Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh: Mở những trang sử mới của ngành cơ khí điện lực

Công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh tiền thân là Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh được thành lập ngày 26/3/1971. Gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty đã tham gia sửa chữa và chế tạo nhiều thiết bị điện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển hệ thống điện Việt Nam. Đặc biệt, Công ty đã thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 110 kV, 220 kV đầu tiên của Việt Nam và tới đây sẽ là máy biến áp 500 kV.

Vượt qua bom đạn, hiểm nguy

Ngay từ khi mới thành lập, theo thiết kế, Nhà máy chỉ được giao nhiệm vụ sửa chữa, đại tu lò, tuabin cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, sửa chữa các máy biến áp công suất đến 560 kVA. Nhưng thực tế không chỉ có vậy, Nhà máy đã tham gia khôi phục các nhà máy điện, tuabin, lò hơi, trạm biến áp 110 kV… trong hệ thống điện miền Bắc. Đồng thời, sửa chữa, khôi phục hàng ngàn máy biến áp phân phối, máy biến áp trung gian, động cơ máy phát cho các ngành kinh tế khác.

Giai đoạn từ năm 1971 đến 1972, miền Bắc liên tục bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Các nhà máy điện như: Vinh, Yên Phụ, Thác Bà, Ninh Bình... và Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện đều là mục tiêu phá hoại của kẻẻ thù. Để đảm bảo an toàn, Nhà máy đã triển khai kế hoạch sơ tán con người và thiết bị máy móc đến xã Thụy Lâm (Đông Anh - Hà Nội) và Văn Lâm (Hưng Yên). Ngoài công việc tại Nhà máy, các kỹ sư, công nhân thường xuyên phải đối mặt với bom đạn, vượt qua không ít hiểm nguy để đến các nhà máy, trạm điện để sửa chữa theo nhiệm vụ chính trị được giao với thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, nhiệm vụ sửa chữa các nhà máy phát điện, các trạm biến áp cung cấp điện phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu.

Chung số phận với những khu vực nội thành Hà Nội bị tàn phá trong 12 ngày đêm lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, khu vực quanh Nhà máy tại xã Uy Nỗ, Nguyên Khê, Thụy Lâm cũng bị trên 5.000 quả bom B52 cày nát. Song, không nản lòng trước những mất mát, đau thương, Lãnh đạo Nhà máy đã kịp thời có biện pháp khắc phục khó khăn, ổn định đời sống cho CBCNV, khôi phục sản xuất. Chỉ trong vòng gần 6 tháng, với tinh thần cách mạng, thực hành tiết kiệm, toàn bộ nhà xưởng, nhà ở, nhà làm việc của đơn vị đã được khôi phục, làm mới, vượt trước dự kiến.

 
Ảnh do đơn vị cung cấp

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với sự đổi mới của đất nước, Nhà máy đã từng bước chuyển hướng sản xuất kinh doanh. Vừa sửa chữa, cải tạo, khôi phục các thiết bị điện, đồng thời chủ động việc thiết kế chế tạo các sản phẩm cho ngành Điện như máy biến áp phân phối, trung gian, cáp nhôm trần tải điện với nhiều cỡ loại tiết diện khác nhau, các loại tủ bảng điện…

Trong giai đoạn ngành Điện đang gặp khó khăn về việc cung cấp cột thép phục vụ cho xây dựng đường dây 500 kV mạch 1, Công ty đã mạnh dạn nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều chi tiết cột, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu tiết kiệm chi phí và thời gian của các đơn vị thi công, xây lắp đường dây 500 kV, do không phải nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, Công ty vẫn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của khách hàng về công tác sửa chữa thiết bị điện như: Sửa chữa, khôi phục 6 tổ máy biến áp 1 pha 72 MVA - 500 kV (Thủy điện Ialy), 2 máy 3 pha 125 MVA-220 kV (Trạm biến áp 220 kV Huế), 2 máy biến áp 250 MVA- 220 kV (Trạm 500 kV Phú Lâm), máy biến áp 1 pha thuộc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Trạm 500 kV PleiKu, Đà Nẵng…

Bên cạnh đó, hằng năm, Công ty thường xuyên chế tạo mới và sửa chữa, đại tu các máy biến áp 110 kV, 220 kV, 500 kV cho các đơn vị trong và ngoài ngành Điện, đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật và tiến độ. Đặc biệt là sản phẩm của Công ty luôn có giá thấp hơn từ 10- 15% so với giá thị trường. Trong suốt thời gian này, với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình sửa chữa, đại tu thiết bị điện, Ban lãnh đạo Công ty luôn nung nấu và từng bước đưa ý tưởng nghiên cứu thiết kế chế tạo máy biến áp điện lực “made in Việt Nam” với cấp điện áp cao nhất (500 kV) thành hiện thực.

