Nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện: Bắt đầu từ thiết bị phụ trợ

Theo Quy hoạch điện VII, từ nay đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 52 nhà máy nhiệt điện được xây mới với phần vốn cho thiết bị ước trên 50 tỷ USD. Làm thế nào để ngành Cơ khí Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này thay vì tiếp tục “nhường sân” cho các nhà thầu nước ngoài như hầu hết các dự án nhiệt điện hiện nay?

Các chuyên gia cho rằng, ngành Cơ khí Việt Nam chỉ có thể bắt đầu công cuộc nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện từ các thiết bị phụ trợ.

Trong tổng số 52 nhà máy nhiệt điện được xây mới từ nay đến 2025, dự kiến có khoảng 35 nhà máy nhiệt điện đốt than do các chủ đầu tư trong nước thực hiện với tổng vốn đầu tư trên 44 tỷ USD. Trong đó, tổng vốn đầu tư cho các thiết bị nhà máy nhiệt điện ước tính trên 33 tỷ USD. Với thị trường lớn như vậy, nhưng hiện tại, cơ khí Việt Nam đang thua ngay trên "sân nhà" khi đứng nhìn các nhà thầu nước ngoài thi công hầu hết các công trình nhiệt điện.

Tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị nhà máy nhiệt điện hiện nay rất thấp. Các doanh nghiệp cơ khí trong nước chưa tham gia vào quá trình thiết kế, chế tạo thiết bị mà chỉ có thể làm các hạng mục đơn giản như kết cấu thép, lắp dựng, xây dựng theo các bản vẽ và thiết bị do nhà thầu nước ngoài cung cấp.

Nhìn vào các dự án nhiệt điện đã và đang được triển khai cho thấy, hầu hết các dây chuyền thiết bị nhiệt điện hiện nay đều do các nhà thầu nước ngoài cung cấp theo hình thức tổng thầu EPC như các dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, 2, 3… Các công ty này khi triển khai thực hiện dự án theo hợp đồng EPC đã mang vào Việt Nam cả lao động phổ thông, nguyên vật liệu thô, vật tư thiết bị mà Việt Nam hoàn toàn sản xuất được.

Cơ khí Điện lực của Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà - ảnh CTV

Ông Phan Đăng Phong - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam ngủ yên lâu nay trong lĩnh vực thiết bị nhà máy nhiệt điện là do việc huy động vốn đầu tư cho nhà máy nhiệt điện rất lớn nên chủ đầu tư thường thu xếp vốn từ các nhà thầu nước ngoài. Ngoài ra, cũng phải kể đến nguyên nhân từ sự yếu kém của cơ khí nước nhà, hiện chưa có đơn vị nào trong nước đủ năng lực thiết kế và quản lý dự án trọn gói nhà máy nhiệt điện. Một số đơn vị được giao thực hiện một số dự án theo hình thức tổng thầu EPC như LILAMA, PVC, PTSC thì phần cung cấp thiết bị cho các dự án này vẫn do nhà thầu nước ngoài thực hiện.

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt chọn 3 dự án nhiệt điện là Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1 và Quỳnh Lập 1 để áp dụng thí điểm công tác thiết kế và chế tạo thiết bị trong nước. Đồng tình với chủ trương này, song nhiều chuyên gia cho rằng, với năng lực thiết kế, chế tạo, quản lý dự án cũng như năng lực tài chính hiện nay, Cơ khí Việt Nam chỉ có thể bắt đầu công cuộc nội địa hóa các thiết bị nhà máy nhiệt điện từ các thiết bị phụ trợ.

Nhìn vào khả năng chế tạo thiết bị cho nhà máy nhiệt điện trong nước có thể thấy, đối với nhóm thiết bị chính như lò hơi, tua-bin, máy phát trong một sớm một chiều chưa thể nội địa hóa ngay được, bởi đòi hỏi phải đầu tư lớn về cơ sở vật chất, việc chuyển giao công nghệ lâu dài. Nhưng với các thiết bị phụ thì doanh nghiệp trong nước có thể chế tạo được như hệ thống cung cấp than, thu hồi tro xỉ, lọc bụi tĩnh điện, khử lưu huỳnh, nước làm mát tuần hoàn, cung cấp dầu, ống khói, trạm phân phối, máy biến áp chính… Các thiết bị này thường thuộc về gói thầu phụ nên tổ chức tín dụng trong nước cũng có thể thu xếp tài chính được.

Mô hình thực hiện các dự án nhiệt điện hiện nay là chủ đầu tư thuê tư vấn lập dự án, quản lý dự án và khai thác dự án; thuê tổng thầu EPC thực hiện nhiệm vụ thiết kế, mua bán, xây dựng nhà máy. Tổng thầu tiếp đó lại thuê rất nhiều nhà thầu phụ. Theo Phó viện trưởng Phan Đăng Phong, mô hình này gây khó trong thực hiện nội địa hóa thiết bị do phụ thuộc vào các điều kiện của đơn vị cho vay vốn. Ngoài ra, nó còn chứa đựng một loạt nhược điểm như tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng và kéo dài, khó kiểm soát chất lượng thiết bị, tăng nhập siêu của quốc gia…

Ông Phan Đăng Phong kiến nghị, nên thay thế mô hình thực hiện cũ bằng mô hình thực hiện các dự án nhiệt điện mới với điểm cốt lõi là chủ đầu tư sẽ là nhà quản lý các gói thầu từ đầu đến cuối. Các dự án sẽ được phân ra các gói thầu là gói thầu thiết bị chế tạo trong nước, gói thầu thiết bị do nước ngoài cung cấp và các gói thầu khác còn lại. Mô hình này sẽ bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu nội địa hóa, thiết kế, chế tạo các thiết bị trong nước, nâng cao năng lực doanh nghiệp cơ khí nước nhà và chủ động trong việc chế tạo thiết bị đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện.

Việc nội địa hóa thiết bị cơ khí nhiệt điện có thành công hay không trông đợi một phần lớn từ sự hỗ trợ đồng bộ, đủ mạnh từ Chính phủ. Trong đó, cần có cơ chế cho phép chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng Việt Nam đối với các gói thầu nội địa hóa. Về chính sách thuế, cần thực hiện bổ sung các thiết bị phụ của nhà máy nhiệt điện vào danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển; miễn thuế VAT, thuế nhập khẩu và các loại thuế liên quan với dịch vụ thiết kế thuê từ nước ngoài, các vật tư thiết bị nhập khẩu để chế tạo trong nước. Cùng với đó là các chính sách đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, từng bước nội địa hóa các thiết bị nhà máy nhiệt điện, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy cơ khí Việt Nam phát triển, giảm nhập siêu cho đất nước.


  • 29/08/2012 09:01
  • Theo daibieunhandan.vn
  • 6311


Gửi nhận xét