- Kính thưa đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ;
- Kính thưa đồng chí Nông Đức Mạnh, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
- Kính thưa đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ Ngành Trung ương và Chính quyền địa phương;
- Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý
- Thưa các đồng chí, đồng bào
Hôm nay, trong không khí vui mừng, phấn khởi kỷ niệm 58 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2012), được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, UBND 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và các nhà thầu long trọng tổ chức Lễ khánh thành Công trình thủy điện Sơn La. Thay mặt Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tôi xin gửi tới Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, CBCNV thuộc các đơn vị tham gia xây dựng công trình thủy điện Sơn La và toàn thể nhân dân ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu lời chúc sức khoẻ, lời chào trân trọng nhất.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Lễ khánh thành Thủy điện Sơn La
|
Kính thưa các quý vị đại biểu
Kính thưa các vị khách quý
Công trình thủy điện Sơn La là công trình quan trọng quốc gia, được khảo sát, quy hoạch, thiết kế từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Qua hơn 10 năm nghiên cứu, với sự tham gia của hơn 500 kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên ngành khảo sát thiết kế, Báo cáo tiền khả thi của dự án đã được lập và trình Chính phủ năm 1996. Ngay từ thời kỳ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án thủy điện Sơn La đã được nhân dân cả nước, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Vì vậy nhiều phương án xây dựng công trình đã được thảo luận, cân nhắc, xem xét. Để quyết định phương án xây dựng, Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước công trình thủy điện Sơn La với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước xem xét, báo cáo trình Chính phủ và Quốc hội.
Tháng 12/2002, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI đã quyết nghị thông qua chủ trương, nhiệm vụ và tiến độ đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La phù hợp với quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà gồm 3 bậc: Hoà Bình - Sơn La thấp - Lai Châu vì phương án này đảm bảo được các yêu cầu: an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du và thủ đô Hà Nội; đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Bắc; giảm thiểu tác động bất lợi tới môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Ngày 15/1/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định đầu tư Dự án thủy điện Sơn La với 4 nhiệm vụ chủ yếu là:
- Cung cấp điện năng bình quân hàng năm 10,2 tỉ kWh cho hệ thống điện Quốc gia;
- Chống lũ cho hạ du với dung tích phòng lũ 7,0 tỷ m3, trong đó Sơn La 4,0 tỷ m3, Hoà Bình 3,0 tỷ m3;
- Cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc bộ với dung tích điều tiết 5,97 tỷ m3;
- Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc.
Theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định đầu tư của Chính phủ Dự án Thủy điện Sơn la phải khởi công xây dựng vào năm 2005, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2012 và hoàn thành công trình vào năm 2015.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của dự án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Nhà thầu chủ động triển khai các công việc phù hợp với Tổng tiến độ xây dựng công trình được duyệt.
Thông thường, sau khi được phê duyệt, các công trình thủy điện thường mất khoảng 2 năm chuẩn bị cơ sở hạ tầng như hệ thống đuờng giao thông trong công trường, hệ thống cấp điện, cấp nước phục vụ thi công, thông tin liên lạc, giải phóng mặt bằng, xây dựng lán trại, phụ trợ… Nhưng với ý chí quyết tâm rút ngắn tiến độ, bằng tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng thầu - Tổng công ty Sông Đà đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ giải pháp “chuẩn bị hạ tầng trước khi có quyết định đầu tư và phê duyệt thiết kế, kết hợp việc khởi công với ngăn sông”. Đây là cách làm sáng tạo và chưa có tiền lệ ở các công trình thủy điện lúc bấy giờ. Cho đến ngày khởi công đã có: 125km đường giao thông, 2 cây cầu bê tông bắc qua sông Đà, gần 200km đường dây tải điện 110-220kV, gần 60.000 m2 nhà ở cho khoảng 6.000 công nhân cùng hàng loạt công trình dẫn dòng, đê quai thượng lưu và hạ lưu… được hoàn thành. Công tác di dân, giải phóng mặt bằng công trường cũng đã được địa phương tích cực thực hiện.
Với sự chuẩn bị chu đáo, sáng ngày 02/12/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chính thức phát lệnh khởi công công trình thủy điện Sơn La, đồng thời cũng là ngày hội ngăn sông lần thứ nhất, mở ra thời kỳ thi công cao điểm trên công trường.
