Phớt lờ cảnh báo mất an toàn điện ngay giữa phố

Dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã không ít lần phản ánh về những nguy cơ mất an toàn do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trụ điện, trạm biến áp, thế nhưng, tại nhiều trụ điện, trạm biến áp trên các tuyến phố của TP Hà Nội hiện nay, nhiều người vẫn chủ quan thản nhiên kinh doanh, buôn bán vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Đặng Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Hồ (Hà Nội) không khỏi lo ngại trước hiện tượng một số người dân thiếu ý thức, tận dụng diện tích xung quanh trụ - bốt điện, trạm biến áp trên các tuyến phố để kinh doanh. 

Mặc dù từ đầu năm đến nay, công ty phối hợp với chính quyền địa phương đã phát gần 10 ngàn tờ rơi tuyên truyền, cảnh báo các hộ gia đình về những nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn đi kèm với việc xâm hại hành lang an toàn lưới điện.

Hàng quán ăn "bủa vây" trạm biến áp ở ngã tư Bát Đàn - Hàng Điếu

10h20 ngày 13/10, có mặt trên tuyến phố này, chúng tôi chứng kiến dưới Trạm biến áp Ngói xi măng 3 - 560 kVA (gần số nhà 514 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội) là hình ảnh người dân thản nhiên kinh doanh cây cảnh. Do dưới lòng đường đông phương tiện qua lại nên chủ cơ sở này còn để luôn xe máy ngay dưới chân cột trạm biến áp. Tại Trạm biến áp Châu Long 1 - ngõ Châu Long (quận Ba Đình), chúng tôi còn giật mình hơn khi cô nhân viên một hàng ăn gần đó còn vô tư đun nấu ngay ở đây...

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng, việc một số người dân thiếu ý thức vi phạm các quy định về an toàn lưới điện, trụ điện, trạm biến áp khiến nguy cơ hỏa hoạn, cháy nổ luôn rình rập xảy ra. Lẽ bởi, thực tiễn cho thấy, số vụ cháy có nguyên nhân bắt nguồn từ sự cố điện luôn chiếm trên 50% tổng số các vụ hỏa hoạn. Nhìn vào thực tế trên có thể thấy rằng, việc phòng ngừa hỏa hoạn có nguyên nhân bắt nguồn từ sự cố điện luôn phải được chú trọng.

Nói về hướng xử lý, ngăn chặn các vi phạm, ông Đặng Thanh Hoàng cho hay, trách nhiệm của ngành Điện lực chỉ có thể thông báo thực trạng vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo về các điểm dễ xảy ra nguy cơ phóng điện, mất an toàn… để người dân tránh xa, không vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Còn việc xử lý cũng như ngăn ngừa các trường hợp vi phạm rất cần sự nhập cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía chính quyền sở tại. 

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngăn chặn các vi phạm tái diễn, bản thân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của Luật Điện lực về an toàn điện. Chớ để khi hậu quả xảy ra thì đã quá muộn.


  • 19/10/2015 09:10
  • Theo cand.com.vn
  • 521497


Gửi nhận xét