Cụ thể, tại cuộc họp Tổng kết công tác vận hành TTĐ vào tháng 2/2014 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN và các đơn vị liên quan nhanh chóng đẩy nhanh việc triển khai thị trường điện theo Quyết định 63 (Quyết định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành Điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, ngày 08/11/2013 - QĐ/TTg) của Chính phủ, chuẩn bị sẵn sàng thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh thành công vào năm 2015.
Vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh là nhiệm vụ đang được EVN chuẩn bị sẵn sàng - Ảnh minh họa
|
Theo đó, nhiệm vụ của EVN trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh được quy định gồm: Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTĐ bán buôn; Đào tạo các đơn vị thuộc EVN tham gia TTĐ; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí và đào tạo cho việc hình thành các đơn vị mới tách ra độc lập.
Để hoàn thành các nhiệm vụ này, theo ông Trần Đăng Khoa, có rất nhiều vấn đề liên quan mà EVN cần có thời gian nghiên cứu, tính toán kỹ, nhằm đảm bảo tính khả thi nhất khi triển khai. Do đặc thù thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại nước ta là hoàn toàn mới, không chỉ đổi với EVN mà cả với các đơn vị liên quan, nên việc tham khảo các nước phát triển đã áp dụng thành công TTĐ là rất cần thiết. Trong rất nhiều yếu tố cần có trên TTĐ, theo ông Khoa, thì việc tạo ra các tín hiệu đủ hấp dẫn từ thị trường điện để thu hút đầu tư mới là đặc biệt quan trọng, tạo yếu tố kích thích cần thiết cho thị trường vận hành "cạnh tranh" đúng nghĩa.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giá TTĐ ngắn hạn là tín hiệu quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển nhu cầu sử dụng điện. Cụ thể, thị trường cần đưa ra tín hiệu để thu hút đầu tư nguồn điện cũng như đưa ra tín hiệu hạn chế phát triển phụ tải tại những khu vực có giá thị trường điện cao hoặc khu vực có nghẽn mạch về lưới điện (congestion) và ngược lại. "Vì vậy, cần nghiên cứu cơ chế giá điện theo vùng (zonal price) và tiến tới giá nút (node price) có thể là cần thiết" - ông Khoa nêu quan điểm.
Về vấn đề này, tại một số hội thảo do EVN và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội trong năm 2013, các chuyên gia cao cấp đến từ WB cũng đã nhận định: Để thị trường điện có thể được triển khai hiệu quả tại Việt Nam, cần tạo ra các yếu tố hấp dẫn đầu tư cần thiết. Trong đó, một số yếu tố được xem là "hấp dẫn" đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài như: Môi trường đầu tư cạnh tranh, nền tảng và cơ sở pháp lý hoàn thiện, và nhất là giá điện sẽ được quyết định bởi thị trường - đảm bảo đầu tư có lãi.
Hiện tại, EVN đã chủ động nghiên cứu mô hình TTĐ bán buôn, kinh nghiệm vận hành thị trường điện bán buôn tại một số nước trên thế giới để góp ý với Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) về mô hình TTĐ bán buôn tại Việt Nam. Theo ông Khoa, mặc dù vận hành TTĐ bán buôn là một nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng EVN và các đơn vị trực thuộc đang nỗ lực để có thể đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.