Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam: Đòi hỏi và thách thức

Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ và hoàn thiện là định hướng chiến lược quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay. Đây vừa là yêu cầu cấp bách của thực tiễn, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với ngành năng lượng - Đó là khẳng định của ông Phạm Xuân Dương - Phó ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, tại Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam".

Hội thảo vừa diễn ra sáng nay - 28/3/2014, tại Hà Nội. 

Đây là Hội thảo khoa học Quốc tế. Cơ quan chỉ đạo thực hiện là Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện. Các lãnh đạo đầu ngành năng lượng Việt Nam, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội nghị  - Ảnh: V.Long

Trong bối cảnh an ninh năng lượng đang là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới, vấn đề quy hoạch, phát triển tổng thể và có chiều sâu chiến lược cho ngành năng lượng nói chung, các lĩnh vực năng lượng mũi nhọn nói riêng là đòi hỏi tất yếu. Đối với Việt Nam, một quốc gia có mức độ tiêu thụ năng lượng lớn, tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng cao, thì phát triển ngành năng lượng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Phạm Xuân Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Xây dựng và phát triển thị trường năng lượng Việt Nam nói chung là quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ hiện nay. Trách nhiệm triển khai thực hiện thuộc về các Bộ ban ngành, mà trong đó Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực và các tập đoàn Than và Khoáng sản, Dầu khí, Điện lực Việt Nam có vai trò chủ đạo, đầu tầu.

                                 

Ông Phạm Xuân Dương - Phó ban thường trực Ban Kinh tế TW khẳng định: Phát triển thị trường năng lượng là định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ Việt Nam - Ảnh: V.Long

Hiện nay đa số các ngành trong nền kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ngành năng lượng do đặc thù, nên vẫn đang thuộc sự quản lý của ba Tập đoàn kinh tế Nhà nước: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than và Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Định hướng xây dựng thị trường năng lượng của nước ta đã được đưa ra cách đây gần 10 năm, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, hiện vẫn là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn vận dụng kinh nghiệm của các nước trên thế giới. 

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - ông Trần Viết Ngãi chỉ rõ: Hầu như hiện nay, nước ta mới chỉ có yếu tố thị trường ở lĩnh vực năng lượng điện, mà cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu (thị trường phát điện cạnh tranh). Còn lại, lĩnh vực năng lượng dầu khí, than, khoáng sản hầu như vẫn đang loay hoay định hướng, xây dựng chiến lược... "Để đảm bảo phát triển bền vững, Ngành năng lượng cần thiết phải nghiên cứu xây dựng các mô hình thị trường, chính sách giá cả và cơ chế quản lý của Nhà nước phù hợp với từng loại sản phẩm năng lượng ở các giai đoạn khác nhau" - ông Ngãi nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, phát triển thị trường năng lượng như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, minh bạch và cạnh tranh, là những câu hỏi lớn mà "không riêng một Bộ, Ban, Ngành nào có thể tự tìm đáp án được" - ông Ngãi khẳng định. Từ đó, một chính sách phát triển thị trường vĩ mô, có tính đến các đặc thù của từng lĩnh vực nhưng đảm bảo yếu tố đồng bộ là vấn đề đặt ra cấp bách. 

Các tham luận của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia  Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cũng hầu hết đồng thuận với quan điểm cần xây dựng và thúc đẩy sự phát triển thị trường năng lượng toàn diện trong tương lai gần.

Đối với lĩnh vực năng lượng điện, hiện thị trường điện đã và đang đi những bước khá vững chắc, với những tín hiệu tích cực từ thị trường phát điện cạnh tranh. "Tuy nhiên, nếu chỉ có thị trường điện mà không có thị trường than, khí... thì rất khó để thúc đẩy thị trường phát triển đúng nghĩa, nhất là vấn đề đảm bảo yếu tố cạnh tranh, minh bạch"  - Phó Tổng giám đốc EVN, ông Dương Quang Thành, nêu quan điểm. Theo ông Thành, yêu cầu về xây dựng và phát triển thị trường năng lượng thứ cấp cũng là một trong những yêu cầu cấp bách của thực tiễn. 

Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nếu không nhanh chóng phát triển thị trường năng lượng, Việt Nam sẽ đối diện với rất nhiều nguy cơ, trong đó căn bản nhất là nguy cơ tụt hậu do không đảm bảo được an ninh năng lượng. "An ninh năng lượng đang và sẽ là "cuộc chơi" khốc liệt của hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Nếu chúng ta không xây dựng được một thị trường năng lượng đúng nghĩa, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ lệ thuộc, bị thao túng... như một số quốc gia đang gặp phải" - ông Thành khẳng định. 

Nhiều ý kiến của các chuyên gia quốc tế cũng đồng tình với quan điểm này. Theo đó, thị trường năng lượng cần được tính đến cả yếu tố khu vực và toàn cầu, trong tương quan so sánh với các nước... chứ không thể là vấn đề độc lập của Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào. Các bài học, kinh nghiệm quốc tế là vấn đề mà Việt Nam cần nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng, phát triển thị trường năng lượng. 

Đây có thể được xem là Hội thảo quy mô đầu tiên bàn về vấn đề thị trường năng lượng Việt Nam. Tuy nhiên, để cụ thể và chuyên sâu hơn, theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Thảo - trợ lý Chủ tịch nước (Văn phòng Chủ tịch nước) cần có tiếp theo các hội thảo chuyên biệt về thị trường năng lượng điện, dầu, than khoáng sản... Ông Thảo cũng khẳng định, để xây dựng được thị trường năng lượng tại nước ta, cần có những đột phá đủ mạnh để tháo gỡ các "điểm nghẽn" hiện nay về quy hoạch, giá cả, cơ chế. 

Tổng kết Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam  - ông Trần Viết Ngãi đã nêu một số kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đề xuất Bộ Chính trị sớm cho sơ kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị về "Định hướng chiến lược ngành năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2050". 

 

 


  • 28/03/2014 12:42
  • Vĩnh Long
  • 2965


Gửi nhận xét