Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Trong 2 ngày 24 - 25/3, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2014 đã diễn ra tại La Hay, Hà Lan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam gồm đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học & Công nghệ đã tham dự hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2014 được tổ chức tại La Hay, Hà Lan - Ảnh: nss2014

Đây là Hội nghị thứ 3, sau 2 hội nghị năm 2012 và 2010. Hội nghị có sự tham gia của 58 quốc gia, trong đó có 5 tổ chức quốc tế đóng vai trò quan sát viên, với khoảng 5.000 đại biểu, trong đó có khoảng 40 nhà lãnh đạo cấp cao là nguyên thủ của các cường quốc về hạt nhân trên thế giới. Sáu quốc gia mới nhất tham dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2014 gồm Azerbaijan, Đan Mạch, Gabon, Hungary, Lithuania, và Romania.

Hội nghị tổ chức 3 phiên toàn thể và 2 phiên thảo luận chuyên đề. Các chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2014 gồm: Giảm thiểu hơn nữa các vật liệu hạt nhân có thể được sử dụng để chế tạo thiết bị nổ hạt nhân bằng cách bảo đảm cân bằng cung cầu, chuyển hóa, chuyển trả lại nước chế tạo…; Mối quan hệ, trách nhiệm của Chính phủ, giới công nghiệp và cơ quan pháp quy hạt nhân trong việc bảo đảm thực thi các biện pháp an ninh hạt nhân hiệu quả; Tăng cường thể chế an ninh hạt nhân quốc tế được thiết lập bởi các quốc gia, có các cam kết về luật pháp và tổ chức tương tự như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), xây dựng các hướng dẫn và các kinh nghiệm thực tiễn tốt để hướng dẫn các nước, thực hiện các hoạt động R&D, huấn luyện và đào tạo cán bộ… 

Trên cơ sở đánh giá lại các mục tiêu chưa đạt được từ sau 2 Hội nghị Thượng đỉnh trước đó, các thành viên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2014 sẽ đề xuất hướng đi mới, trong đó đặc biệt lưu ý sáng kiến về tăng cường thực hiện an ninh hạt nhân.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá chuẩn bị xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận với tổng công suất 4.000 MW. Vì vậy, bảo đảm an toàn và an ninh là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý dựa theo các hướng dẫn của IAEA và các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của quốc tế, xây dựng và tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho công tác an ninh hạt nhân và xây dựng văn hóa an ninh ở các cơ quan có liên quan.

So với an toàn hạt nhân, vấn đề an ninh hạt nhân mới được quốc tế quan tâm gần đây. Vì vậy, Việt Nam cũng đang ở trong quá trình xây dựng và hoàn thiện năng lực bảo đảm an ninh hạt nhân và đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ rất hiệu quả của IAEA và các nước phát triển đi trước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc.

Tham gia Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần này, Việt Nam sẽ cùng với một số nước dự kiến đề xuất 6 sáng kiến, cụ thể là: Cách tiếp cận toàn diện về an ninh hạt nhân; Loại bỏ uran có độ làm giàu cao (HEU); Lập các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân; Tăng cường việc thực thi an ninh hạt nhân; An ninh các nguồn phóng xạ; Tăng cường an ninh hệ thống cung ứng đường biển.

Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm thực hiện thành công Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

 


  • 26/03/2014 09:41
  • Trang Phan (tổng hợp)
  • 3367


Gửi nhận xét