Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo các Bộ, ngành và được trực tuyến tới 10 địa phương duyên hải miền Trung. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
|
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: 9h sáng nay, bão số 13 cách Hoàng Sa 410km, cách đất liền 880km với tốc độ di chuyển 15-20km, cường độ gió cấp 11-12, giật cấp 15. Đến 7 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão ở ngay trên bờ biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Cũng theo ông Khiêm, từ 14-16/11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cột, tháp cao, lưới điện, hồ đập, cây xanh,... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão. Tổ chức vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình; chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo an toàn hạ tầng, đặc biệt là hệ thống điện, thông tin truyền thông, giao thông. Chủ động lực lượng để sau khi bão vào có phương án khôi phục cấp điện, đường, thông tin liên lạc trở lại được nhanh nhất nhằm phục vụ công tác chỉ huy, điều hành khắc phục thiên tai cũng như phục vụ sản xuất sinh hoạt của nhân dân.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để ứng phó bão số 13, ngày 12/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Công điện chỉ đạo các đơn vị chủ động ứng phó. Trong đó yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện vận hành điều tiết hạ mực nước hồ để tạo dung tích cao nhất đón lũ theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/thành phố. Bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.
Đối với các Tổng công ty Điện lực cần tiếp tục củng cố lưới điện, xử lý các tồn tại, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố. Khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, tổ chức cắt tỉa cây xanh, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.