PC Thừa Thiên Huế: Khi huyện Phong Điền phát triển nuôi tôm ồ ạt

Hiện nay, trên vùng cát các xã của huyện Phong Điền có 5 doanh nghiệp, 54 nhóm hộ và 114 hộ tham gia nuôi tôm trên cát với diện tích nuôi là 690 ha, sản lượng đạt hơn 3.000 tấn/vụ. Việc cấp điện cho các doanh nghiệp, người dân nuôi tôm phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch là bài toán không đơn giản với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế.

Hồ nuôi tôm nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Phong Hải

Nuôi tôm trên cát đang từng bước khẳng định hiệu quả và trở thành một mũi nhọn kinh tế thủy sản của huyện Phong Điền. Riêng tại xã Phong Hải đã phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 123,4 ha tôm (mật độ 11-12 tấn/150m2. Vụ thu hoạch năm 2012, các nhóm hộ nuôi tôm của xã Phong Hải đã thu được 1.300 tấn, trị giá 170 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Viết Từ - Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết: Đây là vụ tôm trên cát được mùa nhất từ trước đến nay của xã, có hộ trúng lớn, thu từ 2 đến 3 tỷ đồng. Nguồn thu từ nghề nuôi tôm ở Phong Hải hiện chiếm 45% tổng thu nhập toàn xã, giải quyết cho 300 lao động địa phương có nguồn thu nhập ổn định. Việc phát triển thêm các khu công nghiệp nuôi tôm đang mở ra nhiều hướng phát triển cho địa phương.

Vừa qua được sự chấp thuận của tỉnh Thừa Thiên Huế và chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cũng đã khởi công xây dựng khu nuôi tôm tại xã Điền Hương trên diện tích 80 ha, với tổng kinh phí đầu tư ban đầu là 70 tỷ đồng, công suất sử dụng điện 16 MW. Đây cũng là khu nuôi tôm tập trung lớn nhất từ trước đến nay của Tỉnh. Nhiều vùng nuôi tôm trên cát ở huyện Phong Điền đã tiếp cận khoa học kỹ thuật mới trong việc phát triển nuôi tôm theo hướng phát triển bền vững nên công suất sử dụng điện rất lớn, so với đầu năm tăng 3,7 MW gần 1,6 lần.

Do các doanh nghiệp, nhóm hộ và hộ nuôi tôm đang phát triển ồ ạt diện tích nuôi tôm, lại không theo quy hoạch và sử dụng công nghệ mới vào sản xuất nên công suất sử dụng điện tăng gần gấp đôi so với năm 2011 gây khó khăn trong công tác cung ứng điện.

Trước tình hình đó, tháng 7/2012, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã đề nghị Tổng công ty đầu tư công trình chống quá tải lưới điện phía Đông Bắc phá Tam Giang tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô xây dựng mới 2 km đường dây trung thế 22 kV trên không từ Quảng Ngạn đi Trạm biến áp nuôi tôm Phong Hải 7, cải tạo 13,14 km đường dây 22 kV lên AC 195 với tổng mức đầu tư gần 3,8 tỷ đồng.

Đồng thời, đơn vị đã đầu tư xây dựng kịp thời các trạm biến áp nuôi tôm Phong Hải 7 công suất 2 x 400 kVA - 22/0,4 kV; TBA nuôi tôm Điền Môn 9 công suất 2 x 560 kVA - 22/0,4 kV để cấp điện cho vùng nuôi tôm trên cát của huyện Phong Điền. Bên cạnh đó, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra hoán chuyển máy biến áp trên lưới để kịp thời chống quá tải, kiểm tra nâng điện áp cuối nguồn cho khu vực nuôi tôm của huyện nhất là khu vực xã Phong Hải như: Hoán chuyển nâng công suất TBA nuôi tôm Phong Hải 6 từ 400 kVA lên 630 kVA, hoán chuyển để lắp đặt trạm nuôi tôm Phong Hải 8 560 kVA, di chuyển TBA nuôi tôm Điền Môn 5 cho TBA nuôi tôm Điền Môn 10, phân bố phụ tải TBA nuôi tôm Phong Hải 4 qua TBA nuôi tôm Phong Hải 7…

Theo kiến nghị của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, để bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định cho khu vực nuôi tôm của huyện Phong Điền theo hướng phát triển bền vững, ngoài việc đầu tư, cải tạo lưới điện 22 kV đang triển khai hiện nay cần sớm đầu tư xây dựng TBA 110/22 kV - 25 MVA tại khu vực xã Điền Lộc trong tổng sơ đồ điện lực VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 về Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề quá tải đường dây hiện nay.

 


  • 25/01/2013 01:38
  • Lê Hùng Sơn
  • 4576


Gửi nhận xét