“Kéo” hải đảo về gần đất liền
Là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý (tương đương khoảng 30 km). Người dân nơi đây được sử dụng điện lưới quốc gia từ năm 2014, sau khi Tổng công ty Điện lực miền Trung thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành dự án cấp điện lưới bằng cáp ngầm 22 kV có tổng mức đầu tư trên 678 tỷ đồng.
Trước đó, trên đảo chỉ có các tổ máy phát điện diesel, cung cấp điện 6 giờ/ngày vào ban đêm, chủ yếu phục vụ ánh sáng sinh hoạt. Sau 5 năm, huyện đảo Lý Sơn đã thay đổi toàn diện trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng – ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định.
Một trong những con số thể hiện rõ sự thay đổi này chính là sản lượng điện thương thẩm trên đảo Lớn (gồm 2 xã An Hải, An Vĩnh) mới chỉ khoảng 2,7 triệu kWh (năm 2013), tăng gần 6 lần đến năm 2018 (khoảng 15,6 triệu kWh). Tỷ lệ số hộ dân có điện cũng từ mức 73,11% (năm 2013) lên 100% (năm 2018).
Bên cạnh đó, giá bán điện bình quân tới người dân năm 2018 là 1.824,96 đồng/kWh, trong khi giá điện bình quân năm 2013 - trước khi có điện lưới - là 2.760,7 đồng/kWh.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Việt, từ khi có điện lưới, lĩnh vực du lịch - dịch vụ trên đảo Lý Sơn phát triển rất nhanh. Trước năm 2013, lượng khách tới đảo hàng năm chỉ dưới 10.000 khách thì tới nay, lượng khách đã tăng gấp khoảng 23 lần.
Lý Sơn là một trong số các huyện đảo đã được EVN tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp. Những công trình đưa điện lưới quốc gia đến các huyện đảo, xã đảo, trong đó có Lý Sơn, đã nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, phát triển kinh tế các huyện đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Kéo điện bằng cáp ngầm ra đảo Lý Sơn
|
Vẫn phải bù lỗ lớn
Đến nay, EVN đã tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, bao gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang).
Với nguồn điện ổn định, chất lượng đảm bảo, đời sống của người dân trên các đảo được khởi sắc, không chỉ có nghề đánh bắt hải sản, hậu cần nghề cá, nông nghiệp mà các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, có điều kiện phát triển mạnh mẽ, bộ mặt của các huyện đảo thay đổi đáng kể như Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Cù Lao Chàm đã trở thành các điểm du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh đó, việc các hộ dân được hưởng giá điện như trong đất liền (thấp hơn rất nhiều so với giá điện đã phải trả trước đây do phải sử dụng nguồn phát điện bằng dầu diesel) không chỉ đảm bảo công bằng giữa các hộ dân trên đất liền và hải đảo, mà còn tạo điều kiện cho nhân dân trên các huyện đảo có cơ hội thoát nghèo, từng bước làm giàu và yên tâm bám biển, góp phần giữ vùng biên giới trên biển đảo của Tổ quốc.
Ngoài việc tiếp nhận quản lý, những năm qua, EVN đã thực hiện đầu tư cấp điện lưới Quốc gia bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển để nâng cao năng lực cung cấp điện cho các huyện đảo với tổng giá trị vốn đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng, cấp điện lưới cho hơn 140.000 hộ dân trên các đảo.
Như vây, có thể thấy chi phí đầu tư và vận hành điện tại các huyện đảo không hề nhỏ, tương ứng với chi phí giá thành cung cấp điện đến các huyện đảo để thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Từ khi tiếp nhận bán điện trực tiếp, EVN đã bù lỗ gần 1.500 tỷ đồng cho các huyện đảo, xã đảo sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ có giá thành sản xuất điện cao hơn rất nhiều so với giá bán điện đến các hộ dân.
Dẫu vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ trực tiếp đã và đang đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục 24/24h đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ cho người dân trên các đảo.