Đến đầu tháng 10/2021, tổng lượng nước tích được ở các hồ thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình mới chỉ đạt khoảng 8,40 tỷ m3, tương ứng 66,74% dung tích hữu ích (thiếu hụt khoảng 4,19 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường). Cụ thể, tỷ lệ nước tích được của các hồ như sau: Sơn La 67,4%, Bản Chát 77,0%, Hòa Bình 66,1%. Trong đó, tại hồ Hòa Bình, hiện mới tích được lên 106.62m, thấp hơn 6,28m so với quy định (112,9m) và thấp hơn 10,38m so với mực nước dâng bình thường.
Hạ lưu thủy điện Hòa Bình
|
Dự kiến, đến ngày 31/12/2021, tổng lượng nước tích được của các hồ chứa trên lưu vực này chỉ đạt 13,3 tỷ m3, thiếu hụt khoảng 1,78 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường nếu tần suất nước về tiếp tục duy trì như thời gian qua, cùng với việc các nhà máy thực hiện khai thác theo Quy trình vận hành liên hồ. Trong đó, riêng hồ Hòa Bình dự kiến tích được lên cao trình 113,1m (thấp hơn khoảng 3,9m so với mực nước dâng bình thường).
Cần sớm triển khai biện pháp để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn
Theo ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN, giai đoạn mùa khô các năm 2019 - 2020, EVN nhận được văn bản của Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà, trong đó có nêu yêu cầu duy trì dòng chảy sau đập Nhà máy Thủy điện Hòa Bình không nhỏ hơn 750 m3/s, liên tục 24/24h. Trong thời gian tới, nếu vẫn phải tiếp tục đáp ứng các yêu cầu phát sinh để cấp nước cho Nhà máy nước sông Đà sẽ dẫn đến khả năng không đảm bảo được yêu cầu tích được nước của các hồ chứa để chuẩn bị nguồn nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sắp tới (dự kiến cần 3,4 tỷ m3), cũng như đảm bảo nước trong các tháng mùa khô 2022. Việc duy trì vận hành liên tục Nhà máy Thủy điện Hòa Bình với yêu cầu lưu lượng cao (750 m3/s) trong năm nay và các năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà – ông Nguyễn Xuân Quý cũng chia sẻ với EVN về những khó khăn do nước về các hồ thủy điện rất thấp. Các nhà máy thủy điện này bên cạnh đảm bảo cấp nước hạ du, còn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như đảm bảo phát điện mùa khô, đảm bảo cấp nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân hàng năm.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Quý, để giải quyết khó khăn trong việc lấy nước, tháng 3/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà đã được các sở, ban, ngành của tỉnh Hoà Bình đồng thuận về giải pháp hạ thấp đáy sông tại khu vực cửa kênh để khơi thông dòng chảy, dẫn nước vào trong cửa kênh sau đó tiếp tục xử lý bằng bơm động lực đưa nước vào kênh. Tuy nhiên, đến nay, công ty cho biết vẫn chưa nhận được văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó, công ty cũng đã xây dựng trạm bơm dâng đầu kênh, kiên cố hóa kênh mương để giảm thất thoát nguồn nước, giảm thời gian vận chuyển nước từ đầu kênh về đến trạm bơm sông.
Để chủ động sẵn sàng khắc phục khó khăn về sử dụng nước sông Đà trong mùa khô tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà đẩy nhanh tiến độ các công trình, giải pháp của đơn vị để chủ động sản xuất kinh doanh, không phụ thuộc vào việc vận hành Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.