“Phải xử lý hình sự đối tượng hành hung công nhân điện lực”

Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Minh Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Cường và cộng sự, về việc 1 công nhân Điện lực Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) bị hành hung sau khi thực thi công vụ.

Luật sư Nguyễn Minh Cường

PV: Thưa ông, hành vi hành hung người thi hành công vụ có thể bị xử lý hình sự không, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Minh Cường: Hành vi dùng vũ lực (hành động) dùng sức mạnh vật chất tấn công, như: Đấm, đá, dùng cây đánh, dùng đất, đá ném,... đối với người thi hành công vụ có thể làm cho người thi hành công vụ bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe, nhưng chưa gây ra thương tích đáng kể (không có tỉ lệ thương tật qua giám định) thì có thể quy tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ Luật hình sự 2015. Nhưng nạn nhân phải chứng minh việc thi hành công vụ của mình là đúng quy định của pháp luật. 

Nếu hành vi dùng vũ lực lại gây ra thương tích (có tỉ lệ % qua giám định) thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ Luật hình sự với tình tiết định khung hình phạt gây thương tích đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 

Như vậy, người có hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi này gây ra cho người thi hành công vụ.

PV: Thưa ông, với vụ việc ông Hoàng Thanh Minh công nhân Điện lực TP. Đông Hà - Quảng Trị bị đối tượng hành hung khiến phải nhập viện, các cơ quan chức năng có thể sẽ xử lý như thế nào?

Luật sư Nguyễn Minh Cường: Theo quan điểm của Văn phòng luật sư về vụ việc trên, cơ quan chức năng có thể xem xét đánh giá xử lý hành vi cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ Luật hình sự với tình tiết định khung tăng nặng theo điểm 0, khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự là gây thương tích cho người đang thi hành công vụ hoặc gây thương tích vì lý do công vụ của nạn nhân. 

Còn đối với tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật hình sự có hình phạt nhẹ hơn, chỉ áp dụng khi không xác định được tỷ lệ thương tích của nạn nhân hoặc tỷ lệ thương tích không đáng kể. 

Ngoài ra, dấu hiệu cơ bản của tội chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật nhằm cản trở người đang thi hành công vụ thực hiện công vụ hoặc ép người thi hành công vụ làm trái công việc mà họ được giao. Trong vụ việc trên, cán bộ của Điện lực Đông Hà đã thực hiện xong công vụ và họ bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ khác.

Đối với Tội cố ý gây thương tích là tội phạm có chế tài nặng hơn, khung hình phạt có thể từ 2 năm đến 15 năm tù, tùy theo hậu quả đã xảy ra đối với người bị hại.

PV: Đây không phải là lần đầu tiên công nhân ngành Điện bị hành hung. Theo ông, để bảo vệ người lao động cũng như hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực Điện, các cơ quan chức năng cần phải làm gì?

Luật sư Nguyễn Minh Cường: Theo tôi, ngành Điện nên có quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, tổ dân phố... trong công việc liên quan đến hoạt động kinh doanh điện.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật liên quan đến ngành Điện đối với người dân, thực hiện tốt việc phối hợp giải quyết những thắc mắc khiếu nại của người dân về giá điện, cách tính tiền điện… để người dân hiểu và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho các cán bộ, công nhân làm việc trong lĩnh vực kinh doanh điện về quy tắc ứng xử khi tiếp xúc với khách hàng; những phương án phòng ngừa, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc do thiếu kinh nghiệm ứng xử với khách hàng.

Khi tranh chấp xảy ra, Công đoàn ngành Điện là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người lao động cần tích cực tham gia vào quá trình giải quyết sự việc, kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhanh chóng xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Đối với các cơ quan pháp luật, cần xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra trong ngành Điện, phòng ngừa những hành vi tương tự xảy ra.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Diễn biến vụ việc công nhân ngành Điện bị hành hung:

Vào khoảng 08h30 phút ngày 24/8/2017, ông Hoàng Thanh Minh và bà Nguyễn Thị Thanh (Điện lực Đông Hà, Công ty Điện lực Quảng Trị) thực hiện nhiệm vụ tạm ngừng cấp điện đối với hộ khách hàng Trần Ngọc Thắng. Lý do: Khách hàng nợ tiền điện quá hạn của 2 hợp đồng với tổng số tiền là 7.252.788 đồng.

Vào khoảng 9h00 cùng ngày, ông Minh và bà Thanh di chuyển đi làm nhiệm vụ khác, ông Thắng đi xe máy chở theo một nam thanh niên mang theo gậy chạy đến chặn đầu xe, ép xe ông Minh vào lề đường. Ông Thắng dùng gậy đánh liên tiếp vào đầu ông Minh, gây thương tích nặng. Ông Minh phải vào nhập viện điều trị.


  • 03/10/2017 02:56
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 9672