Riêng khu vực TP.HCM luôn đối diện với việc quá tải các đường dây 220 kV và giải phóng công suất từ trạm 500 kV.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 2-3 năm tới, tổng công suất các nguồn điện tại miền Nam thấp hơn so nhu cầu phụ tải từ 1.500-2.000 MW, và nếu tình trạng chậm được cải thiện miền Nam có khả năng luôn phải nhận thêm sản lượng từ miền Bắc và miền Trung trong cả năm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp về đảm bảo truyền tải và nguồn điện cho phía Nam, sáng 29/5. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
|
Trong cuộc họp sáng 29/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng qua diễn biến thực tế, đặc biệt là sau sự cố hệ thống truyền tải ngày 22/5, càng cho thấy tính mất cân đối về năng lượng và yêu cầu cấp bách, cần tập trung cho việc cung cấp điện ở phía Nam. Đồng thời, sẽ phải tăng cường quản lý, đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải từ phía Bắc để đảm bảo khả năng truyền tải cao, an toàn cho cung cấp hệ thống điện toàn quốc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu ưu tiên trong đầu tư, nâng cấp hệ thống điện cả dự án nguồn và lưới tại miền Nam trong thời gian tới.
Ban Chỉ đạo Quy hoạch điện VII cần chỉ đạo EVN tăng cường các biện pháp, tập trung ưu tiên đầu tư năng lực truyền tải trên giao diện Bắc-Trung-Nam. Đồng thời, sớm đôn đốc thúc đẩy các dự án nguồn, đặc biệt các các dự án điện than, điện khí đang và sẽ triển khai, vận hành ổn định các tổ máy mới.
Trong các giải pháp, vấn đề thu xếp vốn, sự phối hợp tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án của các Bộ, ngành được đặc biệt nhấn mạnh.
Theo tính toán, nếu các dự án lưới, nguồn thực hiện đúng yêu cầu tiến độ được chỉ đạo, khả năng cung cấp, cân đối điện miền Nam sẽ được cải thiện tốt hơn, đặc biệt, từ năm 2019, miền Nam có thể tự cân đối được sản lượng nội miền khi các tổ máy mới vào vận hành ổn định. Còn trong trường hợp bất kỳ công trình nguồn hoặc đường dây truyền tải nào vào chậm tiến độ cũng đều ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo cấp điện cho miền Nam.