Sau khi điện về vùng sản xuất tập trung, nông dân xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã chủ động trong trồng trọt, tưới tiêu
|
Thúc đẩy công nghiệp phát triển
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp đứng thứ 3 cả nước về sản lượng điện tiêu thụ. Hiện tại, PC Đồng Nai đang cung cấp điện cho 32 khu công nghiệp tập trung, 27 cụm công nghiệp và khu dân cư với trên 730 ngàn khách hàng. Sản lượng điện thương phẩm năm 2016 đạt gần 11 tỷ kWh, trong đó điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 75% tổng sản lượng. PC Đồng Nai dự kiến, năm 2017 sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng khoảng 11% so với năm 2016.
Theo báo cáo tổng kết của tỉnh Đồng Nai, năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2 tỷ USD, đạt 200% kế hoạch năm và có trên 3.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hơn 11% so với cùng kỳ.
Do đó, để đáp ứng kịp thời đà tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh, PC Đồng Nai đã đặc biệt chú trọng công tác đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện góp phần không nhỏ trong việc thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu tăng công suất, mở rộng sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Năm 2016, PC Đồng Nai đã thực hiện đầu tư 137 công trình lưới điện với tổng giá trị là hơn 747 tỉ đồng. Trong đó, Công ty đã thực hiện xây dựng mới 225 km, cải tạo 239 km đường dây các loại, tổng công suất trạm là 182,82 MVA.
Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng đã đầu tư cho lưới điện tỉnh Đồng Nai 2 công trình hoàn thành đóng điện với số tiền 261,6 tỉ đồng.
Một số công trình lưới điện 110 kV quan trọng đã được PC Đồng Nai thực hiện hoàn thành vượt tiến độ Tổng công ty giao như: Đường dây 110 kV 2 mạch từ trạm biến áp Hyosung 2 đấu nối chuyển tiếp vào đường dây 110 kV Hyosung - Dệt May; nâng cấp đường dây 110 kV Long Thành - Tuy Hạ và nhánh rẽ Vedan; đóng điện các công trình tăng công suất các máy biến áp trạm 110 kV Đồng Nai, Long Khánh, Thống Nhất, Gò Dầu, Kiệm Tân. Những công trình này đã được đưa vào sử dụng kịp thời cung cấp điện ổn định, liên tục cho một số khu công nghiệp (KCN) như: KCN IDCo, Biên Hòa, Biên Hòa 2, Long Khánh, Bàu Xéo, Gò Dầu,…
Song song với việc đầu tư xây dựng, công tác sửa chữa lớn cũng được PC Đồng Nai thực hiện hoàn thành 100 hạng mục công trình, giá trị gần 89,6 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao và tăng 29% so với cùng kỳ.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản và nâng cấp hạ tầng cũng là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong việc chống quá tải cho lưới điện và vận hành hệ thống điện an toàn. Từ đó, đảm bảo chất lượng điện ổn định, liên tục, hạn chế tối đa thời gian ngừng giảm cung cấp điện làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của khách hàng.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng lưới điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp, PC Đồng Nai cũng đã tập trung xây dựng hoàn thành các công trình điện làm thay đổi diện mạo nông thôn trên toàn tỉnh. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 – 2020, trong năm 2016, PC Đồng Nai đã đóng điện 67 công trình lưới điện nông thôn với tổng mức đầu tư là 214 tỉ đồng, trong đó vốn ưu đãi của tỉnh là 105 tỉ đồng cho 28 công trình.
Công tác đầu tư lưới điện nông thôn vào các khu sản xuất và chăn nuôi tập trung là chính sách hết sức cần thiết giúp người nông dân hưởng lợi. Năm 2016, Điện lực Đồng Nai đã hoàn thành 9 công trình phục vụ sinh hoạt cho người dân với vốn đầu tư hơn 23 tỉ đồng; 10 công trình lưới điện với chiều dài hơn 86 km đường dây trung thế, vốn đầu tư hơn 39 tỉ đồng phục vụ khu sản xuất tập trung và 9 công trình có vốn đầu tư gần 22 tỉ đồng phục vụ khu quy hoạch chăn nuôi tập trung ở các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất, Long Thành, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú…
Ở các khu sản xuất tập trung, điện đã được đưa ra tận đồng phục vụ cho việc tưới tiêu, canh tác. Người nông dân đã chủ động trong khâu tưới nước, chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích trồng trọt, thâm canh. Ngoài ra, việc mua điện trực tiếp đúng với giá điện quy định của Nhà nước đã giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất đáng kể.
Cùng với đó, việc hoàn thành các công trình điện phục vụ nông thôn của Công ty đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc di dời các cơ sở chăn nuôi vào khu chăn nuôi tập trung. Hình thức chăn nuôi này không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đảm bảo giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 5 địa phương được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của quốc gia là: Thị xã Long Khánh, các huyện Long Thành, Thống Nhất, Nhơn Trạch và Xuân Lộc.
Với việc chủ động, tích cực xây dựng hạ tầng lưới điện nông thôn, PC Đồng Nai đã góp phần thực hiện thắng lợi chương trình nông thôn mới của tỉnh. Hiện trên toàn tỉnh có 130/136 xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn mới, tỷ lệ hộ dân có điện quốc gia trên toàn tỉnh là 99,93% và hộ nông thôn có điện là 99,89%.
Năm 2017, PC Đồng Nai sẽ đầu tư khoảng 835 tỉ đồng để tiếp tục thực hiện công tác xây dựng hạ tầng, cải tạo, sửa chữa hoàn thiện lưới điện trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, tháng 2/2017, PC Đồng Nai chính thức đưa đội sửa chữa điện nóng (Hotline) vào hoạt động nhằm giảm thời gian mất điện và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.