Tiếp sức cho các đơn vị tham gia công trình thủy điện Sơn La, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách, chỉ đạo sát sao như việc ban hành Cơ chế đặc biệt trong quản lý và thực hiện dự án tại Quyết định số 207/2004/QĐ-TTg ngày 11/12/2004; thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước tại Quyết định số 09/2004/QĐ-TTg ngày 15/01/2004 do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng Chính phủ) làm Trưởng Ban để chỉ đạo, điều phối mọi hoạt động của các Bộ ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị thi công, kịp thời giải quyết mọi khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Một công trường không ngủ, điện sáng thâu đêm, rộn vang tiếng máy với hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc ba ca liên tục, không kể ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật. Nơi đây đã trở thành điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường. Tất cả các đơn vị từ chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban QLDA Nhà máy thủy điện Sơn La, tư vấn thiết kế (Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1), tổng thầu xây lắp và các nhà thầu thành viên (Tổng Công Ty Sông Đà, Licogi, Trường Sơn, Lilama), các nhà thầu gia công, chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công (Công ty cổ phần cơ khí miền Trung, Công ty cổ phần cơ khí Yên Viên, Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp, Tổng công ty cơ điện xây dựng nông nghiệp và thuỷ lợi, Viện nghiên cứu Cơ khí,…), nhà thầu chế tạo các loại cần cẩu có sức nâng lớn (Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, Công ty cổ phần cơ khí Hồng Nam) và nhà thầu thí nghiệm điện (Công ty thí nghiệm điện Miền Bắc), đâu đâu cũng dấy lên không khí lao động hăng say, sáng tạo của đội ngũ CBCNV xây dựng thủy điện.
Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Sơn La - Ảnh: Vũ Lam
|
Đập dâng thủy điện Sơn La với chiều dài gần 1km, bề rộng đáy đập là 120m và chiều cao đến 138m là đường găng chính của công trình với khối lượng bê tông gần 5 triệu m3 nếu không áp dụng công nghệ thi công đầm lăn thì phải mất gần chục năm mới hoàn thành. Tổng thầu - Tổng công ty Sông Đà và chủ đầu tư đã chủ động, quyết tâm, mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới để thi công đập bê tông đầm lăn (RCC), giảm chi phí đầu tư và rút ngắn thời gian thi công đập thuỷ điện Sơn La. Tổng công ty Sông Đà đã đầu tư 21 triệu USD để mua trạm trộn bê tông RCC với công suất 720m3/h của CHLB Đức, hệ thống băng tải vận chuyển bê tông của Nhật Bản là những hệ thống thiết bị hiện đại, có chất lượng cao, từ đó năng suất, chất lượng bê tông đảm bảo tốt theo yêu cầu thiết kế. Chủ đầu tư đã tự đảm nhận việc sản xuất và cung cấp tro bay Phả Lại làm phụ gia bê tông để chủ động nguồn cấp, đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình. Với dây chuyền này, cùng với hệ thống phun sương hỗ trợ, duy trì ở nhiệt độ 220C, tạo độ ẩm cần thiết đảm bảo chất lượng cho bê tông … nên năng suất đổ bê tông mỗi ngày đạt 5.500 - 6.000m3, cao điểm có thể đạt tới 8.000m3/ngày.
Trong quá trình xây dựng, mặc dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng bằng sự đoàn kết, phát huy sáng kiến, khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật của chủ đầu tư và các nhà thầu, sự phối hợp với các chuyên gia nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước, các đơn vị trên công trường đã vượt qua tất cả để hoàn thành công trình như ngày hôm nay. Có thể kể đến như việc thiết kế cầu trục chân cao, chân thấp để vừa lắp đặt, vừa thử khô các cửa van sửa chữa cửa xả sâu đập tràn, cửa van sửa chữa cửa nhận nước để đảm bảo tiến độ lắp đặt, nghiệm thu đưa vào sử dụng đáp ứng tiến độ phát điện tổ máy số 1 trong khi phần xây Đập dâng, Đập tràn, Cửa nhận nước còn đang xây dở. Hay là việc hiệu chỉnh phương án vận tải qua bờ trái đập Hòa Bình kết hợp với việc điều chỉnh mực nước sông Đà tại hạ lưu thủy điện Hòa Bình để đảm bảo an toàn, chủ động thời gian vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng như máy biến áp nặng 280T, bánh xe công tác nặng 210T, đáp ứng tiến độ lắp đặt các tổ máy trong điều kiện hạn hán năm 2009- 2010, khi sông Hồng có mực nước thấp nhất trong hơn 100 năm qua.
