Thách thức và cơ hội
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do cả một thời kỳ dài làm việc theo cơ chế bao cấp, đến khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, hầu hết các đơn vị cơ khí điện lực đều gặp khó khăn trong hệ thống quản lý, thiết bị lạc hậu, chưa có kinh nghiệm thị trường, quy hoạch chung cho ngành cơ khí, cũng như đầu mối quản lý còn lỏng lẻo nên các đơn vị lúng túng trong việc phân công sản xuất, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Theo quy định, những đơn vị do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) giữ cổ phần chi phối không được tham gia đấu thầu quốc tế cũng gây khó khăn không nhỏ trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm việc làm cho người lao động ở các doanh nghiệp (DN).
Nhằm tạo động lực cho các đơn vị cơ khí điện lực phát huy năng lực, EVN đã đề ra mục tiêu: Tiết giảm và tiến tới ngừng chế tạo những thiết bị lạc hậu, tăng cường đổi mới thiết bị, phấn đấu tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng phần lớn nhu cầu của ngành và các DN trong nước và một phần xuất khẩu; thiết kế và sản xuất thiết bị điện phù hợp với xu hướng của thế giới; đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện Việt Nam khi tham gia vào lưới điện liên kết giữa các nước trong khu vực... Theo đó, EVN đã đưa ra lộ trình phát triển và phân công công việc cụ thể cho mỗi đơn vị, góp phần hạn chế tình trạng chồng chéo nhiều đơn vị cùng chế tạo một loại sản phẩm. Ðồng thời yêu cầu các đơn vị kết hợp hài hòa nhiều phương thức phát triển công nghệ cơ khí điện lực như ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến; đầu tư vốn và chất xám để phát huy nội lực; thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật trong toàn ngành, từng bước hiện đại hóa một số khâu công nghệ thiết bị then chốt, đào tạo và xây dựng lực lượng chuyên gia cơ khí điện lực ở Việt Nam nhằm tiếp thu và ứng dụng hiệu quả các thành tựu công nghệ cao vào sản xuất. Ðặc biệt, EVN đang nghiên cứu thực hiện chính sách chỉ định thầu theo cơ chế thử nghiệm công trình lần đầu tiên; chỉ định thầu một số gói EPC trọn bộ cho chế tạo trạm biến áp 110 kV, 220 kV và một số gói của nhà máy nhiệt điện, thủy điện đến 300 MW. Cho phép các công ty liên doanh với các đối tác nước ngoài sản xuất thiết bị điện trọn bộ cho nhà máy thủy điện, trạm biến áp, nghiên cứu giảm tỷ lệ góp vốn của EVN xuống dưới 51%, tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu thầu quốc tế.
|
Chế tạo đường ống áp lực cho Thủy điện Sơn La |
Tạo sức cạnh tranh trên sân nhà
Công ty cổ phần Cơ khí Ðiện lực (PEC) là một trong những doanh nghiệp cơ khí hàng đầu của ngành, chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm cơ khí chuyên ngành điện. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống như cột thép mạ kẽm nhúng nóng, các đường dây truyền tải điện cao thế đến 500 kV, kết cấu thép phi tiêu chuẩn, phụ kiện đường dây và trạm biến áp, Công ty còn chú trọng nâng cao năng lực chế tạo các loại phụ tùng, thiết bị cung cấp cho các công trình xây dựng nhà máy thủy điện và nhà máy nhiệt điện. Ðầu tư trang bị đồng bộ dây chuyền công nghệ lốc cuốn và hàn tự động ống chịu áp lực cao công suất 20.000 tấn ống/năm; trang bị dây chuyền công nghệ tự động nắn và hàn dầm... Không chỉ tham gia chương trình nội địa hóa các phụ tùng, thiết bị Nhà máy nhiệt điện, thay thế thiết bị nhập khẩu, PEC còn là doanh nghiệp cơ khí đầu tiên tự thiết kế dây chuyền công nghệ, sản xuất hoàn chỉnh và đồng bộ cột thép mạ kẽm nhúng nóng cung cấp cho các đường dây truyền tải điện cao thế 110 kV - 220 kV - 500 kV, với chất lượng tương đương nhưng giá cả cạnh tranh. Công ty cũng tham gia sản xuất thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy Thủy điện: Bản Vẽ, Rào Quán, Huội Quảng, Thủy điện An Khê - Kanăc, Sông Tranh II... Trong đó đã liên danh với Công ty Cơ điện miền Trung sản xuất gần 10.000 tấn ống áp lực đường kính 10,5 m cung cấp cho lắp đặt hệ thống ống dẫn dòng tại công trình Thủy điện Sơn La.
