Phê duyệt đề án Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam: Phù hợp với trào lưu phát triển của thế giới

Theo Quyết định số 1670/QĐ – TTg ngày 8/11/2012 của thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012 đến năm 2020, hệ thống lưới điện Việt Nam đặt mục tiêu phát triển lưới điện thông minh (Smart Grid). Giải pháp Lưới điện thông minh là xu thế phát triển chung của thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tự động hóa hệ thống điện

Theo Quyết định 1670/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phát triển Lưới điện thông minh tại Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và góp phần bảo vệ môi trường, phát triết kinh tế, xã hội bền vững.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và tăng cường hệ thống giám sát, điều khiển tự động cho hệ thống điện, hệ thống đo đếm từ xa. Đồng thời, nâng cao khả năng dự báo nhu cầu phụ tải điện và lập kế hoạch cung cấp điện; hạn chế việc tiết giảm điện do thiếu nguồn thông qua cơ chế dịch chuyển phụ tải đỉnh trong giờ cao điểm hoặc trường hợp khẩn cấp.

Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện: Chỉ số tần suất mất điện trung bình của hệ thống giảm 10%. Trang bị các trang thiết bị tự động hóa và điều khiển để tăng năng suất lao động, giảm số người trực tại các trạm biến áp 110 kV còn từ 3-5 người/trạm…

Thực hiện các giải pháp kỹ thuật: Biện pháp quản lý nhằm mục tiêu giảm tổn thất điện năng trong hệ thống truyền tải và phân phối điện từ 9,23% năm 2011 xuống còn 8% vào năm 2015. Đặc biệt, Lưới điện thông minh sẽ tạo điều kiện cho khách hàng được chủ động biết và quản lý các thông tin chi tiết về sử dụng điện, chi phí mua điện.

3 giai đoạn phát triển Lưới điện thông minh

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đề án vạch ra lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ năm 2012-2016): Triển khai chương trình tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện, trong đó sẽ triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao độ tin cậy, tối ưu hóa vận hành lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối, giảm tổn thất điện năng. Tăng cường hệ thống ghi sự cố, hệ thống phát điện và chống sự cố mất điện diện rộng, nhằm đảm bảo truyền tải an toàn trên hệ thống điện 500 kV. Trong giai đoạn này cũng sẽ triển khai một số chương trình thử nghiệm và nghiên cứu, ban hành các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cho Lưới điện thông minh...

Giai đoạn 2 (từ năm 2017-2022): Sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện, tập trung vào lưới điện phân phối; trang bị kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông cho lưới điện phân phối. Đồng thời, triển khai các ứng dụng của Lưới điện thông minh; xây dựng các quy định kỹ thuật, chương trình truyền thông cho cộng đồng.

Giai đoạn 3 (sau năm 2022): Tiếp tục chương trình trang bị kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông cho lưới phân phối, trong đó sẽ triển khai tiếp các công cụ tối ưu vận hành từ lưới điện truyền tải sang lưới điện phân phối; tiếp tục khuyến khích việc phát triển các nhà máy điện phân tán...

Để thực hiện thành công đề án phát triển Lưới điện thông minh Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là đầu mối và chủ trì thực hiện. Theo đó, sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển Lưới điện thông minh tại Việt Nam do một lãnh đạo Bộ Công Thương là Trưởng ban, Cục Điều tiết Điện lực là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện xây dựng và phát triển Lưới điện thông minh tại Việt Nam theo lộ trình đã được phê duyệt.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập kế hoạch cụ thể để thực hiện các chương trình, đề án, thành lập các nhóm công tác cho từng giai đoạn để phát triển Lưới điện thông minh. Bên cạnh đó, EVN đảm bảo tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ quản và lý vận hành hệ thống lưới điện thông minh trong tương lai.

Hệ thống SCADA được lắp đặt và ứng dụng thành công tại công ty điện lực Thừa Thiên Huế   Ảnh: Ngọc Thọ

Một số mục tiêu chính của Đề án Xây dựng kết cấu hạ tầng cho điều khiển tự động hệ thống điện và đo đếm từ xa:

Đến năm 2013: Thiết lập hoàn chỉnh hệ thống thu thập số liệu, giám sát điều khiển SCADA, hệ thống đo đếm từ xa tới toàn bộ các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30 MW, các trạm biến áp từ 110 kV trở lên trong hệ thống điện.