Công tác quản lý chất lượng công trình đã được chủ đầu tư và các nhà thầu chú trọng đặc biệt. Hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư và các nhà thầu đã được xây dựng và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu. Đây là công trình quan trọng đặc biệt nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã mời các Tư vấn hàng đầu nước ngoài tham gia hỗ trợ thiết kế, giám sát, đánh giá chất lượng công trình như công ty Colenco (Thuỵ Sỹ), Nippon Koei, J-power (Nhật Bản), Viện nghiên cứu thiết kế thuỷ công Matxcova (Nga). Chủ đầu tư đã thường xuyên báo cáo và mời Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tổ chức kiểm tra, nghiệm thu trong suốt quá trình thực hiện dự án. Ban chỉ đạo Nhà nước cũng tổ chức họp hàng tháng tại công trường để kiểm tra, giám sát và chỉ đạo, giúp đỡ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn trong suốt quá trình thi công xây dựng.
Các chiến dịch thi đua trên công trường do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo đã được Ban QLDA Nhà máy Thủy điện Sơn La, Ban điều hành Tổng thầu phối hợp các đơn vị hưởng ứng, bám sát các mục tiêu thi công cụ thể của từng giai đoạn. Đầu tiên là: “Chiến dịch thi đua 250 ngày đêm” vì mục tiêu hoàn thành đào hố móng, thực hiện ngăn sông đợt 2 thắng lợi; tiếp đến là “Chiến dịch 135 ngày đêm” hoàn thành tiến độ đổ bê tông đầm lăn RCC; Gần đây nhất, để đảm bảo mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào cuối tháng 12/2010 vượt tiến độ 2 năm so với chỉ tiêu đề ra của Quốc hội, toàn công trường đã phát động chiến dịch “Thi đua 125 ngày đêm phát điện tổ máy số 1”. Các chiến dịch thi đua đã tạo ra một khí thế vui tươi, phấn khởi, hăng say lao động trong đội ngũ CBCNV các đơn vị trên công trường, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ngày 15/5/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ấn nút phát lệnh đóng cống dẫn dòng để tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La. Đây là sự kiện quan trọng, ghi nhận thành quả 5 năm xây dựng công trình và sự đóng góp to lớn của trên 20.000 hộ đồng bào các dân tộc thuộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã di dời đến nơi tái định cư mới an toàn, đáp ứng tiến độ. Và cuối cùng sự kiện vui mừng nhất đã tới. Đúng 12 giờ 45 phút ngày 17/12/2010, tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Sơn La hòa thành công vào hệ thống điện quốc gia.
Thành công nối tiếp thành công, các đơn vị trên công trường đã tiếp tục phát huy hoàn thành vượt mức các mốc tiến độ kế hoạch được giao, cụ thể: Phát điện tổ máy 2 vào ngày 20/4/2011; tổ máy 3 vào ngày 23/8/2011; tổ máy 4 vào ngày 19/12/2011 và tích nước hồ chứa đến cao trình thiết kế 215 mét trong tháng 10/2011; Phát điện tổ máy 5 vào ngày 28/4/2012; và tổ máy 6, tổ máy cuối cùng của công trình vào ngày 26/9/2012;
Tại phiên họp ngày 20/12/2012, căn cứ đề nghị của Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư, căn cứ kết quả hoàn thành các hạng mục công trình, đánh giá của tư vấn thiết kế và tư vấn độc lập nước ngoài về ổn định, an toàn đập, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã ký Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình thuỷ điện Sơn La.
Đập chính thủy điện Sơn La lung linh trong đêm trước khi diễn ra lễ khánh thành Nhà máy - Ảnh: Vũ Lam
|
Như vậy, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của các cấp chính quyền và nhân dân các dân tộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo của các đơn vị tham gia trên công trường, Công trình thủy điện Sơn la đã về đích trước tiến độ 3 năm so với Nghị quyết của Quốc Hội và Quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Đến hôm nay, 06 tổ máy đã đưa vào vận hành, cung cấp cho Hệ thống điện Quốc gia gần 13 tỷ kWh điện, Nhà máy đã tham gia chống lũ cho hạ du và cung cấp nước vụ đông xuân cho đồng bằng Bắc bộ theo đúng thiết kế được phê duyệt.
Kính thưa các quý vị đại biểu.
Kính thưa các vị khách quý,
Công trình thủy điện Sơn La đã khẳng định sự thành công của ý chí quyết tâm, sự đoàn kết và trí tuệ của người Việt Nam. Trong thời gian 07 năm thực hiện xây dựng công trình, một thời gian dài với nhiều biến động, chủ đầu tư cùng các nhà thầu đã gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban chỉ đạo Nhà nước, và đặc biệt là của cá nhân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chủ đầu tư đã cùng các đơn vị trên công trường từng bước vượt qua khó khăn để thi công hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình theo thiết kế.
