Núi Hồng đã sáng!

Những ngày đầu tháng 2, chúng tôi có dịp quay trở lại mảnh đất Phù Yên (tỉnh Sơn La) để chung vui với bà con dân tộc Mông ở trên bản Núi Hồng (xã Huy Thượng). Tết Mậu Tuất sắp tới là cái Tết đầu tiên mà dân bản đã có điện lưới Quốc gia về tận nhà.

Từ thị trấn Phù Yên tới bản Núi Hồng chưa đầy 15 cây số nhưng chúng tôi mất hơn nửa tiếng đồng hồ ngồi xe "gầm cao" mới đến nơi được. Dẫu không còn lạ lẫm với những cung đường ngoằn ngoèo, dốc ngược của vùng Tây Bắc, nhưng tôi vẫn không ít lần thót tim bởi hàng chục khúc cua tay áo trên con đường lởm chởm đất đá và trươn trượt. 

Ông Cầm Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết: May mắn mấy ngày qua không mưa nên đi lại như vậy đã là thuận lợi, chẳng may mà "dính" trận mưa trước đó thì cả đoàn chỉ có nước "cuốc bộ".

Bản Núi Hồng có 81 hộ đồng bào Mông sinh sống với gần 500 nhân khẩu. 100% số hộ đều là hộ nghèo. "Giao thông quá khó khăn, chúng tôi cũng nhiều lần vận động bà con xuống núi nhưng vì phong tục, tập quán nên họ không xuống" - ông Tân giãi bày. 

Người dân bản Núi Hồng hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc đóng điện, đưa ánh sáng về với bản làng

Đây có lẽ cũng là nơi có tỷ lệ tảo hôn và tỷ lệ sinh vào loại cao nhất của huyện Phù Yên. Chúng tôi gặp anh Thào A Dếnh (sinh năm 1986) nhưng có tới 6 người con. Những đứa con đầu của anh cũng đã dựng vợ, gả chồng. Dù mới ngoài 30 tuổi mà vợ chồng Thào A Dếnh sắp lên chức... ông bà. Trong bản này, còn rất nhiều gia đình cũng giống như vậy. 

"Ngày trước, cả bản chỉ dùng đèn dầu. Nếu hết dầu mà trời mưa quá, không xuống núi được thì đốt lửa vậy thôi. Cũng có người mua được tuabin đặt dưới khe nước, đủ sáng 1 cái bóng đèn nhưng lại hay hỏng lắm" - anh Dếnh cho biết.

Bây giờ, điện đã về đến tận nhà, anh Dếnh vui mừng lắm: "Có điện rồi, gia đình sẽ được xem thời sự để biết thông tin xã hội, biết cách làm ăn để cuộc sống khấm khá hơn". Anh còn dự định mở 1 cửa hàng tạp hóa để phục vụ bà con trong bản, chứ không phải chờ đợi tới chợ phiên dưới thị trấn.  

Ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVNNPC đã triển khai 3 dự án đưa điện về vùng sâu, vùng xa của Sơn La, với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng, cấp điện cho gần 13.000 hộ dân nông thôn, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các hộ dân.

Công trình cấp điện cho bản Núi Hồng nằm trong Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện trên địa bàn 4 huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên và Phù Yên. Ngành Điện đầu tư xây dựng 1 trạm biến áp 3 pha công suất thiết kế 35/0,4kV-50kVA, hơn 100 cột điện trung hạ thế các loại với tổng chiều dài đường dây trên 6 km. Mỗi hộ gia đình được lắp công tơ, kéo điện tận nhà, kèm một bảng điện và bóng đèn tiết kiệm điện.

Quả thật, có đến đây, chúng tôi mới hiểu công sức của những người ngành Điện to lớn đến nhường nào. Họ đã "cõng" từng cây cột điện, vận chuyển từng mét dây, xi măng, đá, cát... vượt dốc, qua đèo, xuyên rừng; không nề hà đường xá khó khăn, mưa phùn, gió bấc để hoàn thành công trình và để đưa vào sử dụng trước dịp Tết Nguyên đán.

Hơn 40 năm qua, những người Mông trên bản Núi Hồng luôn nhìn xuống thị trấn Phù Yên lung linh trong ánh điện mà mơ ước đến một ngày bản mình cũng được như thế. Giờ đây, ước mơ của dân bản đã trở thành hiện thực. Khi chúng tôi rời đi, những nếp nhà trên bản Núi Hồng đã sáng lên trong ánh điện. Ai cũng hy vọng cuộc sống của đồng bào nơi đây sẽ từng bước "thay da đổi thịt"...

Trên đường về xuôi, giai điệu bài hát Người Mèo ơn Đảng vẫn văng vẳng như gọi mời chúng tôi trở lại: "Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát. Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng. Bao đời nay sống nghèo lam lũ, nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi. Nhớ ơn Đảng đưa tới, ta từ nay ấm no, không bỏ rẫy đốt nhà mà lang thang nghèo suốt đời. Từ nay dân Mèo sống chung, bảng Mèo vui trong tiếng khèn, người Mèo ơn Đảng suốt đời".


  • 12/02/2018 01:42
  • Đình Dũng
  • 12112