Từ ý tưởng đến hiện thực

Ông Phạm Ngọc Cõi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, cho biết: Bắt đầu từ năm 1986, Công ty đã mạnh dạn thực hiện đầu tư thiết bị và thiết kế, sản xuất hàng loạt các loại máy biến áp từ 35 kV trở xuống với số lượng 1.500 máy/năm. Bên cạnh đó là dây chuyền sản xuất cáp nhôm, cáp thép loại A và AC, tiết diện 700 mm2, công suất trên 2.500 tấn/năm. Năm 1993, Công ty đã chế tạo thành công máy biến áp điện lực 110 kV-25 MVA mang thương hiệu EEMC đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ tính riêng về mặt kinh tế, máy được sản xuất trong nước với giá thành thấp hơn giá nhập khẩu các loại máy cùng loại từ 1-1,2 tỷ đồng/máy mà trước đây phải nhập ngoại hoàn toàn. Tiếp sau đó là hàng trăm máy biến áp 110 kV với dung lượng từ 25 MVA đến 63 MVA lần lượt được xuất xưởng với chất lượng tốt, được lắp đặt và vận hành an toàn trên mọi miền đất nước.

Thành công trong thiết kế, chế tạo máy biến áp 110 kV đã đánh dấu bước phát triển mới của Công ty, khích lệ CBCNV tích cực thi đua sản xuất, nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học về chế tạo thiết bị điện, trong đó có đề tài chế tạo máy biến áp 220 kV-125 MVA - công trình nghiên cứu lớn bậc nhất trong lĩnh vực cơ khí điện lực nước ta tại thời điểm đó. Trọng trách thiết kế máy biến áp 220 kV đã được giao cho một nhóm kỹ sư có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm. Trong đó, kỹ sư Nguyễn Đình Đoàn thiết kế chính phần cơ, còn trách nhiệm thiết kế chính phần điện thuộc về nữ kỹ sư tài năng Nguyễn Thị Nguyệt.

Khi công việc chế tạo máy biến áp được bắt đầu, các chi tiết, bộ phận của máy biến áp luôn được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ trong quá trình sản xuất và kết thúc chuyển giai đoạn theo tiêu chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 - 2000. Các cán bộ, kỹ sư của Công ty và trực tiếp công nhân viên tham gia chế tạo máy biến áp 220 kV phải làm thêm ca, thêm giờ, cống hiến tất cả trí tuệ, sức lực với tất cả tinh thần nỗ lực vượt bậc, coi chất lượng sản phẩm là mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Chiếc máy biến áp 220 kV - 125 MVA được chế tạo thành công đầu tiên tại Việt Nam, lắp đặt tại Trạm biến áp 220 kV Sóc Sơn, chính thức đóng điện vận hành vào ngày 30/12/2003 trong niềm vui, tự hào to lớn của ngành Điện Việt Nam và sự ngỡ ngàng của nhiều chuyên gia trên thế giới. Sự kiện này đã đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khẳng định nội lực, nâng cao uy tín của ngành Cơ khí điện lực Việt Nam, giảm nhập ngoại, tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động và đáp ứng sớm thời gian cho các công trình cung cấp điện cho ngành Điện và giá cả thấp hơn so với giá nhập ngoại.

Hiện nay, Công ty đang tập trung cao độ trong việc nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật, xây dựng quy trình công nghệ, mở rộng nhà xưởng để thực hiện chế tạo máy biến áp 500 kV-3 x 150 MVA đầu tiên, dự kiến sẽ xuất xưởng vào quý III năm 2010 để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Như vậy, thêm một lần nữa, sản phẩm mang thương hiệu EEMC sẽ tiếp tục mở ra một trang mới của ngành Cơ khí Điện lực Việt Nam, góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về thực hiện CNH-HĐH đất nước trong giai đoạn mới với nền kính tế hội nhập quốc tế.

Tính đến thời điểm này, Công ty đã chế tạo và đưa vào vận hành được 6 máy biến áp 220 kV (trong đó 5 máy có công suất 125 MVA), trên 200 máy biến áp (MBA) 110 kV có công suất từ 16 ÷ 63.000 KVA, hàng ngàn MBA phân phối và cầu dao 110 ÷ 220 kV, cùng với các tủ điện động lực, tủ điện điều khiển... với chất lượng tốt, được khách hàng sử dụng và đánh giá cao.

Thành tích, danh hiệu tiêu biểu:

* Tập thế:
- Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2007), hạng Nhì (năm 1985), hạng Ba (năm 1981);
- Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1996)
- Huy chương Vàng cho máy biến áp 110 kV, 220 kV;
- Nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN...

* Cá nhân

- KS Nguyễn Thị Nguyệt được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2006);
- Kỹ sư Phạm Ngọc Cõi – Chủ tịch HĐQT Công ty được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2007);

Các dấu mốc quan trọng:

- Ngày 26/3/1971, Nhà máy sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh được thành lập- Ngày 5/12/1981, theo Quyết định số 056 NL-TCCB của Bộ Năng lượng, Nhà máy được đổi tên thành Công ty Sản xuất Thiết bị điện.
- Ngày 22/11/2004, theo Quyết định số 140/QĐ-BCN, Công ty được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh.

 


  • 16/08/2010 01:25
  • Kỷ yếu Điện lực Việt Nam năm 2009
  • 11237