Bứt phá nhờ ứng dụng khoa học công nghệ

Từ một đơn vị sản xuất quy mô nhỏ, nhưng nhờ ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, Công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đã có bước phát triển vượt bậc, chế tạo nhiều loại máy cho ngành Điện như máy biến áp 500 kV đầu tiên của Việt Nam và cũng là đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngày 26/3/1971, Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh được thành lập, có nhiệm vụ chuyên sửa chữa, khôi phục các nhà máy nhiệt điện, thủy điện ở miền Bắc; sửa chữa máy biến áp có dung lượng đến 560 kVA; sửa chữa các loại động cơ, máy phát điện, các mặt hàng phi tiêu chuẩn khác.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã mở ra bước ngoặt lịch sử, đưa nước ta bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện và sâu sắc. Nhiều dự án đầu tư mới như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An, Nhiệt điện Phả Lại… và các công trình lưới điện từ 35 kV đến 220 kV lần lượt được xây dựng và đi vào hoạt động, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cả nước. Đặc biệt là từ khi công trình đường dây tải điện 500 kV Bắc – Nam được xây dựng (năm 1992), đã mở ra một bước ngoặt mới đối với Nhà máy Sửa chữa Thiết bị Đông Anh trong việc tự chế tạo những thiết bị phục vụ cho thi công, các tuyến đường dây và trạm biến áp như cột thép mạ kẽm, cáp nhôm trần, đặc biệt là máy biến áp đến 110 kV.

Máy biến áp 500KV đầu tiên của Việt Nam do Công ty cổ phần chế tạo Thiết bị điện Đông Anh chế tạo - Ảnh Chinhphu.vn

Ông Trần Văn Quang, Tổng giám đốc EEMC cho biết, không chấp nhận dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ, năm 1992, đơn vị đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Năng lượng cho phép đơn vị gia công chế tạo cột thép phục vụ thi công đường dây 500 kV Bắc - Nam (mạch 1); đồng thời chủ động vay vốn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, thiết bị máy móc để sản xuất hàng loạt máy biến áp các loại, trong đó tập trung nghiên cứu chế tạo máy biến áp 110 kV đầu tiên ở nước ta. Năm 1993, máy biến áp 25.000 kVA - 110 kV do cán bộ, công nhân viên chế tạo đã được lắp đặt vận hành thành công tại Trạm 110 kV Vĩnh Yên. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra một thời kỳ mới, thiết kế chế tạo hàng loạt các loại máy biến áp đến 63 MVA – 110 kV.

Có thể nói, thời kỳ này, Công ty còn nhiều khó khăn, phải vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, nhưng với việc chuyển hướng hoạt động từ sửa chữa, sản xuất thiết bị vừa và nhỏ sang thời kỳ nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn đã tạo đà để Công ty vươn lên, chế tạo những sản phẩm mang tính đặc thù, có hàm lượng công nghệ cao.

Năm 2003, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và ngành cơ khí điện lực nước ta lại ghi một dấu ấn mang tính lịch sử. Công ty tiếp tục sản xuất thành công máy biến áp 125 MVA - 220 kV đầu tiên ở Việt Nam, được lắp đặt, vận hành an toàn tại Trạm biến áp 220 kV Sóc Sơn (Hà Nội) và đến tháng 2/2007, hoàn thành việc chế tạo máy biến áp 250 MVA-220/110/22 kV để lắp đặt, vận hành tại Trạm 220 kV Thái Nguyên, góp phần nâng cao tính ổn định, độ an toàn liên tục của lưới điện các tỉnh vùng Đông bắc nước ta.

Đây là một trong những thành tựu khoa học mang ý nghĩa lớn đối với ngành Công nghiệp, kể từ đây, Việt Nam không còn phải nhập máy biến áp 220 kV của nước ngoài khi thi công lưới điện truyền tải; tiết kiệm hàng tỷ đồng do chi phí giá thành sản phẩm thấp; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của Công ty.

