Phát triển thị trường điện: Cơ hội trong thử thách

Năm 2013 đã ghi nhận sự thành công bước đầu của thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM), tạo động lực cho sự hình thành và phát triển thị trường điện hoàn chỉnh tại Việt Nam sau năm 2020.

Đầu đã xuôi…

Lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam được xác định gồm 5 cấp độ, trong đó, cấp độ 1 là VCGM đã chính thức khởi động từ ngày 1/7/2012. Đến nay, sau hơn 1 năm vận hành, VCGM đã có được những thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Với 37 đơn vị tham  gia chào giá bán trực tiếp, chiếm khoảng 38% trong tổng số các nhà máy phát điện cả nước, “sân chơi” VCGM đã thực sự sôi động, thực sự cạnh tranh. Các đơn vị tham gia chào giá bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, tìm kiếm cơ hội gia tăng lợi nhuận cho mình thông qua các chiến lược chào giá hợp lý. Và quan trọng hơn, hệ thống điện được vận hành an toàn với nguồn cung ổn định, tạo điều kiện tốt cho việc cấp điện liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân cả nước.

Tại cuộc họp tổng kết 1 năm chính thức vận hành VCGM, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao những thành công bước đầu quan trọng này. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tiếp tục phát huy thành quả đạt được, đồng thời tiếp tục nghiên cứu các điều kiện cần thiết, khẩn trương triển khai thị trường điện theo đúng lộ trình.

Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hơn 1 năm qua, VCGM đã vận hành hiệu quả, tạo động lực quan trọng cho thị trường điện nước ta từng bước được hình thành và đi đúng hướng.

Đây là kết quả của sự phối hợp đồng bộ từ Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực, EVN cũng như các đơn vị liên quan. Đặc biệt, EVN – với vai trò là đơn vị xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, vận hành thị trường… đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Các nhà máy điện thuộc EVN quản lý cũng là những đơn vị tiên phong tham gia trực tiếp, tích cực vào thị trường, tạo yếu tố cần và đủ để VCGM vận hành hiệu quả.

Có thể nói, giai đoạn “khởi đầu nan” đã trôi qua một cách an toàn. Thị trường điện Việt Nam đã khởi động thuận lợi. Các đơn vị tham gia trực tiếp trên thị trường liên tục gia tăng. Nhiều đơn vị tiêu biểu như: Nhiệt điện Nhơn Trạch 1, 2, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận - Đa Mi (DHD), Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Phả Lại… đã tăng thêm được lợi nhuận thông qua việc tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường. Đây là “đòn bẩy” cần thiết, thúc đẩy thị trường điện phát triển ngày càng sôi động và hoàn thiện hơn trong các giai đoạn tiếp theo…

Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 1 - Một trong những đơn vị tham gia thị trường điện sớm nhất

Thời cơ và thách thức…

Những thành quả bước đầu của VCGM là một trong những cơ sở để Chính phủ quyết định đẩy nhanh lộ trình triển khai thị trường điện nước ta. Ngày 08/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành Điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, thay thế cho Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006. Theo đó, cấp độ 2 của thị trường điện là thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh, sẽ được đẩy lên sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, năm 2015, 2016 sẽ triển khai thí điểm, chuẩn bị để năm 2017 đưa vào vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo phân tích của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, mặc dù thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành thuận lợi, nhưng chuyển nhanh sang thị trường bán buôn cạnh tranh vẫn không hề dễ dàng. Thứ nhất, đây là một mô hình hoàn toàn mới ở nước ta. Thứ 2, trong bối cảnh ngành Điện nói chung, EVN nói riêng vẫn còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn như hiện nay, việc chuẩn bị các yếu tố cần và đủ cho thị trường điện sẽ là một thách thức lớn. Ông Ngãi cũng tin tưởng rằng, EVN sẽ phát huy được những thành công trên VCGM và tiếp tục nỗ lực triển khai thí điểm thành công thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Nhận định về thị trường điện Việt Nam nói chung, những thách thức đối với EVN nói riêng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Bùi Văn Thạch cũng chia sẻ: Chỉ có việc triển khai thị trường điện một cách “sòng phẳng” thì ngành Điện nói chung, EVN nói riêng mới có cơ hội thu hút đầu tư, đảm bảo sản xuất – kinh doanh hiệu quả một cách bền vững. Như vậy, triển khai sớm thị trường điện cũng là một cách giúp EVN và các đơn vị tìm kiếm được cơ hội phát triển cho chính mình – dù là những cơ hội trong thử thách…

Còn theo quan điểm của Phó Tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành, khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống quy tắc, quy định cho thị trường, chất lượng nguồn nhân lực… sẽ là những vấn đề mà EVN phải đối mặt khi triển khai thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đặc biệt, trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các đơn vị phân phối (đối với EVN là các tổng công ty phân phối điện) sẽ trực tiếp mua buôn, thay vì thông qua 1 đơn vị mua buôn duy nhất (hiện nay là công ty Mua bán điện). Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn đối với các tổng công ty phân phối điện, bởi các đơn vị này xưa nay vốn chỉ quen bán lẻ. “Bên cạnh đó, các đơn vị phân phối điện ngoài EVN hoàn toàn có thể tham gia mua buôn – bán buôn cạnh tranh trên thị trường này, trực tiếp cạnh tranh với các đơn vị thuộc EVN, nếu họ đủ năng lực” – Ông Dương Quang Thành nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ông Thành khẳng định, EVN đang và sẽ nghiên cứu, sớm đưa ra kế hoạch triển khai trong năm 2014, ngay sau khi có chỉ đạo cụ thể của Bộ Công Thương, đảm bảo đến 2015, việc thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ diễn ra thuận lợi. 

Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam (VCGM):

- Chính thức vận hành từ ngày 1/7/2012

- Hiện có 37 nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường, chiếm gần 38% tổng số các nhà máy điện trong hệ thống

Lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam:

(Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam thay thế cho Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006)

-Từ nay đến hết 2014: Tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh.

- Từ năm 2015 đến năm 2016: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm.

- Từ năm 2017 đến năm 2021: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

- Từ năm 2021 đến năm 2023: Thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh thí điểm.

- Từ năm sau năm 2023: Thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn chỉnh.

 


  • 06/02/2014 07:00
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 6611


Gửi nhận xét