Ưu điểm nổi bật của các sản phẩm mang thương hiệu PEC là tất cả đều được chế tạo bằng các loại vật tư chuẩn trên dây chuyền công nghệ tiên tiến và hiện đại, giá thành xuất xưởng có tính cạnh tranh cao tại thị trường trong nước và quốc tế, từng bước giảm giá thành hàng nhập ngoại. Hiện nay, các sản phẩm truyền thống như cột mạ kẽm nhúng nóng, phụ kiện đường dây, các mặt hàng tấm sàn, ống thép và kết cấu cầu đường được thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng. Công ty cũng đang thực hiện hợp đồng xuất khẩu phụ kiện đường dây sang Thụy Sỹ, đồng thời tích cực triển khai liên danh với một số đối tác trong và ngoài nước (Trung Quốc, Lào,...) để tham dự thầu các dự án chế tạo đường dây tải điện cao thế, cung cấp thiết bị và xây lắp các công trình thủy điện tại Lào và Cam-pu-chia.
Một bước tiến dài của ngành cơ khí điện lực là chế tạo thành công máy biến áp 500 kV. Năm 1994, Nhà máy Thiết bị điện Ðông Anh (nay là Công ty cổ phần Thiết bị điện Ðông Anh - EEMC) đã tự nghiên cứu chế tạo thành công máy biến áp 110 kV ngay sau khi đường dây 500 kV mạch 1 Bắc - Nam được đưa vào vận hành, chủ nhiệm đề tài là nữ kỹ sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt. Với ưu thế nổi trội về mẫu mã, hình thức, chất lượng và đặc biệt là giá thành, việc sản xuất thành công MBA 110 kV đã tạo ra sức cạnh tranh giữa sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu. Năm 2003, công ty đã tự thiết kế, chế tạo thành công MBA 125MVA-220 kV, đưa vào vận hành an toàn tại trạm biến áp 220 kV Sóc Sơn (Hà Nội). Ðây là một trong những thành tựu mang ý nghĩa to lớn đối với ngành công nghiệp, từ đây, Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu máy biến áp 220 kV khi thi công các dự án lưới điện truyền tải, tiết kiệm hàng tỷ đồng do giá thành sản phẩm thấp. Ðến nay, EEMC đã chế tạo thành công hàng trăm máy biến áp từ 110 kV - 220 kV, trong đó có nhiều máy biến áp 220 kV và máy biến áp từ hạ thế đến 35 kV theo đơn đặt hàng của các công ty điện lực trong cả nước.
Với việc nghiên cứu, thiết kế chế tạo thành công MBA 110 - 220 kV trong nước, EEMC đã góp phần chủ động trong xây dựng cơ bản, phát triển lưới điện, mở ra hướng sản xuất nhiều sản phẩm mới, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Các loại máy biến áp 110 kV và 220 kV do EEMC sản xuất luôn có giá thành và chi phí thấp, chất lượng tương đương máy nhập khẩu từ 15-20%, góp phần tiết kiệm cho ngân sách và giảm nhập siêu. Với năng lực sản xuất hiện nay, mỗi năm EEMC có khả năng cung ứng 40 - 50 MBA điện lực 110-220 kV dung lượng lớn và hơn 2.500 MBA phân phối các loại đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm vận hành tốt, chịu quá tải cao, độ bền và độ tin cậy cao.
Sau khi được giao nhiệm vụ sửa chữa thành công ba máy biến áp 500 kV - 72 MVA của Nhà máy Thủy điện Ya Ly, EEMC tiếp tục được EVN giao sửa chữa lớn các máy biến áp 500 kV cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; trạm biến áp 500 kV Ðà Nẵng và nhiều máy biến áp truyền tải các trạm biến áp 110 kV, 220 kV của hệ thống điện quốc gia. Năm 2008, EEMC nghiên cứu, thiết kế thành công tổ hợp máy biến áp 1 pha 150 MVA-500/225/35 kV. Dự kiến, đến năm 2010, EEMC sẽ đưa vào hoạt động MBA 500 kV đầu tiên của Việt Nam, khẳng định bước đột phá của ngành điện, góp phần thực hiện chương trình chống quá tải hệ thống, hạ giá thành thiết bị điện, giảm nhập siêu. Theo quy hoạch phát triển lưới điện giai đoạn VI, đến năm 2020 cần phải đầu tư xây dựng 93 trạm biến áp cấp 500 kV. Việc chủ động nghiên cứu, chế tạo hệ thống MBA từ 110 kV-220 kV-500 kV sẽ đáp ứng được nhu cầu, tạo thế chủ động về MBA cho điện lực Việt Nam.
Ðể thật sự làm chủ thị trường trong nước, phấn đấu vươn ra thị trường thế giới, ngành cơ khí điện lực vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, điều kiện quan trọng là các doanh nghiệp cơ khí điện lực thuộc EVN phải tự nâng cao nội lực, chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp hóa, tăng cường hỗ trợ lẫn nhau để tạo năng lực tổng hợp và tiết kiệm đầu tư. Phấn đấu đến năm 2020, ngành cơ khí điện lực Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến về công nghiệp thiết bị điện và vật liệu điện, sản phẩm có giá cạnh tranh cùng các dịch vụ kỹ thuật tương đương khu vực ASEAN.