Thực hiện chủ trương sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty cổ phần, từ ngày 1/6/2005, Công ty Sản xuất Thiết bị điện đổi tên thành Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh, với tổng số hơn 800 cán bộ công nhân viên.

Mô hình mới, với những hy vọng mới. Cán bộ công nhân viên trong Công ty đã tập trung trí tuệ, tài năng, một lòng đoàn kết xung quanh tổ chức Đảng, Công đoàn Công ty để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.  

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Công ty đã triển khai mở rộng diện tích mặt bằng sản xuất với hàng trăm ngàn mét vuông và hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng; đầu tư nâng cấp dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại mà chủ yếu là của các nước có nền công nghiệp phát triển như Nhật Bản,  Đức, Bỉ, Italia, Nga, Canada, Thụy Sĩ… Phòng Thí nghiệm điện được cấp chứng nhận Vials hợp chuẩn quốc gia và khu vực, có tư cách pháp nhân độc lập thí nghiệm trong cả nước; đồng thời, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2000 của tổ chức AFAQ Cộng hòa Pháp công nhận.

Bên cạnh việc nghiên cứu chế tạo các chủng loại thiết bị điện, Công ty còn đẩy mạnh công tác sửa chữa thiết bị tại chỗ và cử cán bộ, công nhân kỹ thuật giỏi đi thực hiện các hợp đồng sửa chữa, đại tu máy biến áp tại các công trình. Trong đó, nổi bật là đã sửa chữa thành công 4 máy biến áp 500 kV của Nhà máy Thuỷ điện Ialy (năm 2005) và nhiều máy biến áp cùng loại tại các trạm 500 kV trên địa bàn cả nước, được lãnh đạo EVN đánh giá cao.

Việc sửa chữa thành công các máy biến áp đã tạo điều kiện cho Công ty tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tổ hợp máy biến áp 1 pha 150 MVA – 500/225/35 kV.

Trong bước tiến chinh phục khoa học công nghệ, Công ty đã dành 3 năm nghiên cứu, chế tạo máy biến áp 500 kV – 3 x 150 MVA đầu tiên của Việt Nam và cũng là đầu tiên ở Đông Nam Á.

Có thể nói, việc chế tạo máy biến áp 500 kV- 3 x 150 MVA và lắp đặt vận hành thành công tại Trạm 500 kV Nho Quan (Ninh Bình) từ ngày 22/11/2011 được coi là “thắng lợi vang dội” của nền cơ khí điện lực nước ta... mở ra một triển vọng mới đó là khả năng cung cấp thỏa mãn nhu cầu máy biến áp chất lượng cao của doanh nghiệp ngành Điện, nhằm thực hiện thắng lợi Quy hoạch phát triển lưới điện giai đoạn 2011 -2020, có xét tới năm 2030.

Hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, với sự đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Công ty đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Và tháng 12/2011, Công ty đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ông Trần Văn Quang cho biết, bài học từ thành công của Công ty chính là sự đoàn kết, quyết tâm, vận dụng sáng tạo chủ trương nghị quyết của Đảng, Chính phủ vào thực tiễn cuộc sống, thông qua quá trình thực hiện  biết chắt chiu, tiết kiệm từng đồng vốn để dành sự ưu tiên cho đầu tư các hạng mục quan trọng; tận dụng tối đa nhà xưởng, kho tàng, thiết bị công nghệ hiện có để không chỉ tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp do không phải đầu tư xây dựng mới mà còn dành số vốn này phục vụ cho nâng cấp nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao thu nhập và giúp người lao động trong Công ty tranh thủ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý từ các chuyên gia nước ngoài về quản lý, kỹ thuật, về chế tạo sản phẩm chất lượng cao...

 


  • 15/02/2012 02:38
  • Báo Điện tử Chính phủ
  • 4798


Gửi nhận xét