Việc hoàn thành công trình sớm hơn 3 năm có ý nghĩa rất lớn. Với công suất 2.400MW, thủy điện Sơn La chiếm gần 10% tổng công suất hệ thống điện hiện nay, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu điện năng trong những năm sắp tới. Hồ chứa thủy điện Sơn La được đưa vào sử dụng đã cải thiện việc cấp nước tưới cho đồng bằng Bắc bộ và điều tiết lũ cho hạ du ngay từ năm 2011, giảm tải việc xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình. Lợi ích kinh tế thu được cũng rất lớn: mỗi năm vào vận hành sớm, nhà máy sẽ tạo ra doanh thu 500 triệu USD, tiết kiệm hơn 5 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương.
Thành công của công trình thủy điện Sơn La đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của chủ đầu tư và các nhà thầu, đã trở thành niềm tự hào của đội ngũ xây dựng thủy điện Việt Nam với công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á mà tất cả các khâu Quản lý - Thiết kế - Thi công - Vận hành đều do người Việt Nam đảm nhiệm chính.
Công trình thủy điện Sơn La được khánh thành ngày hôm nay là kết quả của một quá trình phấn đấu gần 3000 ngày đêm không nghỉ của hàng chục ngàn CBCNV trên công trường cùng với sự trợ giúp, tạo điều kiện đặc biệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Thay mặt Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan đã quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo sát sao để chủ đầu tư hoàn thành công trình.
Chân thành cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã di dời nhà cửa, bản làng, nhường đất để xây dựng công trình.
Chân thành cảm ơn toàn thể các đồng chí cán bộ công nhân viên, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng công trình đã không quản ngại khó khăn, vất vả, thậm chí cả nguy hiểm, đêm ngày lao động sáng tạo, với năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần quan trọng vào sự thành công của Dự án.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Kính thưa các vị khách quý
Thưa toàn thể các đồng chí, đồng bào.
Cách đây 58 năm, ngày 21/12/1954, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Lời căn dặn ân cần của Bác khi đó vẫn in đậm trong tim mỗi CBCNV ngành Điện: “Nhà máy bây giờ là của Chính phủ, của các cô các chú, các cô các chú là chủ phải biết giữ gìn nhà máy và làm cho nó phát triển hơn nữa...”. Lời Bác năm xưa đã trở thành lời động viên, là kim chỉ nam cho ý chí, quyết tâm và hành động của các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Điện, với mục tiêu “điện đi trước một bước” để đảm bảo nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường “công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Từ cơ sở vật chất nghèo nàn và lạc hậu tiếp quản từ tay người Pháp, sau 58 năm chiến đấu, bảo vệ, xây dựng và phát triển, ngành Điện cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, đủ sức gánh vác vai trò nền tảng của nền kinh tế đất nước. Từ chỗ chỉ có 31 MW với sản lượng 53 triệu kWh vào năm 1954, đến cuối năm 2012, công suất lắp đặt của hệ thống điện Quốc gia là 26.300 MW, sản lượng điện năm 2012 ước đạt 120 tỷ kWh. Hệ thống điện quốc gia là một thể thống nhất với các nhà máy, hệ thống truyền tải, phân phối điện trải khắp các miền của đất nước. Nhiều công trình điện lớn mang dấu ấn lịch sử đã được xây dựng như nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Trị An, đường dây 500kV Bắc Nam và nay là Thủy điện Sơn La. Đến nay, ngành điện Việt Nam đã đưa điện lưới quốc gia về tới 100% số huyện, trên 98% số xã, trên 96% số hộ dân nông thôn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển KTXH ở khu vực nông thôn, miền núi - một thành tựu mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được.
Chặng đường 58 năm qua là chặng đường đầy gian nan, thử thách, nhưng cũng đầy vinh quang, các thế hệ CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam hết sức tự hào vì được đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào những thành tựu vĩ đại của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Những thành quả đã đạt được là cơ sở, là tiền đề để Tập đoàn Điện lực Việt Nam viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành, tiếp tục đảm bảo dòng điện cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của bao thế hệ CBCNV ngành điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam với tinh thần Đoàn kết, Trách nhiệm, Đổi mới quyết tâm xây dựng Tập đoàn thành thành một Tập đoàn kinh tế lớn mạnh, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và thân thiện với khách hàng; phấn đấu giảm giá thành, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có tâm huyết, có năng lực, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Kính thưa các vị khách quý,
Trong buổi Lễ long trọng này, một lần nữa thay mặt Tập đoàn Điện lực Việt Nam tôi xin chân thành cảm ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, chính quyền các địa phương và nhân dân cả nước đã tin yêu, giúp đỡ, tạo điều kiện để Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
Kính chúc Thủ tướng Chính phủ, các quý vị đại biểu các vị khách quý sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!