đề cao yếu tố đạo đức tinh thần đồng đội, sự hợp tác, khả năng làm việc nhóm còn tốt hơn là một cá nhân riêng lẻ. Mặc dù trong một đội ngũ sẽ có nhiều cá tính khác nhau, tuy nhiên, nhìn từ góc độ lợi ích chung của doanh nghiệp, việc kết hợp lại sẽ cho thấy sức mạnh của tinh thần đồng đội thật diệu kì. Yếu tố đạo đức sẽ giúp cho đơn vị tổ chức doanh nghiệp có được sự phát triển mạnh mẽ, lâu bền.
Việc gắn kết với nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các cộng sự sẽ tạo ra một không khí làm việc vui vẻ, tràn đầy cảm hứng đối với bất cứ thành viên nào. Dù bạn là cán bộ quản lý hay bạn chỉ là một nhân viên bình thường, khi bạn tham gia cùng với những người đồng đội của mình sẽ tạo ra một môi trường an vui và lành mạnh. Trong đó, mọi người có thể phát huy được sức mạnh của mình đóng góp cho tập thể.
Cuối cùng, vấn đề đạo đức luôn là được yếu tố được đưa lên hàng đầu với bất cứ doanh nghiệp nào, với mỗi thương hiệu Việt. Tôn trọng những giá trị đạo đức kinh doanh trong nghề nghiệp sẽ là yếu tố quyết định để thương hiệu đó có thể phát triển trường tồn. Đạo đức không chỉ dừng lại ở những lý thuyết "suông" của việc hô hào. Đạo đức phải được rèn luyện, ngấm sâu vào từng thành viên trong tổ chức.
Khi bạn làm tốt vai trò nhiệm vụ trách nhiệm của mình bạn đang thực hành đạo đức trong chính vai trò của bạn được giao. Cuộc đời "không có bữa ăn nào là miễn phí" - khi bạn nhận lương của một tổ chức bạn phải có trách nhiệm làm tròn bổn phận làm hết trách nhiệm của mình bằng tài năng, đặt quy tắc và lợi ích đội ngũ lên cao nhất.
Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo cũng đóng vai trò quan trọng làm gương cho nhân viên trong tổ chức. Họ phải có những phẩm chất đạo đức: công bằng, lắng nghe, tôn trọng và giữ tinh thần đồng đội...tất cả những yếu tố này sẽ giúp cho tổ chức phát triển mạnh mẽ, lâu bền.
Link gốc