Đến năm 2016: Khai thác được toàn bộ các chức năng của hệ thống quản lý năng lượng (EMS) trong hệ thống SCADA/EMS tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền.

Đến năm 2022: Hệ thống SCADA/DMS cho các tổng công ty điện lực, hệ thống đo đếm từ xa được đầu tư hoàn chỉnh tới tất cả các khách hàng sử dụng điện lớn.

Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia: Việc triển khai lưới điện thông minh trở thành xu thế tất yếu, mang tính toàn cầu. Từ những năm 2000 hệ thống tự động hóa trạm biến áp đã xuất hiện ở Việt Nam. Và trong những năm gần đây EVNNPT tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống tự động hóa trạm biến áp, thử nghiệm hệ thống giám sát diện rộng (WAMS), nghiên cứu đánh giá khả năng mang tải động của máy biến áp, đường dây truyền tải ... Các giải pháp này nằm trong định hướng của EVNNPT về phát triển lưới điện thông minh. Thời gian tới, NPT sẽ tiếp tục đầu tư ứng dụng và phát triển lưới điện thông minh vào việc truyền tải, phân phối và vận hành hệ thống điện. Tiếp tục hướng tới lưới điện truyền tải Việt Nam hiện đại, hiệu quả và hữu ích. Đồng thời, liên kết với lưới điện các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Ông Bartosz Wojszczyk, Giám đốc Điều hành Hội thảo U.S.-ASEAN Smart Grid: Giải pháp Smart Grid hướng tới lộ trình phát trưởng tương lai, đáp ứng các nhu cầu ngày càng bức thiết về việc phân phối điện năng, quản lý và giám sát điện năng tiêu thụ, cũng như mong muốn sử dụng năng lượng hiệu quả trên toàn cầu. Smart Grid áp dụng các tiến bộ công nghệ kỹ thuật số vào lưới điện, cho phép sử dụng 2 đường truyền và điều phối thông tin thời gian thực giữa các nhà máy phát điện/nguồn phân phối và nhu cầu của các thiết bị đầu cuối (phía khách hàng). Nhiều quốc gia đã xác lập mục tiêu xây dựng lưới điện thông minh đáp ứng được nhu phát triển trong thế kỷ thế kỷ 21.

Để có thể triển khai ứng dụng thành công Smart Grid vào thực tiễn, Việt Nam cần thực hiện:

* Xây dựng khung chính sách để thúc đẩy phát triển Smart Grid,

* Xây dựng các mục tiêu và chỉ tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện năng;

* Triển khai từng bước các thành phần của Smart Grid từ nguồn điện, truyền tải, phân phối đến hộ tiêu thụ...

Đặc tính của lưới điện thông minh:

* Khả năng tự động khôi phục cung cấp điện khi có sự cố xảy ra mất điện đối với khách hàng.

* Chống được sự tấn công cố ý đối với hệ thống cả về mặt vật lý và mạng máy tính.

* Trợ giúp sự phát triển các nguồn điện phân tán (phát điện, dự trữ năng lượng, cắt giảm nhu cầu…)

* Trợ giúp sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

* Cung cấp khả năng nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.

* Tối ưu hóa vận hành hệ thống điện để giảm chi phí sản xuất, truyền tải và phân phối kể cả giảm chi phí đầu tư mới và nâng cấp hệ thống điện.

* Công cụ cơ bản của vận hành thị trường điện rộng rãi.

Hội thảo: “Lưới điện thông minh Hoa Kỳ - ASEAN”

Trong 2 ngày (13 và 14/11/2012), tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo về lưới điện thông minh Hoa Kỳ và hiệp hội các nước Đông Nam Á (U.S.-ASEAN Smart Grid Workshop) do Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 lãnh đạo đầu ngành trong lĩnh vực quản lý năng lượng, cùng đại diện các doanh nghiệp cung cấp thiết bị điện của Hoa Kỳ, các nước ASEAN. Hội thảo hướng tới việc giới thiệu về Lưới điện thông minh (Smart Grid), đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực này.

Về phía Việt Nam, có sự tham dự của Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) và các doanh nghiệp thiết bị điện. Đại diện Lãnh đạo EVN có Phó tổng giám đốc Đặng Hoàng An cùng đại diện lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia (A0) và một số ban chuyên môn của Tập đoàn.

 


  • 01/01/2013 10:32
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 8210


Gửi nhận xét