Sản xuất điện từ rác: Cần gỡ bỏ các rào cản

Trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch ở nước ta đang ngày càng cạn kiệt, nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) từ gió, mặt trời, sinh khối từ bã mía, trấu vẫn chưa phát triển thì rác đang trở thành nguồn nhiên liệu tiềm năng có thể cung cấp cho hệ thống điện quốc gia một nguồn điện rất lớn.

Còn nhiều rào cản

Theo thống kê hiện nay, tổng lượng chất thải rắn đô thị (CTRĐT) ở Việt Nam khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Dự báo đến năm 2015, con số này sẽ khoảng 13,5 triệu tấn/năm, đến 2020 sẽ là 22 triệu tấn/năm.

Riêng Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 sẽ thải ra trung bình 7.000 - 8.000 tấn rác/ngày, TP. Hồ Chí Minh (10.000 - 12.000 tấn/ngày), Hải Phòng và Đồng Nai (5.000 - 6.000 tấn/ngày)… Đây là nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định cho các nhà máy điện từ rác thải công suất 300 tấn/ngày, tương đương sản lượng gần 350 MW điện.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam mới có dự án Xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp công suất 75 tấn/ngày tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội có thể phát điện với công suất 1930 kW, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. Trước đó, năm 2006, TP. HCM cũng đưa vào hoạt động công trình xử lý rác Gò Cát công suất 2,4 MW. Tuy nhiên, lượng điện sản xuất ra rất nhỏ.

Ông Lê Anh Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Ecotech Việt Nam - cho biết, CTRĐT ở Việt Nam hiện nay gần như chưa được phân loại từ nguồn, thành phần hữu cơ dễ phân hủy lên tới > 60%. Hàm lượng nước trong rác cao (50 - 55%). Vì vậy, nhiệt trị của CTRĐT ở Việt Nam rất thấp, chỉ từ 1.200 – 1.500 kcal/kg. Đây là một trong những yếu tố cản trở lớn nhất cho phát triển các nhà máy Điện từ rác thải ở Việt Nam, nếu như không tìm được công nghệ phù hợp và hiệu quả. Trong đó, phải làm tốt việc phân loại rác thải: Loại bớt độ ẩm trong rác, chỉ chọn những loại rác thải có nhiệt trị cao.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho rằng, giá điện sinh khối lâu nay còn thấp khiến việc kêu gọi đầu tư vào các dự án NLTT rất khó. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng rất băn khoăn về thủ tục cấp phép. Bởi vì, với lộ trình chuẩn bị thủ tục 2 năm như hiện nay là quá dài. Ngoài ra còn chính sách thuê đất, bài toán đầu ra cho điện từ rác...

Còn các địa phương băn khoăn khi suất đầu tư của các dự án quá cao trong khi hiệu quả kinh tế còn hạn chế.

Rác thải có thể cung cấp một nguồn điện rất lớn

Sẽ có cơ chế riêng cho điện rác

Theo GS. TS. Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng KHKT (VACNE), hiệu quả lớn nhất của các nhà máy điện từ rác thải là giữ gìn môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Dự kiến, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về “Cơ chế hỗ trợ  phát triển các dự  án phát điện từ chất thải rắn tại Việt Nam”. Trong đó, dự kiến quy định giá mua bán điện tại điểm giao nhận đối với các dự án đốt chất thải rắn trực tiếp là 2.160 đồng/kWh (tương đương 10,05 USD/kWh). Mức giá này sẽ giúp nhà đầu tư có lãi, bước đầu khuyến khích được việc phát triển loại điện này tại Việt Nam

Theo ông Lê Anh Tùng, chủ tịch Ecotech Việt Nam, để tiếp cận công nghệ xử lý rác thải kết hợp phát điện ở Việt Nam, Ecotech đang đề xuất hợp tác ở 3 dự án: Dự án PPP 5.525 tấn/ngày tại Khu xử lý chất thải công nghệ cao  xã Bắc Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội), tổng mức đầu tư dự kiến là 3.150 tỷ đồng; Dự án BOT 1.000 tấn/ngày tại Khu xử lý rác thải tập trung ở xã Vĩnh Tân (Vĩnh Cửu - Đồng Nai); Dự án FDI 500 - 1.000 tấn/ngày tại Khu xử lý Láng Dài (Đất Đỏ - Bà Rịa Vũng Tàu). Theo ông Tùng, điều Việt Nam nên quan tâm hiện nay là lựa chọn công nghệ thích hợp để vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu giữ gìn môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, sản xuất điện từ rác thải là vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam. Ðể kêu gọi đầu tư, các địa phương cần phối hợp cùng các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ những rào cản, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ Công Thương sẵn sàng cùng các bên tìm kiếm giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để sớm có nhà máy xử lý chất thải rắn, đặc biệt là các nhà máy từ rác này. Chắc chắn điện từ rác thải sẽ có cơ chế riêng về giá, có những có chế khuyến khích ưu đãi liên quan về thuế, thuê đất,... Việc đầu tư sản xuất điện từ rác thành công sẽ góp phần đảm bảo thực hiện đúng định hướng phát triển điện tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Quy hoạch điện VII đặt ra mục tiêu  đến năm 2030 điện gió đạt 6.200 MW, điện sản xuất từ chất thải rắn 2.000 MW, các loại năng lượng khác như địa nhiệt, điện sản xuất từ rác thải sinh hoạt, khí sinh học… đạt khoảng 6.000 MW.

 

 

 


  • 30/12/2013 10:53
  • Theo Báo Công Thương
  • 25747


Gửi nhận xét