Phát triển ngành Cơ khí Điện lực: Để bứt phá thực sự…

Nhiều tiềm năng về mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nguồn nội lực cũng dồi dào với nhiều đóng góp và khát vọng vươn lên, nhưng vì sao các doanh nghiệp cơ khí điện lực nước nhà trong những năm qua vẫn chưa thực sự bứt phá?

Chế tạo thành công máy biến áp 500/kV là minh chứng rõ ràng cho sự thành công nhờ có chiến lược đầu tư đúng đắn của EVN      Ảnh: Ngọc Cảnh

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Thời gian qua, các doanh nghiệp cơ khí điện lực Việt Nam đã tiếp nhận tiến bộ KHCN của thế giới thông qua nhập khẩu, chuyển giao công nghệ hoặc liên doanh. Bên cạnh đó, các đơn vị này còn phát huy nội lực, tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thử nghiệm thiết bị cơ khí điện lực theo trình tự từ chi tiết đến trọn bộ, từ đơn giản đến phức tạp. Các sản phẩm tự thiết kế, chế tạo gồm: Cột thép, thiết bị cơ khí thuỷ công, máy biến áp đến cấp điện áp 500 kV… đã tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền của khi xây dựng các công trình điện trọng điểm quốc gia.

Đặc biệt, máy biến áp 500 kV do Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh nghiên cứu, chế tạo có tỷ lệ nội địa hóa đạt 45% về giá trị và 95% về khối lượng gia công. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á sản xuất thành công loại máy biến áp này với giá thành thấp hơn 25-30% so với nhập ngoại.

Công ty Cổ phần Cơ khí Ðiện lực (PEC) là doanh nghiệp cơ khí đầu tiên tự thiết kế dây chuyền công nghệ, sản xuất hoàn chỉnh và đồng bộ cột thép mạ kẽm nhúng nóng cung cấp cho các đường dây truyền tải điện cao thế từ 110 kV đến 500 kV. Công ty cũng tham gia sản xuất thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy Thủy điện: Bản Vẽ, Rào Quán, Huội Quảng, Thủy điện An Khê - Kanac, Sông Tranh II... Với công trình Thủy điện Sơn La, Công ty liên danh với Công ty Cơ điện miền Trung sản xuất gần 10.000 tấn ống áp lực đường kính 10,5 m cung cấp cho hệ thống ống dẫn dòng, rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí xây dựng…

Đội ngũ kỹ sư Cơ khí Điện lực có thể khắc phục, sửa chữa lớn hệ thống thiết bị nhà máy thủy điện  

   Ảnh: Ngọc Thọ

Còn đó những khó khăn

Tuy nhiên, đằng sau những nỗ lực và thành công đó là muôn vàn khó khăn. Việc sản xuất các máy biến áp từ 110 kV đến 500 kV, hầu như do doanh nghiệp tự xoay sở tìm nguồn vốn lớn, từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng mỗi máy. Đặc biệt, trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, nhiều ngân hàng từ chối, không cho doanh nghiệp vay, dù với lãi suất cao.

Sau khi tự nghiên cứu, chế tạo thành công, máy biến áp 500 kV (đã được lắp đặt và vận hành an toàn ổn định tại Trạm 500kV Nho Quan Ninh Bình từ tháng 11/2011), Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cũng chỉ mới ký thêm được 1 hợp đồng cho  Trạm biến áp 500 kV Vũng Áng (Hà Tĩnh) (dự án do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam quản lý). Con số này là quá ít so với con số 58 máy biến áp 500 kV dự kiến sẽ được đưa vào vận hành theo Quy hoạch điện VII trong giai đoạn 2011 – 2020.

Ông Trần Văn Quang - TGĐ Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh cho biết, nghiên cứu và sản xuất được máy biến áp 220 kV-500 kV đã rất khó khăn, nhưng  khi đấu thầu gặp vướng mắc do các dự án thi công vốn nước ngoài thì vốn sở hữu nhà nước tại các công ty cổ phần chiếm hơn 51%, Theo quy định về các tổ chức quốc tế cho nguồn vốn (WB, ADB, …) thì doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhà nước trên 51% không được tham gia đấu thầu.

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng, thời gian tới cần tập trung vào các nhóm ngành chủ lực, cụ thể như: Chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện… Để tạo điều kiện cho ngành Cơ khí điện lực phát triển, rất cần có cơ chế đặc thù cũng như chính sách của Nhà nước trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí  của VN chế tạo.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương - Nguyễn Chỉ Sáng, doanh nghiệp Cơ khí điện lực cần phát huy nội lực, liên kết lại tạo thành các liên danh để chủ động đàm phán, chắc chắn sẽ cho kết quả khả quan hơn…

 

 


  • 20/11/2012 02:50
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3952


Gửi nhận xét