Sóc Trăng: An toàn điện cho hộ nuôi tôm

Năm 2017, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra 33 vụ tai nạn điện trong dân, trong đó tai nạn điện liên quan đến hoạt động nuôi tôm chiếm khoảng 90%.

Mất an toàn vì... quá chủ quan

Tại vuông tôm của gia đình anh Nguyễn Văn Khởi ở xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên), cột điện đã bị nghiêng; đường dây điện quanh vuông tôm chằng chịt được treo trên cột gỗ, không có sứ cách điện; mô tơ điện không có tiếp đất... Tuy nhiên anh Khởi coi đây là việc rất... bình thường, bởi xung quanh, gia đình nào cũng làm như vậy. Gia đình anh nuôi tôm từ năm 2013 và hiện nay đã có 4 vuông tôm, mỗi năm doanh thu từ 700-800 triệu đồng. Để phục vụ nuôi tôm, anh kéo điện từ nhà mình ra các vuông tôm. 

Đường điện nhà anh Khởi vốn đã rất tạm bợ, lại sử dụng lâu ngày nên đã xuống cấp trầm trọng. Dù đã được ngành Điện đến tận nơi tuyên truyền, phổ biến về an toàn điện, nhưng gia đình anh Khởi vẫn tiếp tục sử dụng đường điện cũ. Chỉ đến khi được được thông báo cụ thể về những vụ tai nạn điện xảy ra trên địa bàn, anh Khởi mới thực sự lo lắng và dự định sẽ nhờ công nhân điện lực tư vấn, thay thế đường dây điện đã cũ trong thời gian tới. 

Ông Trần Nghĩa Lợi - Chuyên viên Phòng An toàn, Công ty Điện lực Sóc Trăng (PC Sóc Trăng) cho biết, không chỉ riêng gia đình anh Khởi, đa số các hộ dân nuôi tôm nhỏ lẻ, tự phát trong tỉnh Sóc Trăng đều không đăng kí mua điện ba pha mà tự kéo điện sinh hoạt từ nhà mình ra các vuông tôm. Đáng nói, khi kéo điện, các hộ dân không tuân thủ kỹ thuật an toàn điện đối với đường dây, thiết bị sau công tơ. Để giảm chi phí, các hộ dân thường sử dụng vật tư, thiết bị điện kém chất lượng; hay chỉ sử dụng 1 pha đóng te; mô-tơ điện trong quá trình sử dụng không được kiểm tra bảo dưỡng, bảo quản đúng quy trình kĩ thuật, thiết bị điện không được nối đất an toàn dẫn đến tình trạng rò điện; đường dây sau công tơ không đúng tiêu chuẩn, không được kiểm tra, thay thế kịp thời… Chính vì vậy, chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn, là có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm dẫn đến chết người.

Cột điện do hộ dân tự dựng ở ao tôm. Công nhân PC Sóc Trăng đang chỉ rõ những điểm mất an toàn điện cho người dân

Sẽ có chế tài mạnh

Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc PC Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, PC Sóc Trăng đã thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng điện tại các khu vực nuôi tôm, đồng thời tranh thủ tối đa các phương tiện truyền thông đại chúng từ trung ương đến địa phương, tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo về tai nạn điện… Tuy nhiên, các vụ tai nạn điện rất thương tâm vẫn liên tiếp xảy ra. Chính vì vậy, trong năm 2018, PC Sóc Trăng sẽ phối hợp với Cơ quan quản lý về điện tại địa phương triển khai các đợt kiểm tra, phúc tra đồng thời tham mưu cho Sở Công Thương có những giải pháp, chế tài mạnh đối với các hộ còn để tình trạng mất an toàn sử dụng điện trong nuôi tôm. Đặc biệt, Công ty cũng sẽ đưa ra các điều kiện bắt buộc với các hộ nuôi tôm. Cụ thể, nếu đường dây chưa đảm bảo an toàn,  sẽ ngừng cấp điện, vì tính mạng con người là quan trọng nhất… 

Bên cạnh đó, PC Sóc Trăng cũng phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh, xây dựng các video clip, phản ánh những vụ tai nạn điện thương tâm đã xảy ra trên địa bàn; hướng dẫn phương pháp cấp cứu khi bị tai nạn điện... Các video clip này sẽ được phát trên truyền hình địa phương; trình chiếu trong các buổi họp buôn, ấp, các cuộc họp định kỳ các cấp hội, các cấp chính quyền, đoàn thể…, góp phần cảnh báo đến người dân một cách trực quan, cụ thể và sống động.

Cũng theo ông Huỳnh Minh Hải, trong năm 2018, Công ty sẽ phối hợp chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân. Cụ thể, cán bộ điện lực sẽ đến từng vuông tôm hướng dẫn thực hành tại chỗ cách kéo dây, lắp đặt thiết bị điện, các thiết bị bảo vệ an toàn điện, cách nối đất cho mô tơ… trong vuông tôm, giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quy trình kĩ thuật điện.

Hiện nay, PC Sóc Trăng cũng đang thí điểm phát tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong vùng nuôi tôm bằng hai thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Khmer)… tại thị xã Vĩnh Châu. Sau thời gian thí điểm, nếu đạt hiệu quả cao, Công ty sẽ nhân rộng ra các huyện có sử dụng điện nuôi tôm.

Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của ngành Điện, để hạn chế các tai nạn điện trong nuôi tôm, quan trọng nhất vẫn là người dân phải tuân thủ đúng các quy định về an toàn điện, bảo vệ tính mạng của mình và người thân… 


  • 08/05/2018 10:26
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 526483